Loét giác mạc là tổn thương thường gặp ở vùng mắt, xảy ra khi giác mạc tiếp xúc với bụi bẩn, đất cát hoặc dị vật… Tình trạng này không chỉ làm suy giảm thị lực và gây bất tiện trong sinh hoạt mà còn có nguy cơ biến chứng nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách.
Bạn đang đọc: Loét giác mạc: Nguyên nhân, biểu hiện và phương pháp điều trị
1. Loét giác mạc là gì?
Giác mạc là lớp mô trong suốt nằm ở phía trước con ngươi, tiếp xúc đầu tiên với ánh sáng và cho phép ánh sáng đi qua để mắt có thể nhìn được mọi vật. Loét giác mạc là tình trạng giác mạc bị tổn thương khi tiếp xúc với bụi bẩn, đất cát, dị vật, dụi mắt… và bị nhiễm trùng.
Giác mạc bị loét, nhiễm trùng khá nguy hiểm vì có thể để lại những hậu quả như sẹo giác mạc, lồi mắt cua. Nguy hiểm hơn, nếu điều trị muộn và sai cách thì bệnh có thể gây mất một phần hoặc toàn bộ thị lực.
Bệnh có thể lây truyền khi người bệnh dụi mắt, khiến vi khuẩn, virus, nấm lây lan sang các vật thể xung quanh. Người khỏe mạnh sử dụng chung đồ dùng cá nhân, tiếp xúc gần… có nguy cơ mắc bệnh cao. Tuy vậy, loét ở giác mạc thường không lây qua đường tiêu hóa hay đường hô hấp.
Loét giác mạc là tình trạng giác mạc bị tổn thương khi tiếp xúc với bụi bẩn, đất cát, dị vật, dụi mắt… và bị nhiễm trùng
2. Nguyên nhân gây bệnh
Loét ở vùng giác mạc có thể hình thành do rất nhiều tác nhân như:
– Nhiễm khuẩn (tụ cầu, phế cầu, liên cầu…), nấm (nấm sợi, fusarium, aspergillus…) hoặc virus (zona, herpes…), ký sinh trùng gây viêm nhiễm ở vùng giác mạc.
– Biến chứng của một số bệnh nhãn khoa thường gặp như lông quặm, hở mi do liệt dây thần kinh số 7 hoặc bệnh toàn thân như đái tháo đường, bướu cổ…
– Chấn thương mắt khiến giác mạc bị tổn thương, dễ dàng bị các tác nhân có hại tấn công gây viêm nhiễm.
– Khô mắt, lạm dụng thuốc nhỏ mắt, dùng kính áp tròng sai cách, vệ sinh không đảm bảo…
Những người sinh sống ở khu vực có môi trường không đảm bảo, nhiều khói bụi, ô nhiễm thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Vệ sinh và chăm sóc mắt không đúng cách cũng có thể là lý do khiến mắt dễ dàng bị viêm, nhiễm bệnh.
Một trong những tác nhân gây viêm loét giác mạc chính là phế cầu khuẩn
3. Biểu hiện loét giác mạc
Khi bị viêm loét ở giác mạc mắt, mọi người thường gặp phải các triệu chứng cơ bản như:
– Vết loét dạng đốm trắng mờ, xám ở trên giác mạc.
– Tích tụ mủ ở phía sau giác mạc, gọi là mủ tiền phòng.
– Giác mạc đỏ, đau, cảm giác có dị vật ở trong mắt.
– Mắt nhạy cảm, đau nhức, dễ dàng bị kích ứng và khó chịu với ánh sáng.
– Tăng tiết nước mắt, thường xuyên chảy nước mắt bất thường.
– Kết mạc đỏ ngầu.
– Khó mở mắt, phần mí mắt sưng nề, co quắp mi.
– Giác mạc không còn bóng, trở nên gồ ghề, đục ngầu.
Theo các bác sĩ nhãn khoa, loét ở giác mạc nếu không được điều trị sớm và đúng cách thì có nguy cơ cao dẫn tới tình trạng: Để lại sẹo đục, nhiễm trùng sâu, thủng giác mạc, lệch mống mắt, mất thị lực vĩnh viễn…
Do vậy ngay khi phát hiện mắt có các dấu hiệu bất thường kể trên, mọi người cần tới ngay các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời với các bác sĩ nhãn khoa.
Tìm hiểu thêm: Những thông tin về dịch bệnh viêm kết mạc do virus
Vết loét dạng đốm trắng mờ, xám ở trên giác mạc là biểu hiện dễ nhận biết nhất của bệnh
5. Điều trị loét giác mạc
5.1. Chẩn đoán bệnh
Bác sĩ sẽ đánh giá vết loét ở giác mạc bằng đèn khe – Dụng cụ cho phép kiểm tra mắt dưới độ phóng đại cao. Thông qua đèn khe, bác sĩ có thể nhìn rõ vết loét và nhỏ thuốc nhỏ mắt có chất nhuộm màu Fluorescein. Chất huỳnh quang sẽ nhuộm tạm thời vùng bị tổn thương của giác mạc và bác sĩ có thể đánh giá bệnh một cách dễ dàng.
Ngoài ra, bác sĩ còn có thể cạo bề mặt vết loét để lấy mẫu và nuôi cấy vi khuẩn giúp phục vụ cho quá trình điều trị trong tương lai.
5.2. Điều trị bệnh
Giác mạc bị viêm loét cần được điều trị ngay lập tức để hạn chế tối đa tổn thương giác mạc cũng như nguy cơ gặp biến chứng.
Đối với những người bị bệnh mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nhỏ mắt, thuốc kháng sinh, kháng virus hoặc kháng nấm… tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Người bệnh cần sử dụng thuốc, nhỏ mắt và vệ sinh mắt khoa học theo chỉ dẫn của bác sĩ trong khoảng vài ngày. Một số trường hợp có thể được chỉ định sử dụng thuốc giảm đau để hạn chế tình trạng đau nhức, khó chịu cho người bệnh.
Đối với những người bị viêm loét nặng, phẫu thuật khoét bỏ nhãn cầu, múc nội nhãn hoặc phẫu thuật ghép giác mạc là những giải pháp thường được áp dụng. Phẫu thuật phức tạp, cần được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, bởi bác sĩ nhãn khoa có chuyên môn. Người bệnh cần thăm khám kỹ lưỡng để được bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của bản thân.
Phẫu thuật ghép giác mạc được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa
6. Phòng ngừa viêm loét giác mạc
Để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu nguy cơ mắc viêm loét giác mạc, mọi người cần xây dựng một chế độ chăm sóc, vệ sinh mắt khoa học như sau:
– Sử dụng kính áp tròng đúng cách, chất lượng, thay kính theo thời gian đã được hướng dẫn.
– Không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và khắc phục bằng việc đeo kính bảo vệ mắt.
– Vệ sinh vùng mắt sạch sẽ và massage nhẹ nhàng mỗi ngày để kích thích mạch máu lưu thông giúp mắt khỏe mạnh hơn.
– Tăng cường bổ sung vitamin A và các dưỡng chất cần thiết cho một đôi mắt sáng khỏe.
– Không sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian quá lâu, nên có quãng nghỉ khoảng 10-15 phút sau 45 phút làm việc, học tập.
– Khám mắt thường xuyên hoặc ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để điều trị sớm và đúng cách với bác sĩ có chuyên môn.
>>>>>Xem thêm: Hiểu về đôi mắt để giúp bạn bảo vệ sức khỏe đôi mắt tốt hơn
Khám mắt thường xuyên hoặc ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để điều trị sớm và đúng cách
Bệnh loét giác mạc ảnh hưởng lớn tới sức khỏe nhãn khoa nên cần được điều trị kịp thời và đúng cách bởi bác sĩ có chuyên môn. Do đó, lựa chọn cơ sở y tế uy tín là việc vô cùng cần thiết để giúp bạn được chăm sóc và bảo vệ đôi mắt một cách toàn diện.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.