Tai biến mạch máu não là bệnh lý có thể gây tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nguy hiểm như liệt nửa người, rối loạn tâm thần, rối loạn ngôn ngữ… Việc tìm hiểu những cách chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não chính là phương pháp hiệu quả giúp phòng ngừa bệnh tái phát và giảm thiểu các biến chứng có thể xảy ra.
Bạn đang đọc: Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não
1. Bệnh nhân tai biến có thể phải đối mặt với những di chứng gì?
Tai biến mạch máu não hay đột quỵ não là căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Đặc biệt, độ tuổi của người bị đột quỵ đang ngày càng trẻ. Chưa dừng lại ở đó, ngay cả khi được cứu sống, các bệnh nhân tai biến mạch máu não vẫn phải đối mặt với những hệ lụy đáng lo ngại.
Hầu hết các bệnh nhân sau tai biến đều có thể gặp những di chứng để lại. Tùy thuộc vào vùng tổn thương, phương pháp xử trí và điều trị trước đó mà mức độ và khả năng ảnh hưởng của di chứng đến người bệnh sẽ khác nhau. Bệnh nhân có thể bị liệt nửa người, mất cảm giác, mất thị giác, rối loạn vận động, mất khả năng tính toán và nhận biết đồ vật…
Bên cạnh đó, việc nằm lâu hoặc hạn chế vận động trong một thời gian dài sau tai biến có thể gây cứng khớp, loét ép, liệt ngoại biên thứ phát…
2. Những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não
Để giảm bớt các di chứng và phòng ngừa tái phát tai biến mạch máu não, sau giai đoạn cấp cứu, bệnh nhân cần được chăm sóc và điều trị theo một chế độ đặc biệt. Dưới đây là một số lưu ý đối với những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân tai biến:
2.1 Chăm sóc tâm lý
Sau khi mắc tai biến mạch máu não, nhiều người phải đối mặt với tình trạng liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ… khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái lo âu, buồn chán, mệt mỏi. Lúc này, các sinh hoạt hàng ngày cũng phải phụ thuộc vào người khác nên họ thường có tâm lý mặc cảm, cảm thấy mình vô dụng.
Để giúp người bệnh vui vẻ, lạc quan hơn, người nhà cần động viên, hỗ trợ bệnh nhân tự chăm sóc bằng cách sử dụng một số dụng cụ hỗ trợ việc ăn uống, vệ sinh. Điều này sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy bớt bị phụ thuộc và có ích hơn khi có thể thực hiện một số thao tác sinh hoạt cơ bản.
Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân gây đau nửa đầu bên trái
2.2 Chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não thông qua chế độ dinh dưỡng
Nhu cầu dinh dưỡng về các nhóm chất cơ bản cần thiết cho người bị tai biến mạch máu não bao gồm:
– Nhu cầu về đạm: Nên chọn những thực phẩm chứa ít cholesterol và nhiều đạm thực vật (đậu tương, đậu đỗ…) và đạm động vật (cá biển, sữa, thịt nạc…).
– Nhu cầu về chất béo: Các loại axit béo trong dầu thực vật còn có tác dụng làm giảm nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là đột quỵ do cục máu đông hình thành trong lòng mạch máu não. Nên sử dụng chất béo với tỷ lệ 2/3 chất béo từ thực vật và 1/3 chất béo từ động vật.
– Nhu cầu về vitamin và chất khoáng: Các loại rau củ, hoa quả chín, sữa đều chứa một lượng lớn vitamin và chất khoáng, đặc biệt là hàm lượng kali có tác dụng lợi tiểu và giảm huyết áp. Ngoài ra, các thực phẩm giàu axit folic như rau xanh, gạo, mì, các loại đậu sẽ giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ và các bệnh về tim mạch.
– Nhu cầu về năng lượng: Nên giảm bớt năng lượng có trong khẩu phần ăn để tránh tăng cân, đồng thời giảm nhẹ hoạt động cho bộ máy tiêu hóa và tuần hoàn. Cần chú ý sử dụng các loại rau củ, đậu đỗ, mì, bún, miến, cơm… để bổ sung đầy đủ cho bệnh nhân mắc tai biến.
Bên cạnh đó, nên sử dụng những loại thức ăn dễ tiêu hóa và hấp thụ ở dạng mềm, lỏng như cháo, súp, sữa và chia nhỏ thành 3 – 4 bữa/ngày. Không nên cho bệnh nhân ăn quá no, hạn chế tối đa đồ lên men, các chất gây kích thích như gia vị cay, nóng, rượu, cà phê…
2.3 Chăm sóc vệ sinh
Việc chăm sóc và giữ vệ sinh cho bệnh nhân tai biến mạch máu não có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hồi phục và cải thiện sức khỏe. Một số điều cần lưu ý khi chăm sóc vệ sinh ở người tai biến đó là:
– Giữ da bệnh nhân luôn sạch sẽ, khô thoáng để tránh tình trạng lở loét và giảm nguy cơ nhiễm trùng. Người thân có thể xoa bóp và di chuyển nhẹ nhàng bệnh nhân để máu được lưu thông.
– Khi tắm hay vệ sinh cá nhân cho người bệnh nên thực hiện trong phòng kín gió, nhiệt độ vừa phải và nước ấm, thời gian tắm từ 5 – 7 phút. Đặc biệt không nên tắm vào buổi tối.
– Đối với những bệnh nhân tai biến mạch máu não thì việc đại tiểu tiện sẽ diễn ra rất khó khăn. Vì vậy, nên chọn các phương pháp tiện lợi cho người bệnh và chú ý vệ sinh sạch sẽ kịp thời sau mỗi lần đại tiểu tiện để phòng ngừa viêm nhiễm.
2.4 Giường nằm
Đối với bệnh nhân tai biến mạch máu não, khi sử dụng giường nằm cho người bệnh cần lưu ý một số điều sau:
– Sử dụng đệm hơi hoặc đệm nước trong trường hợp bệnh nhân có liệt chi.
– Giữ đệm và giường luôn bằng phẳng.
– Giường phải có thanh chắn để tránh cho người bệnh bị té ngã, đầu giường có thể nâng cao được.
– Sử dụng thêm gối chống đỡ và cố định phần lưng, đầu khi bệnh nhân nằm nghiêng.
– Bố trí giường ở nơi thoáng mát, có ánh sáng mặt trời, không ẩm thấp và tránh gió lùa.
2.5 Chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não qua chế độ sinh hoạt và tập luyện
Chế độ sinh hoạt và tập luyện cũng là một vấn đề cần lưu ý ở bệnh nhân sau tai biến mạch máu não. Người chăm sóc cần thực hiện một số điều sau đây:
– Bệnh nhân cần được đổi tư thế nằm ít nhất trong 2 giờ để chống lở loét.
– Thường xuyên xoa bóp các cơ, khớp tay, khớp chân để giúp người bệnh lưu thông máu, ngăn ngừa tình trạng đau cơ và cứng khớp.
– Tùy vào mức độ di chứng liệt, người nhà nên phối hợp với nhân viên y tế đề ra kế hoạch tập luyện và vận động phù hợp cho bệnh nhân. Mỗi ngày nên tập 2 – 3 lần và cố gắng cho bệnh nhân tự thực hiện các động tác, công việc sinh hoạt hàng ngày để tăng tốc độ hồi phục.
>>>>>Xem thêm: Thế nào là đau thần kinh tọa và cách điều trị
2.6 Sử dụng thuốc và tái khám
Những trường hợp đã có tiền sử tai biến thường rất dễ có nguy cơ tái phát, đặc biệt lần sau sẽ nặng hơn so với lần đầu. Do vậy, ngoài việc chăm sóc sinh hoạt cho người bệnh, người nhà cần theo dõi sát sao việc uống thuốc theo đơn của bác sĩ đều đặn mỗi ngày để phòng ngừa bệnh tái phát. Bên cạnh đó, nên tái khám chuyên khoa Nội thần kinh sau khi sử dụng hết thuốc hoặc có các dấu hiệu bất thường để được xử lý kịp thời và đúng cách.
Chăm sóc người bệnh tai biến mạch máu não là một quá trình có thể kéo dài, đòi hỏi phải kiên trì và cẩn trọng của người chăm sóc. Chăm sóc hiệu quả và khống chế tốt các yếu tố nguy cơ ở bệnh nhân tai biến vẫn luôn là phương pháp tối ưu, nhằm tránh nguy cơ tai biến tái phát và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.