Mất ngủ đêm kéo dài ảnh hưởng ra sao?

Mất ngủ đêm kéo dài là tình trạng không còn xa lạ hiện nay. Nhiều trường hợp mất ngủ chỉ gây xáo trộn về sinh hoạt, nhưng rất nhiều trường hợp khác, mất ngủ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. 

1. Mất ngủ có thể kéo dài bao lâu?

Mất ngủ là tình trạng người bệnh khó đi vào giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ ngon. Người bệnh bị mất ngủ thường khó đi vào giấc ngủ, có thể nằm mãi mà không ngủ được, đến 1-2 giờ sáng mới có thể chợp mắt. Đây được gọi là mất ngủ đầu giấc và thường xảy ra ở người trẻ. 

Trong khi đó, mất ngủ ở người già lại thường là mất ngủ giữa giấc. Biểu hiện ở việc người bệnh khó duy trì giấc ngủ. Họ ngủ được đến 2-3 giờ sáng đã thức giấc và dễ thức giấc giữa chừng.

Người cao tuổi lại thường than phiền có mất ngủ cuối giấc. Họ không quá khó để đi vào giấc ngủ nhưng giấc ngủ không kéo dài, khoảng 1-2 giờ sáng thì họ thức giấc và không sao ngủ lại được dẫn đến thức dậy sớm vào buổi sáng.

Mất ngủ có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, trong vòng vài tuần hoặc dưới 3 lần/tuần, gọi là mất ngủ cấp tính hay ngắn hạn. Nhưng cũng có thể kéo dài trên 1 tháng hoặc trên 3 lần/tuần, gọi là mất ngủ mạn tính hay kinh niên. 

Nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng mất ngủ có thể tiếp diễn và ngày một nặng hơn.

Mất ngủ đêm kéo dài là gì?

Mất ngủ diễn ra trên 1 tháng gọi là mất ngủ mạn tính hay kéo dài.

2. Mất ngủ đêm kéo dài gây những ảnh hưởng gì đến người bệnh? 

Giấc ngủ có vai trò quan trọng trong việc duy trì đồng hồ sinh học của cơ thể, giúp bộ não và cơ thể được thư giãn, nghỉ ngơi, từ đó giảm stress, tăng khả năng tập trung, trí nhớ và sự sáng suốt. Do vậy, việc mất ngủ trong thời dài sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh như:

2.1 Gây suy giảm trí nhớ, mất tập trung

Ở những người bị gián đoạn giấc ngủ, bộ não dành rất ít thời gian cho giai đoạn ngủ sâu và mơ. Điều này có thể khiến người bệnh cảm thấy chậm chạp, thường xuyên mất tập trung. Thiếu ngủ cũng dẫn tới suy giảm hoạt động của não bộ, gây suy giảm trí nhớ, khiến người bệnh gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ và ghi nhớ mọi thứ.

Do đó, những người bị thiếu ngủ thường bị giảm hiệu suất công việc, dễ sai sót, nhầm lẫn trong công việc, ảnh hưởng đến chất lượng công việc, khiến người bệnh mất uy tín.

2.2 Ảnh hưởng đến tâm trạng và vóc dáng

Khi bạn thiếu ngủ, cơ thể sẽ sản sinh ra hormone gây căng thẳng, khiến bạn có những phản ứng tiêu cực. Người bệnh luôn cảm thấy lo âu, cáu gắt, uể oải, mệt mỏi,…Lâu dần có thể dẫn đến trầm cảm, tự kỷ,…

Bên cạnh đó, thiếu ngủ ức chế sản sinh hormone sinh trưởng, đồng thời tạo ra cortisol, phá vỡ nhiều collagen trong cơ thể. Do vậy, làm gia tăng nguy cơ viêm do mụn, hình thành nếp nhăn sớm..

2.3 Mất ngủ gây bệnh tim mạch, tiểu đường

Tình trạng thiếu ngủ gây kích thích hệ thần kinh giao cảm, khiến mạch máu co lại, làm tăng huyết áp, tạo áp lực cho hệ tim mạch. Lúc này, cơ thể cũng cần nhiều insulin hơn để duy trì mức độ đường huyết bình thường, do đó dễ gây bệnh mạch máu và tiểu đường.

2.4 Gây tăng cân

Khi thiếu ngủ, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, khiến các cơ quan không đảm trách được chức năng vốn có, khiến calo không thể tiêu hao, làm tăng sự tích tụ mỡ, gây tăng cân.

2.5 Tăng huyết áp

Khi mất ngủ đêm kéo dài, cơ thể sẽ đối mặt với nguy cơ tăng huyết áp do sự tăng cường sản sinh hormone căng thẳng. Lúc đầu huyết áp có thể tăng tạm thời, sau đó sẽ trở thành vĩnh viễn nếu tình trạng mất ngủ tiếp tục kéo dài.

2.6 Gây trầm cảm

Nguyên nhân là do thiếu ngủ làm giảm chất dẫn truyền thần kinh điều chỉnh tâm trạng con người. Người bệnh dễ lo âu quá mức, sống khép mình, lâu dần dẫn đến trầm cảm.

Mất ngủ thường xuyên ảnh hưởng đến người bệnh ra sao?

Mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm.

2.7 Ung thư vì mất ngủ

Trong khi ngủ cơ thể sản sinh ra hormone melatonin giúp chống lại sự tăng trưởng của các tế bào khối u. Khi thiếu ngủ, việc sản xuất melatonin bị hạn chế rất nhiều. Do vậy, việc mất ngủ kéo dài có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư. 

3. Phòng ngừa và điều trị tình trạng mất ngủ

3.1 Phòng ngừa mất ngủ đêm kéo dài

Duy trì nhịp sinh học ổn định, những thói quen ngủ tốt có thể giúp phòng ngừa chứng mất ngủ. Các biện pháp bao gồm:

– Đi ngủ và dậy vào cùng một thời điểm

– Nên ngủ trưa nhưng không ngủ quá lâu vào ban ngày, nhiều nhất là 60 phút

– Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại, ipad, TV trước khi đi ngủ

– Tránh dùng quá nhiều caffeine, nicotine và rượu trong ngày, đặc biệt là vào cuối ngày

– Tập thể dục một cách đều đặn, thường xuyên

– Không ăn nhiều bữa hoặc ăn quá no vào cuối ngày và vào buổi tối

– Làm cho không gian phòng ngủ đủ tối, yên tĩnh và không quá nóng hoặc quá lạnh

– Không nên sử dụng giường cho bất cứ hoạt động nào khác ngoài việc đi ngủ

– Lập danh sách việc cần làm trước khi đi ngủ, gạt các mối bận tâm của mình sang một bên và thoải mái trước khi ngủ

– Nếu bạn không thể đi vào giấc ngủ và không buồn ngủ, làm điều gì đó giúp thư giãn, tĩnh tâm như đọc sách, nghe nhạc, đi tắm, hoặc ngồi thiền,…

Phòng tránh và điều trị mất ngủ

Khi thấy các triệu chứng mất ngủ, cần đi khám chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán và điều trị sớm.

3.2 Điều trị và cải thiện tình trạng mất ngủ đêm kéo dài

Nếu đã bị mất ngủ kéo dài, bạn nên đi khám chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp. 

– Sử dụng thuốc

Bạn có thể được kê một số thuốc điều trị mất ngủ như: Zolpidem, Eszopiclone, Zaleplon, Doxepin, Diphenhydramine, Melatonin…

Bên cạnh đó là một số thuốc điều trị các bệnh lý nguyên nhân như tăng huyết áp, trào ngược dạ dày thực quản,…Việc dùng thuốc cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ để đem lại hiệu quả cao nhất, tránh tác dụng phụ.

– Thay đổi chế độ ăn uống 

Tránh caffeine, nicotine và rượu; tăng cường rau xanh, hoa quả tươi; bổ sung các thực phẩm có lợi cho giấc ngủ như mật ong, tâm sen, nụ hoa tam thất… Đặc biệt, không ăn nhiều bữa trong ngày, không ăn quá no vào buổi tối.

– Vận động thể dục thể thao

Thường xuyên vận động thể dục thể thao giúp duy trì cân nặng, tăng tuần hoàn máu, giải tỏa căng thẳng và cải thiện giấc ngủ, hỗ trợ điều trị mất ngủ kéo dài. Một số động tác nhẹ nhàng với yoga hoặc ngồi thiền trước khi ngủ sẽ giúp bạn dễ ngủ hơn.

Tuy nhiên, nên tập thể dục ít nhất 3 – 4 giờ trước khi đi ngủ để không phản tác dụng. 

– Các liệu pháp khác

Một số phương pháp như massage, châm cứu, bấm huyệt,… có thể giúp cải thiện bệnh mất ngủ, tuy nhiên nên tham khảo bác sĩ và lựa chọn cơ sở uy tín để thực hiện.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *