Liệt bell là một trong những bệnh lý thần kinh liên quan đến sự rối loạn chức năng của hệ thống thần kinh, trong đó phổ biến nhất là dây thần kinh số 7. Bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Cùng tìm hiểu thông tin về bệnh liệt bell qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Liệt bell: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
1. Liệt bell là bệnh lý gì?
Liệt bell còn có tên goi khác là liệt mặt hay liệt dây thần kinh số 7. Đây là tình trạng mặt bị liệt hoàn toàn hoặc 1 phần. Bệnh xuất phát từ những tổn thương thân não, ở dây thần kinh số 7, ở xương đá hoặc tuyến mang tai…Tuy nhiên nhóm liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là loại thường gặp nhất, tỷ lệ khoảng 11/1000 số ca bệnh.
Dây thần kinh số 7 có đường đi phức tạp, xuất phát từ hệ thần kinh trung ương qua thái dương, tuyến mang tai, cơ vùng mặt. Chúng có chức năng cảm giác và vị giác, vận động, đặc biệt chi phối vận động của khuôn mặt. Vì vậy, khi dây này bị liệt , khuôn mặt sẽ mất trạng thái vận động bình thường. Người bệnh mất vận động hoàn toàn một bên mặt hoặc cả mặt và được gọi là liệt mặt ngoại biên.
2. Triệu chứng
Các triệu chứng bệnh liệt bell thường chỉ ảnh hưởng đến một bên của khuôn mặt. Một số trường hợp hiếm hoi, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến cả hai bên với các triệu chứng xảy ra một cách đột ngột, gồm:
– Chảy nước dãi, méo, xệ miệng
– Nhạy cảm hơn với tiếng ồn
– Đau hàm hoặc phía sau tai
– Đau nhức đầu
– Giảm vị giác
– Yếu một bên mặt
– Chảy nước mắt, mí bị sụp, khô mắt, không thể nháy
– Gặp khó khăn trong việc biểu cảm, khi nhắm mắt hoặc khi cười
– Bị tê liệt nhẹ ở một bên hoặc toàn mặt
Thông thường, triệu chứng của bệnh này có thể kéo dài vài giờ đến vài ngày.
Các triệu chứng của bệnh liệt bell có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi người, mức độ nghiêm trọng từ yếu nhẹ đến liệt toàn bộ.
Các triệu chứng xuất hiện đột ngột trong khoảng vài giờ cho tới vài ngày, từ 48 – 72 giờ. Bệnh thường bắt đầu cải thiện khi có hoặc không điều trị sau vài tuần. Thời gian phục hồi hoàn toàn có thể diễn ra trong vòng 6 tháng nhưng có những trường hợp, tình trạng yếu cơ kéo dài hơn hoặc vĩnh viễn.
Tìm hiểu thêm: Bị đau đầu âm ỉ khám những gì? Khám khoa nào?
3. Nguyên nhân gây ra tình trạng liệt dây thần kinh số 7
Liệt mặt có thể xuất phát do nhiều nguyên nhân.
3.1 Virus – nguyên nhân chủ yếu gây liệt bell
Bệnh có thể liên quan đến sự tấn công của một số loại virus làm cho dây thần kinh mặt bị viêm.
Khi virus tấn công, dây thần kinh này sưng lên và bị viêm để phản ứng với nhiễm trùng. Điều này gây ra áp lực trong ống dẫn, làm hạn chế máu và oxy đến các tế bào thần kinh.
Một số loại virus và các bệnh lý có thể gây liệt mặt như: Herpes simplex (mụn giộp sinh dục), Herpes zoster (thủy đậu và bệnh zona), Epstein-Barr (tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng), Cytomegalovirus, Adenovirus (các bệnh về đường hô hấp), Rubella (sởi Đức), virus quai bị, cúm B, Coxsackievirus (bệnh tay chân miệng)…
3.2 Các nguyên nhân gây liệt bell khác
Bao gồm chấn thương, khối u ở đầu cổ,… Cụ thể ở mỗi vị trí khác nhau có các nguyên nhân tương ứng gồm:
– Trong sọ: Gồm Tai biến mạch não; u hệ thần kinh trung ương; u dây thần kinh thính giác…
– Trong xương thái dương: Liệt mặt vô căn; zona hạch gối; nhiễm khuẩn tai giữa biến chứng
– Chấn thương: Thường do phẫu thuật, vỡ xương thái dương, cụ thể là u dây thần kinh mặt, nhiễm mononucléose, bệnh Lyme.
– Ngoài xương thái dương: Thường là u tuyến mang tai
– Bệnh hệ thống: Gồm Sarcoidose, bệnh đa thần kinh, xơ cứng rải rác…
4. Những ai dễ bị liệt dây thần kinh số 7?
Liệt bell có thể xảy ra ở mọi đối tượng nhưng có một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gồm:
– Phụ nữ mang thai, đặc biệt là ở 3 tháng cuối thai kỳ hoặc trong tuần đầu tiên sau khi sinh
– Người bị tiền sản giật
– Người béo phì
– Người có tiền sử mắc bệnh tăng huyết áp
– Thường xuyên bị nhiễm trùng, cúm hay cảm lạnh
– Người mắc bệnh tiểu đường
– Người có tiền sử gia đình bị liệt mặt
>>>>>Xem thêm: Đa dạng nguyên nhân khó ngủ và cách điều trị bạn cần biết
5. Biến chứng
Liệt dây thần kinh số 7 có thể gây ra rất nhiều hệ lụy đối với người bệnh. Nhẹ nhất là làm mất tính thẩm mỹ, khiến người bệnh bị tự ti trong giao tiếp và khó khăn trong thể hiện cảm xúc. Nặng hơn, bệnh nhân có thể gặp nhiều di chứng nặng nề như:
– Biến chứng tại mắt: Điển hình nhất là viêm giác mạc, viêm kết mạc, loét giác mạc, lộn mí,… Có thể đề phòng hoặc xử lý tình trạng này bằng cách: đeo kính, khâu một phần hoặc toàn bộ sụn mí.
– Hội chứng co thắt nửa mặt sau: Xảy ra ở những trường hợp nặng do sự phân bố lại thần kinh một phần.
– Đồng vận: Khi gặp biến chứng này, người bệnh bị co cơ không tự chủ khi thực hiện các hoạt động tự chủ như khi nhắm mắt, mép sẽ bị kéo lại. Biến chứng này không thể chữa khỏi tuy nhiên có thể giảm thiểu sự khó chịu bằng phục hồi chức năng.
– Hội chứng nước mắt cá sấu: Triệu chứng điển hình là chảy nước mắt trong lúc ăn, tuy nhiên biến chứng này ít xảy ra.
6. Cách điều trị liệt bell
Tùy vào nguyên nhân, biểu hiện và mức độ liệt, có thể điều trị bệnh liệt bell bằng các phương pháp:
6.1 Điều trị nội khoa
– Thuốc giảm phù nề: Thường dùng corticoid sớm, liều 1mg prednisolon/kg cân nặng để giảm phù nề chèn ép trong ống xương, đặc biệt đối với liệt mặt vô căn.
– Chống virus: Sử dụng cho những trường hợp có nhiễm virus hay đau vùng sau tai, rối loạn cảm giác vùng mặt.
Quá trình này cần được kê đơn và giám sát bởi bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh. Người bệnh tuyệt đối tuân thủ đơn thuốc và tham khảo ý kiến bác sĩ khi có bất cứ bất thường nào.
6.2 Ngoại khoa
Thường được chỉ định cho các trường hợp liệt mặt xảy ra ngay sau chấn thương xương đá, sau phẫu thuật tai, do cholesteatoma, do lạnh hoặc khi điều trị nội khoa trên 6 tuần không có hiệu quả, bệnh đã tiến triển gây biến chứng.
6.3 Châm cứu
Châm cứu kết hợp với các bài tập cơ mặt giúp giữ trương lực cơ và phân bố mạch để chống teo cơ.
6.4 Chăm sóc mắt
Nhỏ thường xuyên nước mắt nhân tạo và băng mắt khi ngủ giúp đảm bảo cho giác mạc được phủ kín, tránh viêm giác mạc.
Trên đây là những thông tin về bệnh liệt bell hay liệt mặt. Các thông tin chỉ mang tính tham khảo, khi thấy các biểu hiện của bệnh, hãy đi khám chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn trị phù hợp. Bệnh nhân muốn biết Thu Cúc TCI đang áp dụng phương pháp điều trị hoặc có nhu cầu đặt lịch khám, nào vui lòng liên hệ để được tư vấn chi tiết.