Bạch hầu là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có tỉ lệ tử vong khoảng 3% và dễ dàng lây truyền qua đường hô hấp. Hiện nay, tiêm vacxin là biện pháp tối ưu để phòng ngừa bệnh hiệu quả, tuy nhiên không phải ai cũng rõ ràng về những phản ứng sau khi tiêm vacxin bạch hầu cũng như cách chăm sóc, xử lý.
Bạn đang đọc: Lưu ý về phản ứng sau khi tiêm vacxin bạch hầu
1. Tìm hiểu chung về bệnh bạch hầu
1.1. Con đường lây truyền của bệnh
Bạch hầu là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi vi khuẩn bạch hầu hình que, đặc trưng bởi quá trình viêm cùng sự hình thành màng fibrin tại vị trí tác nhân xâm nhập, ngoại độc tố đi vào máu nhiễm độc cho cơ thể với những biến chứng nặng nề. Một số đặc điểm nổi bật của bệnh gồm:
– Ổ chứa vi khuẩn: Người bệnh và người khỏe mạnh có mang vi khuẩn, những nơi này vừa là ổ chứa vừa là nguồn truyền bệnh.
– Thời gian ủ bệnh: Kéo dài từ 2 – 5 ngày, có thể lâu hơn.
– Thời kỳ lây truyền bệnh: Thông thường, thời kỳ lây truyền bệnh kéo dài khoảng nửa tháng hoặc ngắn hơn, ít khi kéo dài trên 1 tháng. Người bình thường mang vi khuẩn bạch hầu có thể từ vài ngày đến 1 tháng, hiếm khi kéo dài đến nửa năm.
– Phương thức truyền bệnh: Thông thường vi khuẩn bạch hầu ngụ ở bề mặt hoặc gần bề mặt màng nhầy cổ họng. Khi người bệnh hoặc người mang vi khuẩn ho, hắt hơi, vi khuẩn sẽ bắn ra môi trường xung quanh thông qua những giọt nhỏ, đi vào hô hấp của những người xung quanh. Đây là cách giúp vi khuẩn bạch hầu lây lan một cách nhanh chóng, đặc biệt ở những nơi đông người.
– Biến chứng: Hầu hết biến chứng của bệnh là do độc tố gây ra, thường gặp nhất là viêm cơ tim và viêm thần kinh. Ngoài ra bệnh có thể gây thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu, suy hô hấp,…
Bạch hầu là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi vi khuẩn bạch hầu hình que.
1.2. Đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh
Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bạch hầu gồm:
– Trẻ em và người lớn mọi độ tuổi có tiếp xúc với người nhiễm bệnh.
– Người đi du lịch đến các vùng có dịch bạch hầu nhưng chưa được tiêm chủng đầy đủ.
– Người bị suy giảm miễn dịch.
– Người sống trong môi trường đông đúc và kém vệ sinh.
Miễn dịch bảo vệ cơ thể sản sinh sau khi tiêm vacxin bạch hầu thường kéo dài khoảng 10 năm, hiệu quả bảo vệ của vacxin khá cao (97%) nhưng lượng kháng thể trong cơ thể sẽ giảm dần theo thời gian. Chính vì vậy, những đối tượng không tiêm mũi nhắc lại vẫn có khả năng mắc bệnh.
1.3. Triệu chứng của bệnh
Triệu chứng ban đầu của bệnh sẽ tương tự như cảm lạnh như ho, đau họng, sốt, ớn lạnh và nặng dần theo thời gian. Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn bạch hầu gây bệnh mà bệnh sẽ có các biểu hiện khác biệt như:
– Bạch hầu mũi trước: Người bệnh sổ mũi, mũi chảy mủ nhầy đôi khi lẫn máu, khi khám có thể thấy màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh này thường nhẹ do độc tố của vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.
– Bạch hầu họng và amidan: Người bệnh mệt mỏi, đau họng, chán ăn và sốt nhẹ. Sau khoảng 2-3 ngày sẽ xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc trắng ngà hoặc xám, dai, dính chắc vào amidan hoặc lan rộng bao phủ cả hầu họng. Lớp giả mạc khó bóc và dễ gây chảy máu. Thể bệnh này độc tố ngấm vào máu nhiều và có thể gây nhiễm độc toàn thân, một số người bệnh có thể sưng nề vùng dưới hàm hoặc sưng hạch cổ. Trường hợp nhiễm độc nặng, người bệnh phờ phạc và tái xanh, mạch nhanh, đờ đẫn và hôn mê, nếu không được điều trị tích cực có thể tử vong trong 6-10 ngày.
– Bạch hầu thanh quản: Thể bệnh tiến triển nhanh và nguy hiểm, người bệnh thường sốt, khàn giọng, ho nhiều. Khi khám, bác sĩ có thể thấy giả mạc ngay thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, giả mạc có thể làm tắc đường thở và gây suy hô hấp, tử vong nhanh chóng.
– Bạch hầu tại các vị trí khác: Vi khuẩn bạch hầu có thể gây loét ở da, niêm mạc mắt, âm đạo hoặc ống tai, tuy nhiên thể bệnh này thường nhẹ và hiếm gặp.
2. Vacxin bạch hầu và phản ứng sau khi tiêm vacxin bạch hầu
2.1. Các loại vacxin bạch hầu hiện nay
Thực hiện tiêm vacxin bạch hầu có ý nghĩa quan trọng trong việc dự phòng bệnh. Với mục đích này, các nghiên cứu viên đã sử dụng độc tố bạch hầu đã được làm mất độc tính, hấp thụ trong nhôm hydroxyd để điều chế thành vacxin. Hiện nay, tại Việt Nam không lưu hành vacxin phòng bạch hầu đơn lẻ mà chỉ có vacxin phối hợp trong đó chứa kháng nguyên bạch hầu như:
– Vacxin 6 trong 1 như Infanrix hexa, Hexaxim đề phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi do Hemophilus Influenza tuýp b và viêm gan B.
– Vacxin 5 trong 1 như Combe Five, Quinvaxem. SII đề phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi do Hemophilus Influenza tuýp b và viêm gan B.
– Vacxin 4 trong 1 như Tetraxim đề phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt.
– Vacxin 3 trong 1 như Adacel, Boostrix, DPT đề phòng bạch hầu, ho gà và uốn ván.
– Vacxin 2 trong 1 đề phòng bạch hầu và uốn ván cho các đối tượng có nguy cơ cao, chỉ được sử dụng khi có dịch chứ không tiêm chủng phổ cập.
Tùy từng đối tượng sẽ được chỉ định loại vacxin bạch hầu phù hợp, chống chỉ định cho loại vacxin này gần như không có chỉ trừ trường hợp đối tượng có phản ứng, dị ứng nặng với các thành phần trong vacxin.
Tìm hiểu thêm: Lịch tiêm vắc xin 6 trong 1 đầy đủ nhất và những lưu ý quan trọng
Hiện nay kháng nguyên bạch hầu có sẵn trong các loại vacxin phối hợp như Hexaxim.
2.2. Gặp phản ứng sau khi tiêm vacxin bạch hầu có nguy hiểm không?
Nhìn chung, các phản ứng sau khi tiêm vacxin phòng bệnh bạch hầu không quá nguy hiểm. Cụ thể một vài tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm bao gồm:
– Biểu hiện tại chỗ: Sưng đỏ (có thể hơn 5cm).
– Biểu hiện toàn thân: Sốt nhẹ 38 – 39 độ C, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, chán ăn, đau cơ cánh tay, đau đầu.
Nhìn chung, các phản ứng thường xảy ra trong vòng 1 – 3 ngày sau khi tiêm và tự khỏi sau 3 – 5 ngày, không cần điều trị. Tuy nhiên nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường như sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt, phát ban, khó thở, li bì, trẻ quấy khóc liên tục thì hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín gần nhất để được xử lý kịp thời.
>>>>>Xem thêm: Giải đáp thắc mắc chích uốn ván bao nhiêu tiền và đối tượng tiêm
Nhìn chung, các phản ứng sau khi tiêm vacxin không quá nguy hiểm.
2.3. Lưu ý khi chăm sóc, theo dõi những phản ứng sau khi tiêm vacxin bạch hầu
Trẻ em và người lớn sau khi tiêm vacxin bạch hầu đều cần được theo dõi tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng, nếu phát hiện dấu hiệu, biểu hiện bất thường cần báo ngay cho nhân viên y tế.
Trẻ em cần được theo dõi tiếp trong 1 – 2 ngày sau tiêm bao gồm:
– Thân nhiệt.
– Nhịp thở.
– Sự tỉnh táo.
– Ăn, uống, ngủ.
– Da toàn thân và vùng tiêm.
Khi chăm sóc cho đối tượng sau tiêm, đặc biệt là trẻ nhỏ cần lưu ý các vấn đề sau:
– Mặc quần áo thoáng.
– Duy trì chế độ dinh dưỡng thường ngày, uống nhiều nước.
– Có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường với liều phù hợp nếu sốt trên 38.5 độ C.
– Chườm lạnh tại vị trí tiêm bị sưng để giảm đau.
– Tránh chạm vào vết tiêm.
– Không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất kỳ thứ gì lên vết tiêm để tránh nhiễm trùng.
– Không dùng aspirin, thuốc ho và hạ sốt khác vì có thể làm tăng liều paracetamol.
Trên đây là thông tin giải đáp về vấn đề phản ứng sau tiêm vacxin bạch hầu. Để được tư vấn thêm về tiêm chủng, bạn hãy liên hệ ngay tới Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ nhé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.