Mất ngủ tuổi 60 là tình trạng rất phổ biến và chủ yếu do nguyên nhân lão hóa. Hiện tượng mất ngủ ở độ tuổi này thường kéo dài khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và có thể tiềm ẩn nguy cơ biến chứng, đe dọa đến tính mạng. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị mất ngủ ở tuổi 60 qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Mất ngủ tuổi 60: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
1. Mất ngủ tuổi 60 có đặc điểm gì?
Mất ngủ tuổi 60 hay mất ngủ ở người già là một tình trạng hết sức phổ biến. Các thống kê cho thấy khoảng 50 % số người trong độ tuổi từ 60 trở lên bị mất ngủ, tỷ lệ này ở người trẻ chỉ là 20%.
1.1 Mất ngủ tuổi 60 biểu hiện như thế nào?
– Khó đi vào giấc ngủ, nằm trằn trọc mãi mà không ngủ được.
– Có người thức suốt đêm.
– Khó duy trì giấc ngủ, thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm và khó ngủ lại.
– Thường thức giấc sớm, không cảm thấy khoẻ khoắn khi tỉnh dậy.
1.2 Ảnh hưởng của mất ngủ đến người bệnh ở độ tuổi 60
Mất ngủ thường xuyên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của những người trên 60 tuổi, khiến họ gặp phải các vấn đề sau:
– Cảm thấy đau đầu, chóng mặt.
– Buồn ngủ, mệt mỏi dẫn đến khó tập trung vào ban ngày.
– Sa sút trị tuệ, giảm khả năng ghi nhớ, chậm nhớ chóng quên.
– Giảm sức đề kháng, sức khỏe suy giảm rõ rệt, dễ mắc các bệnh như tim mạch, trầm cảm…
– Thay đổi tính tình, tâm trạng, dễ bực tức, cáu kỉnh.
Điều này khiến người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
2. Nguyên nhân gây mất ngủ ở tuổi 60
Có 4 nhóm nguyên nhân thường gặp gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của người già bao gồm:
2.1 Thoái hóa tế bào não
Sự lão hóa của cơ thể kéo theo sự thay đổi cấu trúc và suy giảm chức năng của các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh và não bộ. Điều này gây ảnh hưởng nhất định tới giấc ngủ. Cụ thể, tuổi càng cao đồng nghĩa các tế bào phụ trách giấc ngủ chuyên biệt mất đi ngày một nhiều, do vậy giấc ngủ của người già không thể sâu như trước nữa.
Bên cạnh đó, sự thay đổi nồng độ hormone melatonin – một loại hormone đóng vai trò thiết lập, điều hòa đồng hồ sinh học trong não, điều chỉnh giấc ngủ tự nhiên của con người – cũng khiến người lớn tuổi càng khó đi vào giấc ngủ. Hormone này hay được sản sinh ở thời điểm mặt trời lặn, tăng mạnh lúc 2 – 4h sáng, rồi giảm dần khi ánh sáng ban ngày xuất hiện. Nếu nồng độ melatonin giảm sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Ngoài ra, sự thay đổi nội tiết tố nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh cũng dẫn đến vã mồ hôi, khó chịu, bốc hỏa… và là nguyên nhân gây ra khó ngủ ở phụ nữ lớn tuổi.
Tìm hiểu thêm: 9 giải pháp chữa mất ngủ tại nhà không phải ai cũng biết
2.2 Bệnh lý nội khoa
Những người từ 60 tuổi trở lên dễ gặp phải các vấn đề bệnh lý do các tổn thương tích tụ trong thời gian dài. Phổ biến nhất là tình trạng viêm đau các khớp, đau dạ dày, trầm cảm, hen phế quản, tiểu đường, phì đại tuyến tiền liệt, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch…Các bệnh lý này có thể gây đau nhức, khó chịu vào ban đêm, từ đó khiến người bệnh mất ngủ.
2.3 Thuốc điều trị
Các loại thuốc nhóm corticoid, thuốc điều trị nội tiết tố tuyến giáp, bệnh thần kinh hoặc thuốc trầm cảm, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc hạ huyết áp… thường có tác dụng phụ gây buồn ngủ. Điều này khiến người già ngủ nhiều hơn vào ban ngày nhưng lại tỉnh táo vào ban đêm. Khi dùng các loại thuốc này, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng với liều lượng và phối hợp các loại thuốc phù hợp, hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là tác dụng gây ngủ.
2.4 Môi trường sống
Những người ở độ tuổi 60 trở lên thường rất “thính ngủ”. Họ có thể bị tỉnh giấc bởi những tiếng động rất nhỏ và khó ngủ trở lại. Do vậy, nếu phòng ngủ hoặc môi trường xung quanh không đủ yên tĩnh thì rất có thể sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của người già.
Bên cạnh đó, không gian ngủ chật chội, ngột ngạt, nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao đều có thể khiến giấc ngủ không được trọn vẹn.
3. Điều trị mất ngủ ở người già
Về cơ bản, những người lớn tuổi thường có xu hướng buồn ngủ sớm hơn vào buổi tối và thức dậy sớm hơn vào sáng hôm sau, giấc ngủ cũng ít sâu hơn so với khi còn trẻ. Nếu việc ngủ ít hơn không gây khó chịu, mệt mỏi hay ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người bệnh thì không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu tình trạng mất ngủ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và các hoạt động ban ngày thì người cao tuổi nên thăm khám để được chẩn đoán, xác định nguyên nhân và điều trị sớm.
Các phương pháp điều trị cho người bị mất ngủ ở tuổi 60 bao gồm điều trị bằng thuốc và điều trị không dùng thuốc.
3.1 Điều trị mất ngủ tuổi 60 không dùng thuốc
Đây là phương pháp được ưu tiên vì dễ thực hiện và lành tính, ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Các biện pháp bao gồm:
– Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt, người cao tuổi nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, giàu vitamin, không sử dụng rượu bia hay các chất kích thích.
– Luyện tập thể thao vừa sức: Các bài tập như yoga, thiền, dưỡng sinh… là những bài tập nhẹ nhàng, giúp người cao tuổi có giấc ngủ ngon và sâu hơn.
– Thực hiện lối sống lành mạnh: Đi ngủ đúng giờ, hạn chế ăn quá no,…
>>>>>Xem thêm: Mách bạn cách trị bệnh mất ngủ đơn giản, hiệu quả
3.2 Điều trị bằng thuốc
Nếu đã thực hiện các biện pháp trên mà không cải thiện được tình trạng mất ngủ, những người trên 60 tuổi có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc Tây y hoặc Đông y. Các loại thuốc thường dùng có thể kể đến như thuốc an thần, thuốc bình thần, thuốc trầm cảm 3 vòng, các loại chất bổ sung melatonin… Khi được chỉ định dùng thuốc, bạn nên sử dụng đúng theo đơn và hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn thay đổi loại thuốc hay liều dùng.
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về hiện tượng mất ngủ tuổi 60, từ đó chăm sóc tốt hơn cho bản thân hoặc người thân của mình. Nếu có dấu hiệu mất ngủ cần đi khám chuyên khoa Nội thần kinh sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.