Sonde JJ là một ống thông được thiết kế đặc biệt để đặt vào niệu quản – ống tự nhiên dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Sonde JJ niệu quản có nhiều kích thước khác nhau như độ dài khoảng 26-28 cm, đường kính 1,8mm, 2mm, 2,3mm để phù hợp với mỗi bệnh nhân và mục đích sử dụng. Bài viết dưới đây chúng tôi xin giới thiệu các mục đích đặt sonde JJ niệu quản có thể bạn chưa biết.
Bạn đang đọc: Mục đích đặt sonde JJ niệu quản là gì?
1. Kỹ thuật đặt sonde JJ niệu quản
Sonde JJ niệu quản là một loại ống được thiết kế cong hai đầu với độ dài và kích thước khác nhau để phù hợp với từng niệu quản của người bệnh. Sonde JJ được chỉ định đặt vào niệu quản của bệnh nhân là những đối tượng điều trị một số bệnh ở đường tiết niệu.
– Trước điều trị tán sỏi bằng phương pháp nội soi ngược dòng để làm rộng niệu quản, giúp dễ dàng cho quá trình đưa máy nội soi tiếp cận sỏi.
– Sau điều trị ngoại khoa sỏi thận, sỏi niệu quản để giúp các mảnh vụn sỏi còn sót trôi được dễ dàng ra ngoài và giảm tình trạng viêm nhiễm, nhiễm trùng
– Đặt thông niệu quản sau phẫu thuật lấy u niệu quản, u thận hay u quanh niệu quản
– Có tắc nghẽn lưu thông nước tiểu từ thận xuống bàng quang
– Niệu quản có tổn thương có vết rách hoặc niệu quản đang bị viêm
Sonde JJ thường được sử dụng trong chuyên khoa tiết niệu
2. Đặt sonde jj niệu quản có tác dụng gì?
2.1 Mục đích đặt sonde JJ niệu quản – Giảm thiểu nguy cơ biến chứng ở thận
Các tình trạng tắc nghẽn tại niệu quản làm nước tiểu bị tắc nghẽn không được lưu thông xuống bàng quang, dẫn đến ngược dòng làm thận bị ứ đọng nước tiểu. Đặt sonde JJ niệu quản giúp lưu thông nước tiểu giảm các tình trạng tắc nghẽn ứ đọng ở thận để giảm các nguy cơ biến chứng làm suy giảm chức năng thận.
Đặt sonde JJ niệu quản sau khi thực hiện điều trị ngoại khoa ở thận, niệu quản giúp giảm thiểu phù nề ở niệu quản, dự phòng nguy cơ sỏi tái phát bởi đặt sonde sẽ giúp các vụn sỏi thoát ra ngoài dễ dàng hơn.
2.2 Mục đích đặt sonde JJ niệu quản – Nong rộng niệu quản, chống hẹp niệu quản, phục hồi niệu quản khi có vết thương
Trong trường hợp bệnh nhân cần có điều trị ngoại khoa tại niệu quản như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật mở, phẫu thuật tạo hình niệu quản… đặt sonde JJ sẽ giúp vết thương nhanh chóng hồi phục, niệu quản vẫn có thể lưu thông nước tiểu đồng thời hạn chế nhiễm trùng vết thương. Đặc biệt còn giúp người bệnh chống hẹp niệu quản sau khi điều trị ngoại khoa.
Mặt khác đặt sonde JJ niệu quản còn có tác dụng nong rộng niệu quản trước khi nội soi ngược dòng tán sỏi để giúp quá trình đưa ống nội soi vào niệu quản tiếp cận sỏi dễ dàng hơn.
3. Quy trình đặt và rút sonde JJ niệu quản
Bác sĩ gây mê cho bệnh nhân và đặt bệnh nhân nằm theo tư thế sản khoa
Đưa máy nội soi bàng quang qua niệu đạo vào bàng quang, sonde JJ được luồn qua máy nội soi và đưa vào niệu quản
Bác sĩ sẽ kiểm tra vị trí của sonde JJ bằng hình ảnh hiển thị trên XQuang, và kết thúc quá trình đặt sonde niệu quản.
Khi đến thời gian bác sĩ chỉ định rút sonde JJ, bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định, tránh để lâu trong cơ thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng, tạo sỏi xung quanh…
Rút ống JJ niệu quản thông thường được bác sĩ tiến hành nhanh chóng. Sonde JJ được lấy ra bằng ống nội soi bàng quang sau khi bệnh nhân được gây mê. Thông qua ống nội soi này để gắp sonde JJ ra khỏi niệu quản. Bệnh nhân nằm viện theo dõi vài giờ tại viện sau khi rút ống và được xuất hiện ngay trong ngày.
Tìm hiểu thêm: Quy trình mổ lấy sỏi thận qua da đường hầm nhỏ bằng laser
Thực hiện đặt sonde JJ niệu quản cho bệnh nhân tán sỏi thận
4. Một số triệu chứng có thể gặp sau đặt và rút sonde JJ và những lưu ý
4.1 Một số triệu chứng có thể xảy ra sau khi đặt và rút ống sonde JJ
Sonde JJ lưu trong cơ thể có thể được rút sau 2 tuần, 3 tuần, 4 tuần hoặc đến 6 tháng. Có trường hợp bệnh nhân mắc ung thư có thể kéo dài lên tới 18 tháng. Dựa vào chất liệu sonde, loại bệnh và tình trạng bệnh nhân bác sĩ sẽ chỉ định rút sonde vào từng thời điểm thích hợp nhất.
Trong khoảng thời gian sonde JJ lưu trong cơ thể, người bệnh có thể gặp các triệu chứng
– Bệnh nhân cảm thấy cộm, khó chịu và thưởng giảm hoặc mất đi sau vài ngày
– Xuất hiện cơn đau vùng hông lưng bên đặt sonde niệu quản
– Đi tiểu có lẫn máu do quá trình vận động mạnh làm sonde JJ cọ xát vào thành niệu quản gây trầy xước, từ đó dẫn đến nước tiểu có màu hồng nhạt. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi và theo dõi trong lần đi tiểu tiếp theo nếu nước tiểu còn đậm màu hơn cần đi đến bệnh viện thăm khám và kiểm tra.
– Người bệnh có khả năng đi tiểu nhiều lần trong ngày.
Sau khi rút ống thông JJ, người bệnh có thể cảm thấy khó chịu, tiểu có lẫn ít máu trong 2-3 ngày và triệu chứng sẽ biến mất hoàn toàn.
4.2 Một số lưu ý về đặt ống sonde JJ
Nếu bệnh nhân có các triệu chứng đau tăng dần, sốt cao, nước tiểu có lẫn cục máu, nước tiểu màu đỏ tươi, tiểu buốt, tiểu rắt, bạn cần thông báo cho bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và xử lý kịp thời.
Ngoài ra, một số trường hợp ống JJ niệu quản lệch khỏi vị trí di chuyển dần xuống bàng quang, dẫn đến những biểu hiện nặng hơn như đau, khó chịu vùng hông lưng, bàng quang, bẹn… đi kèm với tiểu rắt, tiểu ra máu. Do đó người bệnh cần lựa chọn đơn vị chất lượng, chuyên nghiệp, ekip bác sĩ giỏi để tiến hành kỹ thuật này.
Một số trường hợp hiếm gặp khác nhưng bạn cũng không nên bỏ qua đó là bệnh nhân bỏ quên ống dẫn lưu trong niệu quản mà không rút ra theo thời gian chỉ định. Từ đó ống thông dần trở thành dị vật và tạo điều kiện để hình thành nên các bệnh nhiễm trùng đường niệu quản, hình thành sỏi, tắc niệu quản, suy thận… Vậy nên bạn cần lưu ý đến thời gian rút hoặc thay ống, và lựa chọn bệnh viện uy tín để tránh gặp những sai sót không đáng có xảy ra.
Ngoài ra có một số lời khuyên dành cho bệnh nhân đặt sonde JJ niệu quản đó là cần uống nhiều nước trên 2 lít mỗi ngày, hạn chế vận động mạnh quá sức, lựa chọn hoạt động thể chất nhẹ nhàng để tránh làm tăng các triệu chứng xảy ra trong thời gian ống thông vẫn lưu trong cơ thể.
>>>>>Xem thêm: Tán sỏi ngoài cơ thể: “Đánh tan” sỏi tiết niệu
Sonde JJ được đặt lâu trong niệu quản không rút ra theo thời gian quy định sẽ dẫn đến nhiều biến chứng
Đặt sonde JJ niệu quản có nhiều tác dụng trong hỗ trợ điều trị một số bệnh ở hệ tiết niệu. Hiểu được mục đích và những triệu chứng cần lưu ý sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để chăm sóc bản thân và gia đình tốt hơn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.