Tình trạng lỗ tai bị sưng và đau là một trong những triệu chứng cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm. Do đó, cần có cái nhìn cụ thể và nâng cao cảnh giác khi phát hiện triệu chứng này. Cùng TCI theo dõi bài viết dưới đây để hiểu hơn về các bệnh lý nguyên nhân và có cách xử trí phù hợp cho bản thân khi bắt gặp tình trạng lỗ tai sưng đau.
Bạn đang đọc: Lỗ tai bị sưng và đau – Cẩn trọng báo hiệu nhiều bệnh lý
1. Lỗ tai bị sưng đau có thể do nhiều bệnh lý
Thông thường, sự va đập hoặc các bệnh lý nhiễm trùng có thể khiến tai của chúng ta bị ảnh hưởng, gây nên các vấn đề kèm tình trạng lỗ tai sưng đau. Nếu bạn đang có triệu chứng này, điều này có thể cảnh báo do những vấn đề như sau:
1.1. Chấn thương
Trong một số tình huống chấn thương, chúng ta có thể bị sưng và đau phần lỗ tai kèm theo tình trạng bầm tím. Những chấn thương này có thể do va đập, do sự ảnh hưởng của việc ngoáy lỗ tai, dị vật trong tai,…
1.2. Viêm ống tai ngoài
Viêm ống tai ngoài có thể do nhiều nguyên nhân gây nên, có thể do virus, vi khuẩn hoặc nấm. Một số nghề nghiệp hoặc thói quen cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm ống tai ngoài như: bơi lội, làm việc ngoài trời không bảo hộ tại,… Khi bị viêm ống tai ngoài, ngoài tình trạng sưng đau lỗ tai thì người bệnh có thể kèm theo cảm giác ngứa tai, chảy dịch tai, ù tai, nghe kém,…
Tai sưng đau có thể là do vấn đề viêm ống tai
1.3. Viêm tai giữa
Cảm giác đau tai, sưng và nhiễm trùng là những triệu chứng điển hình của viêm tai giữa (phần tai ngay phía sau màng nhĩ). Đây là bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng ống eustachian nối mũi và tai gây nên, thường do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập. Viêm tai giữa còn điển hình bởi các triệu chứng như sốt, chảy nước tai, đau đầu, khó ngủ, nghe kém,…
1.4. Viêm mô tế bào
Viêm mô tế bào có thể xuất hiện ở nhiều vị trí, trong đó có ống tai ngoài. Ở ống tai ngoài, bệnh lý này gây cảm giác lỗ tai sưng đỏ và đau nhói. Bên cạnh đó, sốt lạnh cũng là triệu chứng cần xem xét với bệnh lý này.
1.5. Viêm nhiễm xương chũm
Các bệnh lý liên quan đến xương chũm như viêm cơ ức đòn chũm, viêm xương chũm, viêm tai xương chũm có cholesteatoma là những bệnh lý nghiêm trọng ở tai giữa, thường gây cảm giác đau, sưng, áp lực trong tai. Những bệnh lý này thường là biến chứng từ tình trạng viêm tai, nếu không được điều trị đúng cách thường trở nặng và có thể gây nhiều biến chứng.
Tìm hiểu thêm: Nhận biết dấu hiệu trẻ bị viêm VA và cách xử lý
Một người bệnh phải phẫu thuật vá nhĩ, giải quyết viêm nhiễm tại TCI sau khi có triệu chứng lỗ tai sưng đau
2. Xử lý khi sưng đau lỗ tai
2.1. Vì sao không nên chủ quan khi lỗ tai bị sưng và đau?
Có rất nhiều bệnh lý là nguyên nhân gây nên tình trạng sưng đau khu vực lỗ tai, trong đó, các vấn đề viêm nhiễm là những nguyên nhân chủ yếu. Tình trạng viêm nhiễm tai dù ở bộ phận nào cũng chứa đựng nhiều hệ quả với nguy cơ lây nhiễm lân cận, làm phát sinh những biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó, do tai có vị trí gần đầu và các dây thần kinh dày đặc xung quanh, nên viêm nhiễm tai dễ lan rộng, ảnh hưởng đến nội sọ (viêm màng não, áp xe não), thần kinh (liệt dây thần kinh số 7, viêm mê nhĩ,…), bệnh lý về xương (cốt tủy viêm xương gần kề, viêm xương đá,..)
2.2. Các hành động thiết thực trong xử lý lỗ tai bị sưng và đau.
Nhằm phòng ngừa, kiểm soát và loại bỏ những nguy cơ bệnh liên quan đến chấn thương, viêm nhiễm tai cùng nhiều hệ lụy, khi gặp chứng sưng đau lỗ tai, cần chú ý:
– Nên thăm khám để xác định đúng bệnh lý và điều trị phù hợp. Đặc biệt, các bệnh lý tai mũi họng thường khá phổ biến ở trẻ nhỏ, việc khai thác triệu chứng thường khó khăn hơn so với người trưởng thành. Chính vì thế, chẩn đoán bệnh lý gây tình trạng sưng đau lỗ tai rất cần được các bác sĩ xem xét cụ thể, chi tiết để kết luận bệnh lý chính xác và có phương pháp điều trị phù hợp theo đúng bệnh lý và thể trạng của mỗi người.
– Không nên lạm dụng ngoáy tai. Việc tự ý vệ sinh tai bằng các dụng cụ cứng hay các vật dụng bất kỳ đều kèm theo nguy cơ tổn thương màng nhĩ hoặc ống tai, làm nguy cơ nhiễm trùng tăng cao.
– Một số biện pháp giảm đau tại chỗ: Cần chú ý rằng, thực hiện các thuốc uống giảm đau không steroid để giảm sưng đau cùng các thuốc khác theo đúng liều dùng bác sĩ đã kê. Ngoài ra, có thể kết hợp với việc chườm lạnh gần tai để giảm sưng đau tại chỗ. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ khi bạn muốn thực hiện bất cứ điều trị nào không có trong chỉ định.
– Nghỉ ngơi phù hợp, đúng cách: Nên giảm bớt các hoạt động gây áp lực lên tai và nghỉ ngơi phù hợp để cơ thể sản sinh kháng thể để đối phó và phục hồi trước tình trạng nhiễm trùng.
2.3. Làm gì khi sưng đau trong tai không giảm?
>>>>>Xem thêm: Phòng tránh nguy cơ bị viêm xoang tái phát
Kiểm tra và điều trị ngay khi chúng ta nhận thấy những dấu hiệu bất thường
Nếu đã thăm khám chuyên khoa tai mũi họng và thực hiện theo đơn thuốc cùng chỉ định của bác sĩ dành cho mình nhưng người bệnh không thấy triệu chứng sưng đau trong lỗ tai giảm đi, thậm chí là trở nên tồi tệ, cần sớm tái khám để bác sĩ kiểm tra. Điều này có thể do:
– Nhiễm trùng nặng, cần các loại kháng sinh hoặc thuốc nặng hơn để kiểm soát tác nhân bệnh.
– Tái nhiễm trùng sau khi đã điều trị.
– Sưng đau tai do vấn đề khác, ví dụ như về cấu trúc tai, bệnh lý liên quan đến miễn dịch, hạch bạch huyết,… nhưng nơi điều trị không phát hiện ra.
– Có tổ chức cholesteatoma nhưng không được can thiệp đúng cách mà chỉ điều trị bằng thuốc thông thường.
Nhìn chung, với tình trạng lỗ tai bị sưng và đau, người bệnh cần sớm đến các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp. Nên nhớ rằng, đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khó. Do đó, không nên tự chẩn đoán hoặc điều trị mà không có chỉ định từ bác sĩ, bởi điển này có thể khiến bệnh không khỏi mà còn nghiêm trọng hơn. Khi điều trị, cần tuân thủ và phối hợp phản hồi với các bác sĩ để luôn an tâm trước những tiến triển của bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.