Thuốc cản quang là một loại thuốc có chứa iodine, thường được sử dụng để tăng cường mức độ tương phản của cấu trúc hoặc dịch cơ thể trong quá trình thăm khám chẩn đoán hình ảnh. Vậy chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang thì cần lưu ý những điều gì và khi nào cần áp dụng? Cùng tìm hiểu ngay nhé.
Bạn đang đọc: Lưu ý khi chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang
1. Khi nào cần chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang?
Đa phần các trường hợp chụp cắt lớp vi tính để chẩn đoán chính xác bệnh thì cần phải tiêm thuốc cản quang, trong đó bao gồm các trường hợp như:
– Chụp cắt lớp vi tính bụng cần tiêm thuốc cản quang để chẩn đoán bệnh lý ở các tạng như gan mật, tụy, lá lách, hệ tiết niệu, tử cung, buồng trứng, và các bệnh lý về hệ tiêu hóa.
– Các trường hợp nghi ngờ có khối u phát triển
– Đa phần các trường hợp như viêm nhiễm, áp xe thì đều cần tiêm thuốc cản quang khi chụp chiếu, trừ viêm phổi đã được chẩn đoán chắc chắn và không cần phân biệt với các bệnh lý liên quan khác.
– Các bệnh lý về mạch máu như phình mạch, giả phình, dị dạng mạch máu, bóc tách động mạch, tắc hẹp, xơ vữa động mạch… Thì đều cần tiêm thuốc cản quang để chụp cắt lớp vi tính.
– Một số trường hợp đặc biệt cũng cần tiêm thuốc cản quang bao gồm: Tìm nguồn mạch nuôi phổi biệt lập, đánh giá vùng tưới máu của tổn thương, chẩn đoán mức độ vách hóa của tụ máu dưới màng cứng…
Người bệnh cần tiêm thuốc cản quang khi chẩn đoán các bệnh lý về gan mật, tim mạch vành…
2. Chống chỉ định thuốc cản quang khi chụp CT
2.1 Chống chỉ định tương đối
– Người bị suy gan mất bù, suy tim
– Người bị suy thận nặng độ III, IV. Nếu trường hợp bắt buộc phải tiêm thuốc thì bác sĩ cần lên kế hoạch chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân ngay sau khi tiêm thuốc cản quang.
– Người bị đa u tủy, thiểu niệu. Nếu cần phải chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang thì phải truyền dịch cho bệnh nhân
– Người có tiền sử dị ứng với thuốc, tiểu sử hen phế quản hay cơ địa dị ứng
– Người bị mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, cường giáp, hồng cầu lưỡi liềm…
– Phụ nữ có thai: Việc sử dụng thuốc cản quang không chứa ion chưa được chứng minh là đầy đủ an toàn đối với phụ nữ mang thai. Chính vì thế, hầu hết các trường hợp đều không chỉ định tiêm thuốc cản quang.
– Phụ nữ đang cho con bú: Mặc dù thuốc cản quang tiết vào sữa mẹ là rất thấp, nhưng không phải là hoàn toàn 100% các trường hợp. Do vậy, nên ngưng ít nhất 24 giờ sau khi chụp có cản quang mới cho trẻ bú trở lại.
2.2 Chống chỉ định tuyệt đối chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang
Tiêm thuốc cản quang khi chụp cắt lớp vi tính có chống chỉ định tuyệt đối khi người bệnh bị mất nước nặng và nhất là với những người bị dị ứng nặng với i ốt. Bởi trong thành phần thuốc cản quang là iodine, nếu tiêm vào cơ thể có thể gây dị ứng nặng, gây sốc phản vệ đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Tìm hiểu thêm: Nội soi tiêu hóa công nghệ NBI hiện đại hàng đầu hiện nay
Người bị dị ứng thuốc nặng hay đang mất nước tuyệt đối không được tiêm thuốc cản quang
3. Những lưu ý trước và sau khi chụp cắt lớp có cản quang
3.1 Chuẩn bị trước khi chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang
Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ kiểm tra các vấn đề an toàn trước khi tiêm thuốc cản quang, bao gồm: Tiền sử dị ứng thuốc, tiền sử hen phế quản, có bị mất nước hay đang bị tiêu chảy hay không, có bị tiểu đường hoặc suy thận phải dùng thuốc hay không.
Tiếp theo là chỉ định kiểm tra chức năng thận: Creatinin là yếu tố cần phải được đánh giá trước khi sử dụng thuốc cản quang. Một số trường hợp khác như đang chạy thận nhân tạo định kỳ, chấn thương thận hoặc các trường hợp đe dọa đến tính mạng cần yêu cầu chụp khẩn cấp có thể tiến hành chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang ngay mà không cần chờ kết quả đo creatinin.
Ngưng các loại thuốc có nguy cơ độc cho thận đang sử dụng. Ngoài ra, khách hàng cũng cần nhịn ăn trước ít nhất 4 tiếng trước khi tiêm thuốc cản quang.
Trường hợp khách hàng có tiền sử dị ứng thuốc, bị hen phế quản thì sẽ được dự phòng phản ứng trước khi đưa xuống khoa chẩn đoán hình ảnh để tiến hành tiêm thuốc cản quang.
3.2 Sau quá trình chụp
– Người bệnh được theo dõi tại phòng chụp hoặc phòng hồi tỉnh ít nhất 30 phút để xem cơ thể có phản ứng bất thường hay là không.
– Nếu không có bất thường về sức khỏe xảy ra, người bệnh sẽ được hướng dẫn quay lại phòng khám.
– Đối với bệnh nhân đang điều trị nội trú, bác sĩ sẽ có chế độ theo dõi phù hợp tùy thuộc vào thể trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân.
– Nếu bệnh nhân ngoại trú, không có xuất hiện các yếu tố nguy cơ thì có thể về nhà. Bệnh nhân nên uống nhiều nước, theo dõi lượng nước tiểu trong vòng 24 giờ. Nếu thấy lượng nước tiểu ít đi so với bình thường thì cần đến bệnh viện kiểm tra chức năng thận.
– Lập chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ chất, tăng cường bổ sung rau xanh và hoa quả. Hạn chế các loại chất kích thích như rượu bia, đồ ăn chế biến sẵn, đồ chứa nhiều dầu mỡ.
>>>>>Xem thêm: Chụp CT phổi là gì: Tổng hợp tất cả những điều bạn cần biết
Người bệnh cần theo dõi trong 24 giờ sau chụp có cản quang
Trên đây là những lưu ý về chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang mà bạn cần biết. Nếu có những biểu hiện bất thường trong cơ thể, bạn nên đến và thăm khám ngay tại các chuyên khoa để được chẩn đoán, xác định bệnh lý và có hướng điều trị phù hợp.