Lồng ruột là bệnh lý mà gần như chỉ trẻ nhỏ mới có nguy cơ mắc. Lồng ruột ở trẻ diễn tiến nhanh, có thể khiến trẻ hoạt tử ruột, viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết và tử vong chỉ trong 24 giờ. Để bảo vệ trẻ trước lồng ruột, bố mẹ nhất định phải biết những thông tin sau về bệnh lý này.
Bạn đang đọc: Lồng ruột ở trẻ: Cẩn trọng nguy cơ hoại tử ruột
1. Thế nào là lồng ruột?
Lồng ruột là một bệnh lý tương đối phổ biến ở trẻ nhỏ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 90% bệnh nhân lồng ruột trên toàn thế giới là trẻ dưới 1 tuổi.
Khi một đoạn ruột bất kỳ của trẻ không nằm tại vị trí bình thường nó vẫn nằm mà di chuyển vào lòng một đoạn ruột khác, mang cả hệ thống mạch máu nuôi dưỡng nó di chuyển theo, trẻ được xác định là bị lồng ruột.
Khi một đoạn ruột di chuyển vào lòng một đoạn ruột khác, trẻ được xác định là bị lồng ruột.
2. Đâu là nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến lồng ruột?
2.1. 90% số ca lồng ruột chưa thể xác định nguyên nhân
Lồng ruột là một bệnh lý bí ẩn khi mà có tới 90% số ca phát sinh từ một hoặc một vài nguyên nhân chưa thể xác định. 10% số ca lồng ruột còn lại có thể khởi phát do những nguyên nhân dưới đây:
– Trẻ có u và/hoặc polyp đại tràng: Khi có u/polyp đại tràng, nhu động ruột trẻ có thể biến động bất thường. Tình trạng này có thể dẫn đến lồng ruột.
– Trẻ nhiễm trùng đường tiêu hóa vì Rotavirus.
– Trẻ có bất thường phẫu thuật ở ruột.
– Trẻ có cấu tạo khác biệt bẩm sinh ở ruột.
– Trẻ có các vấn đề sức khỏe tiêu cực khác ở hệ tiêu hóa như trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài.
2.2. Giới tính và tuổi tác là hai yếu tố nguy cơ lồng ruột ở trẻ
Có hai yếu tố nguy cơ lồng ruột là tuổi tác và giới tính. Theo đó, trẻ có nguy cơ bị lồng ruột cao hơn so với bình thường nếu có giới tính nam và chưa quá một tuổi.
3. Triệu chứng lồng ruột là gì?
Lồng ruột có thể bị nhầm lẫn một cách dễ dàng với các bệnh lý tiêu hóa khác, do triệu chứng lồng ruột tương đối giống triệu chứng các bệnh lý tiêu hóa nói chung. Mặc dù vậy, nếu đặc biệt chú ý, bố mẹ sẽ thấy trẻ bị lồng ruột có những biểu hiện sau:
– Khóc dữ dội theo cơn: Trẻ đang ăn, đang chơi, đột nhiên khóc dữ dội. Trong cơn khóc, trẻ ưỡn người, hai tay nắm chặt, hai chân đạp lung tung. Trẻ khóc rồi nín 10 – 15 phút, sau đó tiếp tục khóc.
– Nôn mửa: Sau khóc, trẻ bắt đầu nôn. Lúc đầu, trẻ nôn ra thức ăn chưa kịp tiêu hóa; tiếp theo, trẻ nôn ra mật xanh mật vàng; cuối cùng, trẻ nôn ra dịch dạng phân.
– Đi ngoài ra phân có chất nhầy màu đỏ như máu.
– Bụng căng cứng, nổi cục: Khi trẻ nằm yên, bố mẹ có thể sờ thấy một cục bất thường mềm mại dưới bụng phải hoặc trên rốn trẻ. Đồng thời bố mẹ cũng có thể sờ thấy hố chậu phải trẻ trống rỗng vì đoạn ruột ở đây đã di chuyển vị trí.
Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân bệnh tay chân miệng và cách chăm sóc trẻ bị bệnh
Lồng ruột ở trẻ có thể được nhận biết bằng cách sờ bụng.
4. Lồng ruột có thể biến chứng hay không?
Như đã chia sẻ phía trên, thời gian lồng ruột cần để biến chứng là vô cùng ngắn. Các biến chứng lồng ruột chúng ta có là hoại tử ruột, viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết. Trong đó, nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm hơn hoại tử ruột và viêm phúc mạc. Nhiễm khuẩn huyết có thể khiến trẻ tử vong. Tuy nhiên, thời gian cần để hoại tử ruột và viêm phúc mạc tiến triển đến nhiễm khuẩn huyết cũng cực kỳ ngắn.
Lồng ruột trong một số trường hợp có thể tự tháo mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, có rất ít trường hợp lồng ruột như thế và những trường hợp ấy rất dễ tái phát. Một khi đã tái phát, chúng diễn tiến chỉ trong 24 giờ.
5. Điều trị lồng ruột ra sao?
5.1. Chẩn đoán lồng ruột ở trẻ
Để chẩn đoán xác định tình trạng lồng ruột, trẻ cần được thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng với chuyên gia tại các cơ sở y tế uy tín. Thăm khám lâm sàng chủ yếu là quan sát và đối chiếu biểu hiện của trẻ với các dấu hiệu nhận biết lồng ruột. Kết quả thăm khám lâm sàng là cơ sở để chuyên gia chỉ định các thăm khám cận lâm sàng. Theo đó, các thăm khám cận lâm sàng này chủ yếu là: Chụp X-quang bụng, chụp CT Scan bụng, siêu âm ổ bụng,… Kết quả thăm khám cận lâm sàng là cơ sở để chuyên gia chẩn đoán xác định tình trạng lồng ruột của trẻ.
>>>>>Xem thêm: Suy hô hấp ở trẻ nhỏ: Nhận biết và điều trị đúng cách
Trẻ thăm khám với chuyên gia để được chẩn đoán lồng ruột.
5.2. Ba phương pháp điều trị lồng ruột ở trẻ
Có nhiều phương pháp điều trị lồng ruột. Việc chuyên gia chỉ định phương pháp điều trị nào, phụ thuộc vào thời gian lồng ruột của trẻ ra sao. Cụ thể:
– Nếu thời gian trẻ lồng ruột chưa quá 6 giờ: Trẻ sẽ được chuyên gia tháo lồng bằng hơi. Theo đó, chuyên gia sẽ đặt vào trực tràng trẻ một ống thông. Tiếp theo, hơi được bơm vào trực tràng trẻ với một áp lực vừa phải để phần ruột lồng được kéo giãn. Phương pháp điều trị lồng ruột này có tỷ lệ thành công rất cao.
– Nếu thời gian trẻ lồng ruột chưa quá 24 giờ: Trẻ sẽ được chuyên gia phẫu thuật tháo lồng và điều trị nội khoa dự phòng nhiễm trùng bằng kháng sinh. Phương pháp điều trị này cũng được áp dụng với các trường hợp lồng ruột chưa quá 6 giờ nếu các trường hợp đó đã được tiến hành tháo lồng bằng hơi nhưng không hiệu quả.
– Nếu thời gian trẻ lồng ruột quá 24 giờ: Lúc này, phần ruột lồng của trẻ khả năng cao là đã hoại tử. Trẻ cần được chuyên gia phẫu thuật cắt bỏ phần ruột đã hoại tử khẩn cấp.
Ngay cả khi đã được điều trị, lồng ruột vẫn có thể tái phát, chính vì vậy, trẻ phải lưu viện 1 – 2 ngày để được theo dõi. Khi đã ăn uống và đại tiện bình thường, trẻ có thể xuất viện.
Phía trên là những thông tin cơ bản hữu ích bố mẹ phải biết về lồng ruột. Để được giải đáp chi tiết một cách nhanh chóng về bệnh lý này, liên hệ ngay Thu Cúc TCI, bố mẹ nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.