Vitamin A đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Ngoài việc bổ sung vitamin A qua các nguồn thực phẩm, cha mẹ có thể cho trẻ bổ sung dưới dạng viên nang. Đặc biệt trong 3 năm đầu đời, trẻ nên được uống bổ sung vitamin A liều cao. Bài viết dưới đây sẽ giúp phụ huynh nắm rõ hơn về việc bổ sung vitamin A cho trẻ để đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Bạn đang đọc: Lưu ý về việc bổ sung vitamin A cho trẻ mà bố mẹ nên biết
1. Vì sao cha mẹ cần bổ sung vitamin A cho trẻ?
1.1. Vai trò chính của vitamin A đối với trẻ
Đây là một dưỡng chất quan trọng và có lợi cho sức khỏe của trẻ. Nó giúp tăng cường thị lực. Bổ sung đầy đủ vitamin này giúp cơ thể chống lại một số bệnh về mắt trong điều kiện thiếu ánh sáng, có vai trò tạo sắc tố võng mạc giúp mắt quan sát được. Việc bị giảm khả năng nhìn lúc ánh sáng yếu, dân gian thường gọi “quáng gà ”chính là biểu hiện sớm ở trẻ khi thiếu hụt lượng vitamin A.
Vitamin này giúp cơ thể trẻ tăng trưởng. Bên cạnh vitamin D, vitamin A cũng có vai trò hỗ trợ quá trình phát triển của xương và cơ thể trẻ. Trẻ sẽ bị chậm lớn, còi cọc và suy dinh dưỡng nếu thiếu đi vitamin A.
1.2. Các vai trò khác
Bên cạnh đó, nếu thiếu vitamin này sẽ làm giảm tiết chất nhầy và tăng ức chế sự sừng hóa, khiến cho mắt trẻ bị khô, da sần sùi, nứt nẻ. Một trong những chức năng quan trọng của vitamin A đó là tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Trẻ sẽ dễ bị nhiễm trùng hoặc mắc bệnh lý như sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp, viêm tai nếu thiếu vitamin này. Vitamin A tác động đến sức khỏe miễn dịch bằng cách kích thích phản ứng bảo vệ cơ thể bạn khỏi bệnh tật và nhiễm trùng.
Vitamin A có liên quan tới việc tạo ra một số tế bào, bao gồm cả tế bào B và T. Nó đóng vai trò trung tâm trong các phản ứng miễn dịch để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh. Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng này dẫn tới tăng mức độ của các phân tử gây viêm, làm giảm phản ứng và chức năng của hệ miễn dịch.
Vitamin A là một dưỡng chất quan trọng và có lợi cho sức khỏe của trẻ
2. Nên bổ sung vitamin A sao cho đúng cách?
2.1. Phụ huynh nên bổ sung vitamin A cho trẻ từ mấy tháng?
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam, phụ huynh nên cho trẻ uống vitamin A từ 6 – 36 tháng với liều bổ sung 2 lần/năm, cụ thể là vào ngày 1 và 2/6 (đợt 1), ngày mùng 1 và 2/12 (đợt 2) hàng năm nhằm phòng ngừa bệnh như quáng gà hoặc mù lòa. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên bổ sung vitamin A cho những trẻ dưới 6 tháng tuổi không được nuôi bằng sữa mẹ và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao bị thiếu vitamin A.
Việc cho trẻ uống vitamin A cần được thực hiện tại các cơ sở y tế phường/xã. Do mỗi đợt chỉ uống 1 liều duy nhất, do đó cha mẹ cần lưu ý để báo cho bác sĩ biết nếu bé đã được uống 1 liều vitamin A trong cùng 1 đợt. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần quan tâm đến thời gian cho trẻ uống bổ sung vitamin A vì lịch uống có thể xê dịch theo hàng năm.
2.2. Nên bổ sung vitamin A cho trẻ với liều lượng bao nhiêu?
Lượng vitamin A bổ sung cho trẻ sẽ được tính mỗi 6 tháng theo liều lượng khuyến cáo sau:
– Trẻ dưới 6 tháng tuổi (không được bú mẹ): Uống 50.000 IU.
– Trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi: Uống 100.000 IU.
– Trẻ từ 12 đến 36 tháng tuổi: Uống 200.000 IU.
– Trẻ từ 37 đến 60 tháng tuổi (có nguy cơ cao thiếu vitamin A): Uống 200.000 IU.
Để phòng nguy cơ thiếu hụt vitamin A cho trẻ, các bà mẹ trong vòng 1 tháng sau sinh cũng nên uống khoảng 200.000 IU vitamin. Không chỉ chú trọng tới việc uống vitamin A theo liều định kỳ mỗi năm, cha mẹ cũng nên bổ sung loại vitamin này thông qua chế độ ăn uống hằng ngày.
Tìm hiểu thêm: Hoạt huyết dưỡng não: Công dụng và những lưu ý khi sử dụng
Lượng vitamin A bổ sung cho trẻ sẽ được tính mỗi 6 tháng theo liều lượng được khuyến cáo
2.3. Cho trẻ bổ sung bao nhiêu vitamin A bị xem là quá liều?
Theo khuyến cáo của Viện Y học Hoa Kỳ, trẻ em từ 1 – 3 tuổi không nên bổ sung quá 2.000 IU/ngày và trẻ từ 4 – 8 tuổi không nên uống nhiều hơn 3.000 IU/ngày. Việc hấp thụ quá nhiều vitamin A vào cơ thể sẽ khiến cho trẻ gặp phải hiện tượng như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn ói, thiếu sự phối hợp vận động và nhìn mờ. Trường hợp nặng, dùng quá liều vitamin A cho trẻ sẽ gây nên các bệnh về gan, loãng xương hoặc một số rối loạn hệ thần kinh trung ương.
Mặc dù đây là một dưỡng chất thiết yếu đối với sự phát triển của trẻ, tuy nhiên cha mẹ chỉ nên bổ sung cho con theo đúng liều lượng đã được khuyến cáo. Tránh để trẻ hấp thu quá ít hoặc quá nhiều nhằm phòng ngừa tác dụng phụ nghiêm trọng.
3. Một số nguồn cung cấp vitamin A mà phụ huynh nên biết
3.1. Nguồn cung cấp quan trọng
– Sữa mẹ luôn được xem là nguồn cung cấp vitamin A dồi dào với con. Vì thế các bà mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ, nhất là trong khoảng 6 tháng đầu tiên.
– Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, bạn nên bổ sung vitamin này vào khẩu phần ăn cho trẻ nhằm đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Một số loại thực phẩm có nhiều vitamin A bạn cần biết là:
Cá, thịt.
Sữa, trứng.
Gan động vật có vú.
Pho mát, bơ.
Rau xanh, trái cây màu vàng, xanh, đỏ đậm.
3.2. Lưu ý khác cho bạn
– Sử dụng đa dạng loại thực phẩm khác nhau. Cách chế biến cũng nên hấp dẫn và hợp khẩu vị sẽ giúp cho trẻ tăng khả năng hấp thụ.
– Nên ưu tiên các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A và caroten. Bữa ăn của trẻ nên cân đối, có đủ đạm, dầu mỡ để tăng hấp thụ, chuyển hóa vitamin A.
– Lượng vitamin A trong thực phẩm trên chỉ là tham khảo. Nó có thể thay đổi tùy kích thước cũng như trọng lượng của chúng. Trẻ có thể tiêu thụ ít/nhiều hơn khẩu phần thực phẩm trên. Phụ huynh chỉ cần đảm bảo phù hợp đối với nhu cầu của cơ thể bé.
– Đặc biệt, trong thời kỳ mang thai và cho con bú, mẹ cần ăn đủ chất. Đặc biệt chú ý bổ sung thức ăn giàu vitamin A, giàu caroten, nhiều đạm và dầu mỡ. Hãy cho trẻ bú mẹ đủ thời gian và chú ý tiêm chủng phòng bệnh, nhất là bệnh sởi.
>>>>>Xem thêm: Để ngăn thiếu vitamin D ở trẻ thì bố mẹ hãy làm điều này
Trong thời kỳ cho con bú, mẹ cần ăn đủ chất, chú ý thức ăn giàu vitamin A
Trên đây là những thông tin cần biết về việc bổ sung vitamin A cho trẻ đúng cách và đảm bảo an toàn. Phụ huynh nên lưu ý hỏi ý kiến bác sĩ để biết chính xác con em mình nên cung cấp liều lượng vitamin A như thế nào để phù hợp với thể trạng của bé nhất nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.