Khi trẻ bước vào lứa tuổi trưởng thành, nhiều biến chuyển trong cả cơ thể và tâm lý khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng, trong đó có cả nguy cơ lây nhiễm HPV. Nên dự phòng vắc xin HPV cho trẻ khi nào? Tiêm vắc xin HPV có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ? Đừng quá lo lắng nhé bố mẹ ơi, mọi băn khoăn khi tiêm phòng HPV cho bé gái sẽ được phòng tiêm chủng TCI lý giải chi tiết trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Lý giải những “lăn tăn” của cha mẹ khi tiêm phòng HPV cho bé gái
1. Cha mẹ cần biết tầm quan trọng của việc tiêm phòng HPV cho bé gái
Có thể ví HPV như một “mối nguy lớn” với sức khỏe khi hằng năm, ước tính có khoảng 690.000 trường hợp ung thư liên quan đến HPV được chẩn đoán ở nam và nữ trên khắp thế giới. Loại virus này là nguyên nhân chính của các bệnh lý, ung thư nguy hiểm ở cả nam và nữ như:
– Ung thư cổ tử cung ở nữ (khoảng 99,7% trường hợp).
– Ung thư hậu môn (khoảng 80% trường hợp).
– Mụn cóc sinh dục ở cả hai giới (khoảng 90% trường hợp).
Việc chủng ngừa sớm chính là cách hiệu quả giúp bảo vệ con trước khi trẻ có cơ hội tiếp xúc với các nguồn lây HPV.
Tiêm phòng HPV từ sớm cho trẻ giúp bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ nhiễm HPV trong suốt quá trình trưởng thành
2. Xóa sổ mọi băn khoăn của cha mẹ khi tiêm phòng HPV cho trẻ
2.1. Nếu trẻ chưa quan hệ tình dục thì có nguy cơ nhiễm HPV không?
Đây là thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh trước khi tiêm phòng vì có một lầm tưởng rằng chỉ những người có quan hệ tình dục mới nhiễm HPV. Chính vì lý do này mà nhiều bố mẹ bỏ qua việc tiêm chủng cho con vì nghĩ rằng con chưa quan hệ tình dục thì sẽ không bị nhiễm.
Tuy nhiên sự thật là bên cạnh quan hệ hay tiếp xúc tình dục, trẻ vị thành niên có nguy cơ lây nhiễm HPV do tiếp xúc với các vật dụng bị lây nhiễm HPV như dụng cụ vệ sinh (khăn tắm, đồ bơi, đồ lót), hay thậm chí là tự nhiễm do vệ sinh sinh dục kém.
Vì vậy, để bảo vệ con an toàn trước loại virus nguy hiểm này, việc tiêm chủng từ sớm cho trẻ là rất cần thiết.
2.2. Độ tuổi nào là phù hợp để tiêm phòng HPV cho bé gái?
Trong quá trình phòng ngừa HPV cho bé gái, liệu phụ huynh đã biết đến “độ tuổi vàng” để phòng ngừa HPV chưa?
Nữ nằm trong độ tuổi 9 đến 26 là đủ điều kiện tiêm vắc xin phòng ngừa HPV. Vắc xin HPV có hiệu quả tốt nếu được tiêm trước khi trẻ tiếp xúc với HPV. Ở độ tuổi vị thành niên, trẻ có thể có nồng độ kháng thể tạo ra do vắc xin cao hơn lứa tuổi lớn hơn và có thể giúp bảo vệ tốt khi bé phát sinh quan hệ tình dục lần đầu tiên
Tìm hiểu thêm: Những điều cần biết khi tiêm vacxin bị sốc phản vệ
Từ 9 tuổi trở đi, trẻ có thể bắt đầu tiêm vắc xin phòng HPV
2.3. Hiện nay có những loại vắc xin nào để tiêm phòng HPV cho bé gái?
Hiện nay có 2 loại vắc xin phòng HPV được sử dụng để tiêm cho trẻ tại Việt Nam là Gardasil (Mỹ) và Gardasil 9 (Mỹ).
Vắc xin Gardasil
Đối tượng tiêm: dành cho nữ giới từ 9 đến 26 tuổi.
Phòng bệnh: Vắc xin có tác dụng phòng ngừa 4 chủng virus HPV là 6, 11, 16 và 18. Giúp người tiêm có thể phòng ngừa ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo, các tổn thương tiền ung thư, loạn sản, mụn cóc sinh dục và các bệnh lý do virus HPV.
Phác đồ tiêm: bao gồm 3 mũi trong 6 tháng:
– Mũi tiêm 1: lần tiêm đầu.
– Mũi tiêm 2: tiêm cách mũi 1 ít nhất 2 tháng.
– Mũi tiêm 3: tiêm cách mũi 2 ít nhất 4 tháng.
Vắc xin Gardasil 9
Đối tượng tiêm: dành cho nam và nữ giới từ 9 tuổi đến 26 tuổi.
Phòng bệnh: Vắc xin giúp bảo vệ cơ thể khỏi 9 chủng virus HPV là 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58. Từ đó ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng, mụn cóc sinh dục, các tổn thương tiền ung thư, loạn sản và các bệnh lý do virus HPV gây ra.
Phác đồ tiêm của vắc xin được chia theo độ tuổi:
– Với trẻ từ 9 đến 14 tuổi, sẽ có phác đồ tiêm 2 mũi và 3 mũi. Với phác đồ 2 mũi, mũi tiêm thứ 2 cần cách mũi tiêm 1 tối thiểu 6 tháng và không quá 12 tháng. Với phác đồ 3 mũi, nếu mũi tiêm thứ 2 cách mũi đầu tiên dưới 5 tháng thì cần tiêm thêm mũi thứ 3, mũi thứ 3 nên cách mũi thứ 2 tối thiểu 3 tháng.
– Với trẻ từ 15 đến 26 tuổi, tiêm 3 mũi theo lịch 0-2-6 tháng sau mỗi đầu giống với vắc xin Gardasil.
>>>>>Xem thêm: Các mũi tiêm cần thiết cho trẻ mà phụ huynh cần biết
Vắc xin Gardasil 9 là loại vắc xin thế hệ mới với công dụng phòng ngừa hiệu quả nhiều chủng HPV nguy hiểm cho trẻ
2.4. Tính an toàn của vắc xin HPV đối với trẻ nhỏ
Các chuyên gia đã nghiên cứu và đánh giá về tính an toàn của vắc xin HPV, nhìn chung vắc xin đã được kiểm chứng là an toàn cho trẻ. Không những vậy, vắc xin ngừa HPV cũng đã được sử dụng rộng rãi ở hơn 140 quốc gia trên thế giới. Vậy nên, cha mẹ hoàn toàn có thể an tâm cho trẻ tiêm phòng.
Bên cạnh đó, các phản ứng sau tiêm vắc xin thường nhẹ và tồn tại trong thời gian ngắn, các phản ứng thường sẽ tự biến mất sau 1 đến 2 ngày.
3. Khi cho trẻ tiêm phòng HPV cha mẹ nên lưu ý những gì?
Sau khi tiêm HPV, trẻ cần được theo dõi tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng. Nếu phát hiện các biểu hiện bất thường như buồn nôn, thở nhanh hay ngắt quãng, da mẩn đỏ, phát ban… cha mẹ cần báo ngay cho nhân viên y tế gần nhất để xử lý kịp thời. Nếu trẻ không xuất hiện phản ứng gì bất thường thì có thể về nhà.
Ngoài ra, vắc xin cần thời gian tối thiểu 2 tuần để tạo ra kháng thể bảo vệ cơ thể trước các chủng virus HPV có trong vắc xin. Vì vậy, sau khi tiêm phòng vắc xin, cha mẹ vẫn nên dặn trẻ sử dụng các biện pháp an toàn và vệ sinh sạch sẽ để phòng ngừa các chủng virus HPV không có trong thành phần vắc xin và nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục khác.
Trên đây là những giải đáp và lưu ý khi tiêm vắc xin HPV cho trẻ em gái, mong rằng cha mẹ đã phần nào hiểu hơn về loại vắc xin này. Việc tiêm phòng HPV cho trẻ từ sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp bảo vệ trẻ khi chuẩn bị bước vào lứa tuổi trưởng thành.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.