Viêm gan B là nguyên nhân tử vong của khoảng 1.000.000 người mỗi năm. Hiện tại, chúng ta chưa thể điều trị dứt điểm viêm gan B. Chính vì vậy, dự phòng viêm gan B bằng vắc xin là vô cùng cần thiết, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Vậy, lịch tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ chính xác nhất là gì? Thu Cúc TCI sẽ chia sẻ với bố mẹ câu trả lời trong bài viết sau, đừng bỏ lỡ, bố mẹ nhé!
Bạn đang đọc: Lịch tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ chính xác nhất
1. Viêm gan B: Những điều bố mẹ nhất định phải biết
1.1. Khái niệm
Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm; khi mắc viêm gan B, gan bệnh nhân nhiễm trùng và suy giảm chức năng từ nhẹ đến nặng.
Khoảng 400.000.000 cư dân toàn thế giới mắc viêm gan B mạn tính, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong đó, 1.000.000 người tử vong vì bệnh truyền nhiễm này mỗi năm. Với 10 – 20% dân số mắc viêm gan B, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tỷ lệ bệnh nhân viêm gan B cao nhất thế giới.
1.2. Nguyên nhân
Viêm gan B phát sinh do virus viêm gan B hay virus HBV. Virus HBV thuộc họ Hepadnaviridae, có gen di truyền ADN chuỗi kép, kích thước 27 mm. HBV là virus có khả năng sinh tồn cao. Ở nhiệt độ 100 độ C, trong 30 phút và ở nhiệt độ -20 độ C, trong 20 năm; chúng vẫn chưa bất hoạt.
Virus HBV thuộc họ Hepadnaviridae, kích thước 27 nm.
1.3. Phân loại
Có 2 loại viêm gan B là: Viêm gan B cấp tính và viêm gan B mạn tính. Trong đó:
– Viêm gan B cấp tính: Viêm gan B cấp tính là tình trạng nhiễm trùng gan do virus HBV ngắn hạn (dưới 6 tháng). 90% các trường hợp viêm gan B cấp tính có thể tự khỏi; 10% còn lại thì không thể. Những trường hợp viêm gan B cấp tính không thể tự khỏi, sẽ phát triển thành viêm gan B mạn tính.
– Viêm gan B mạn tính: Viêm gan B mạn tính là tình trạng nhiễm trùng gan do virus HBV dài hạn (trên 6 tháng).
1.4. Phương thức lây nhiễm
Virus HBV có cơ chế lây nhiễm tương tự virus HIV, mặc dù khả năng lây nhiễm của chúng thì cao gấp virus HIV 100 lần. Theo đó, virus HBV có thể lây nhiễm từ người sang người thông qua 3 đường là lây từ mẹ sang con, lây qua máu và lây qua quan hệ tình dục.
1.5. Biến chứng
Viêm gan B cấp tính có thể biến chứng đến viêm gan B mạn tính. Còn viêm gan B mạn tính thì có thể biến chứng đến: Xơ gan, ung thư gan, suy gan và một số vấn đề về sức khỏe khác, như các bệnh lý thận, các bệnh lý mạch máu.
2. Vắc xin viêm gan B: Thông tin hữu ích cơ bản
2.1. Vai trò của vắc xin viêm gan B với trẻ nhỏ
Các bạn đã biết, 10 – 20% dân số Việt Nam mắc viêm gan B. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc bệnh truyền nhiễm này là 10% – một con số tương đối đáng quan ngại. Chưa hết, viêm gan B có thể lây từ mẹ sang con. Nguy cơ trẻ lây viêm gan B từ mẹ là rất cao. Cụ thể, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ trẻ lây viêm gan B từ mẹ trong các trường hợp:
– Mẹ mắc viêm gan B trong 3 tháng đầu thai kỳ: Là 1%.
– Mẹ mắc viêm gan B trong 3 tháng giữa thai kỳ: Là 10%.
– Mẹ mắc viêm gan B trong 3 tháng cuối thai kỳ: Là 70%.
– Sau sinh không có biện pháp bảo vệ: Là 90%.
Không những thế, trẻ là nhóm đối tượng dễ bị viêm gan B mạn tính nhất trong các nhóm đối tượng. Cũng theo WHO, viêm gan B cấp tính ở 80 – 90% trẻ sơ sinh mắc bệnh trước 1 tuổi và 30 – 50% trẻ em mắc bệnh trước 6 tuổi đã phát triển thành viêm gan B mạn tính. Trong khi đó, con số này ở người trưởng thành chỉ là chưa đến 5% – thấp hơn rất nhiều.
Hiện tại, chưa thể điều trị dứt điểm viêm gan B. Bệnh không được kiểm soát tốt, có thể diễn biến đến các biến chứng vô cùng nghiêm trọng, đã được liệt kê phía trên.
Như vậy, viêm gan B đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ. Bởi thế, vắc xin viêm gan B là lá chắn sức khỏe mà bố mẹ không thể không trang bị cho con.
2.2. Khái niệm
Vắc xin viêm gan B là vắc xin có khả năng tạo đáp ứng miễn dịch chủ động chống viêm gan B. Trong cơ thể trẻ, vắc xin viêm gan B kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng thể tiêu diệt virus HBV.
Tìm hiểu thêm: Thời điểm tiêm phòng uốn ván cho bà bầu
Vắc xin viêm gan B kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng thể tiêu diệt virus HBV.
2.3. Phân loại
Hiện tại, ở Việt Nam, trẻ có thể dự phòng viêm gan B bằng một trong ba loại vắc xin sau: Vắc xin viêm gan B sơ sinh trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin Engerix B và vắc xin Heberbiovac HB. Cả 3 loại vắc xin này trước khi được cấp phép sử dụng rộng rãi, đều đã trải qua nhiều quá trình phát triển và thử nghiệm nghiêm ngặt. Chính vì vậy, dù dự phòng viêm gan B bằng vắc xin nào, trẻ cũng sẽ được bảo vệ an toàn trước bệnh truyền nhiễm này và các biến chứng của nó, ít nhất là 95%.
– Vắc xin viêm gan B sơ sinh trong chương trình tiêm chủng mở rộng: Phù hợp với trẻ sơ sinh, dưới 1 ngày tuổi.
– Vắc xin Engerix B: Do Glaxosmithkline (GSK), Bỉ – một trong những tập đoàn dược phẩm và chế phẩm sinh học hàng đầu thế giới, nghiên cứu và sản xuất. Phù hợp với trẻ dưới 20 tuổi.
– Vắc xin Heberbiovac HB: Do Center for Genetic Engineering and Biotechnology (C.I.G.B), Cuba – cũng là một trong những tập đoàn dược phẩm và chế phẩm sinh học hàng đầu thế giới, nghiên cứu và sản xuất. Phù hợp với trẻ từ 10 tuổi.
2.4. Chuyên gia chia sẻ: Lịch tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ
2.4.1. Lịch tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh trong chương trình tiêm chủng mở rộng
– Lịch tiêm: 1 mũi, trong 1 ngày đầu sau sinh.
– Liều dùng: 0,5ml.
– Đường dùng: Tiêm bắp.
2.4.2. Vắc xin Engerix B
– Lịch thông thường: 3 mũi, vào các tháng 0, 1, 6.
– Lịch tiêm nhanh: 4 mũi, vào các tháng 0, 1, 2, 12 tháng.
– Lịch tiêm nhanh hơn: 4 mũi liều cơ bản, vào các ngày 0, 7, 21 và tháng thứ 12 sau mũi 1.
– Liều dùng: 0,5ml.
– Đường dùng: Tiêm bắp.
2.4.3. Vắc xin Heberbiovac HB
– Lịch thông thường: 3 mũi, vào các tháng 0, 1, 6.
– Lịch tiêm nhanh: 4 mũi, vào các tháng 0, 1, 2, 12 tháng.
– Lịch tiêm nhanh hơn: 4 mũi liều cơ bản, vào các ngày 0, 7, 21 và tháng thứ 12 sau mũi 1.
– Liều dùng: 1ml.
– Đường dùng: Tiêm bắp.
>>>>>Xem thêm: Tối ưu hóa hiệu quả vacxin với chế độ ăn uống sau tiêm phù hợp
Cần tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ đúng lịch.
Như vậy, trong bài viết Thu Cúc TCI đã chia sẻ với bố mẹ lịch tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ chính xác nhất. Liên hệ Thu Cúc TCI để được tư vấn chi tiết một cách nhanh chóng, nếu vẫn còn thắc mắc cần giải đáp, bố mẹ nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.