Co giật là biểu hiện hoạt động phóng điện của nhiều tế bào thần kinh ở vỏ não xảy ra đồng thời, thoáng qua và không thể kiểm soát. Cách sơ cứu người bị co giật an toàn, đúng cách được chia sẻ ở bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Lưu ý cách sơ cứu người bị co giật an toàn
1. Giải đáp cơn co giật là gì?
Co giật là một loại rối loạn thần kinh. Co giật không phải là một bệnh mà là triệu chứng của một bệnh lý thần kinh. Người bị co giật cần được thăm khám, chẩn đoán chính xác để điều trị phù hợp.
Co giật còn được hiểu là rối loạn chức năng não kịch phát không tự ý. Biểu hiện bao gồm giảm hoặc mất tri giác, hoạt động vận động bất thường, rối loạn hành vi, rối loạn cảm giác, ….
Tình trạng co giật xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, cần thăm khám để được chẩn đoán chính xác
2. Tìm hiểu nguyên nhân gây co giật phổ biến
2.1. Co giật do bệnh động kinh
Bệnh động kinh là tình trạng rối loạn từ các tín hiệu điện trong não, gây co giật tái diễn. Một số người mắc bệnh động kinh nhìn ngây người, không có chủ đích trong vài giây. Một số khác lại lên cơn co giật. Bệnh động kinh được chia thành 2 dạng bao gồm: động kinh cục bộ, động kinh toàn thể.
Động kinh cục bộ gây co giật
Cơn động kinh xuất hiện từ hoạt động bất thường của một phần não bộ được gọi là cơn co giật cục bộ.
– Cơn động kinh cục bộ đơn giản: cơn co giật không gây mất ý thức nhưng làm thay đổi cảm xúc, cách nhìn, ngửi, nếm mùi vị, … Một số trường hợp bị co giật ở cánh tay hoặc chân, tự nhiên bị ngứa, chóng mặt hoặc mắt nhấp nháy liên tục.
– Cơn động kinh cục bộ phức tạp: cơn co giật làm thay đổi ý thức, nhận thức trong một khoảng thời gian. Người bị động kinh dạng này thường nhìn chằm chằm và hành động không chủ đích như nhai, nuốt, đi vòng tròn, …
Động kinh toàn thể gây co giật
Động kinh liên quan đến tất cả não bộ được gọi là động kinh toàn thể. Trong đó lại có 4 loại động kinh toàn thể như sau:
– Không có cơn co giật: đặc trưng bởi hành động nhìn, chuyển động cơ thể không có chủ đích và mất ý thức ngắn hạn.
– Động kinh múa giật: những cơn co giật xuất hiện đột ngột hoặc bị co rút tay, chân.
– Động kinh suy nhược: cơn co giật làm mất trương lực cơ bình thường khiến người bệnh bất ngờ ngã ra.
– Động kinh cơn lớn: biểu hiện bao gồm mất ý thức, cơ thể co cứng, run rẩy và không thể kiểm soát bàng quang.
2.2. Một số nguyên nhân khác gây co giật
Co giật phân ly
– Thường xảy ra ở người trẻ, do hoạt động cảm xúc tăng hoặc hoạt động lý trí suy yếu. Biểu hiện bao gồm:
– Giãy giụa lung tung.
– Không bị mất ý thức.
– Cơn co giật tái phát, dài hay ngắn phụ thuộc vào hoàn cảnh tâm lý.
– Không xuất hiện rối loạn thần kinh thực vật.
– Sau khi tỉnh lại, người bệnh nhớ được mọi việc xảy ra trong cơn.
Co giật do hạ đường huyết
Nguyên nhân do dùng insulin liều quá cao, do tổn thương tuyến nội tiết hoặc tuyến tuỵ. Một số biểu hiện như sau:
– Cảm giác bụng cồn cào, đổ mồ hôi, buồn nôn, mệt lả người
– Co giật toàn thân hoặc nửa người
– Hôn mê
– Liệt: liệt tạm thời rồi phục hồi hoàn toàn
– Da tái nhợt, thở nhanh, mạch đập nhanh
Tìm hiểu thêm: Xơ vữa động mạch: Triệu chứng, hậu quả
Hạ đường huyết cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng co giật
Co giật do hạ canxi máu
– Tình trạng này phổ biến ở những trẻ em bị còi xương, người bị thiểu năng giáp trạng, … với biểu hiện bao gồm:
– Co giật toàn thân, bệnh nhân ở tư thế tay gấp, chân duỗi cong
– Cơn co giật thắt thanh quản làm bệnh nhân tím tái, có thể đe doạ tính mạng
Co giật do sốt cao
– Trẻ em dưới 2 tuổi sốt cao trên 39 độ thường gặp tình trạng này
– Cơn co giật toàn thân đi kèm biểu hiện trẻ hốt hoảng, mắt ngơ ngác sợ hãi, nói ú ớ, …
3. Một số lưu ý khi sơ cứu người bị co giật ai cũng nên biết
3.1. Các cách sơ cứu người bị co giật an toàn
– Khi phát hiện có người đang co giật, cần giữ bình tĩnh để giúp đỡ họ.
– Yêu cầu mọi người xung quanh không tập trung quá đông để giữ không gian thông thoáng.
– Loại bỏ các vật sắc, nhọn ra xa người đang co giật vì khi họ mất ý thức có thể gây tổn thương cho bản thân và cả những người xung quanh.
– Đặt nạn nhân nằm nghiêng sang bên trái để tránh nước bọt, dịch nôn làm tắc nghẽn đường thở, đặt chân phải lên cao, tạo thành góc vuông ở đầu gối.
– Đặt gối, khăn, … kê dưới đầu người bệnh để bảo vệ đầu.
– Nới lỏng quần áo, thắt lưng, khăn quàng cổ, … để tránh gây nghẹt thở.
– Với trẻ em co giật do sốt cao có thể cởi bớt quần áo, cho trẻ nằm trong không gian thoáng mát, sử dụng thuốc hạ sốt theo đơn của bác sĩ.
– Thông thường cơn co giật sẽ hết trong khoảng 2 – 4 phút. Không để người bệnh ở một mình, nhanh chóng gọi cấp cứu để đưa người bệnh đến cơ sở y tế.
– Cần quan sát các biểu hiện đi kèm xuất hiện trong cơn co giật để báo với bác sĩ. Những thông tin này có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị về sau.
– Sau cơn co giật nên kiểm tra tình trạng còn thở, còn đáp ứng không. Nếu nạn nhân không có bất cứ cử động hoặc âm thanh phản hồi, không thở, cần thực hiện hô hấp nhân tạo.
– Nếu người bệnh lên cơn khi đang dùng thuốc chống co giật, nên gọi cho bác sĩ điều trị để có hướng xử lý kịp thời.
3.2. Cảnh báo những việc không nên làm khi sơ cứu người bị co giật
– Khi gặp người bị co giật, cần lưu ý tránh những việc làm sau đây trong quá trình sơ cứu nạn nhân để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng:
– Không di chuyển người đang co giật.
– Không đè lên người đang co giật, không giữ tay chân vì sẽ gây chấn thương cho người bệnh.
– Không dùng tay hoặc bất cứ đồ vật nào vào miệng để ngăn cắn lưỡi vì có thể làm gãy răng, gây ngạt thở, …
– Nếu người bệnh cắn lưỡi trong cơn co giật, sau khi hết cơn cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để kiểm tra.
– Không cho người bệnh ăn hoặc uống bất kì thực phẩm gì vì gây sặc, nguy hiểm đến tính mạng.
>>>>>Xem thêm: Khám tim mạch ở bệnh viện nào tốt?
Để được điều trị sớm và phù hợp, người thường xuyên bị co giật cần đến chuyên khoa Nội thần kinh để thăm khám
Nhìn chung, tình trạng co giật cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, người bị co giật cần thăm khám để tìm ra nguyên nhân chính xác và được điều trị phù hợp. Tránh làm theo những mẹo dân gian, uống thuốc truyền miệng khiến tình trạng co giật trở nặng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.