Đột quỵ có tính chất nguy hiểm với khả năng gây ra những hậu quả nặng nề. Do vậy việc phòng tránh nguy cơ đột quỵ có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe và tính mạng của mỗi người. Cùng tìm hiểu những mục tiêu, nguyên tắc và biện pháp phòng ngừa nguy cơ đột quỵ qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Mục tiêu và biện pháp phòng tránh nguy cơ đột quỵ
1. Mục tiêu của việc phòng tránh đột quỵ
Đột quỵ là căn bệnh cấp tính, xảy ra khi não bị ngừng cung cấp máu đột ngột hoặc máu tràn vào nhu mô não, gây tổn thương tế bão não. Lúc này, các tế bào não bị thiếu oxy và dinh dưỡng sẽ rất nhanh bị giảm/mất chức năng hoặc hoại tử. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động của não mà còn liên quan đến các cơ quan do não điều khiển, chi phối. Do đó việc phòng tránh đột quỵ có ý nghĩa rất quan trọng.
Mục tiêu của việc phòng tránh đột quỵ gồm:
1.1 Giảm nguy cơ xảy ra đột quỵ
Một khi đột quỵ xảy ra thì hậu quả thường rất nặng nề. Khoảng 50% người bệnh tử vong. Bên cạnh đó là những di chứng nghiêm trọng ngay cả khi được cứu sống. Vì vậy mục tiêu của việc phòng tránh đột quỵ trước hết là ngăn đột quỵ xảy ra.
Đột quỵ tuy nguy hiểm nhưng 80% các trường hợp vẫn có thể phòng ngừa được bằng cách nhận biết và kiểm soát sớm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Các yếu tố nguy cơ đột quỵ bao gồm các yếu tố không thay đổi được (tuổi tác, giới tính, tiền sử gia đình) và các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi (các bệnh lý: bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, dị dạng mạch máu, thiếu máu não, rung nhĩ, hở van tim; các thói quen xấu: hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, thường xuyên căng thẳng…; tình trạng thừa cân, béo phì,…).
Phòng tránh đột quỵ giúp đẩy lùi các yếu tố nguy cơ gây hại cho sức khỏe, tiết kiệm chi phí, tăng chất lượng cuộc sống.
1.2 Giảm thiểu những hậu quả nặng nề do đột quỵ gây ra
Không chỉ gây tử vong cho người bệnh, đột quỵ còn có thể để lại những di chứng nặng nề như mất trí nhớ, rối loạn nhận thức, rối loạn ngôn ngữ, giảm khả năng vận động, tàn tật… Phòng tránh đột quỵ sẽ giúp giảm tối đa những hậu quả này.
1.3 Tiết kiệm chi phí điều trị, phục hồi cho người bệnh và gia đình
Thực tế cho thấy chi phí cấp cứu và điều trị đột quỵ cũng như phục hồi sau đột quỵ là rất lớn. Vì vậy, ngăn ngừa đột quỵ xảy ra cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu các khoản chi phí này, giảm gánh nặng cho người bệnh, gia đình và xã hội.
1.4 Tăng chất lượng cuộc sống
Việc phòng tránh đột quỵ thường gồm thay đổi lối sống và kiểm soát bệnh tật. Điều này giúp duy trì chúng ta duy trì chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Đối với việc phòng tránh đột quỵ thì việc phát hiện sớm và đẩy lùi các yếu tố nguy cơ là quan trọng nhất.
2. Các biện pháp phòng tránh nguy cơ đột quỵ
2.1 Chế độ dinh dưỡng
Việc ăn uống không khoa học là một trong những nguyên nhân quan trọng gây đột quỵ. Các chuyên gia khuyến cáo chế độ ăn uống giúp phòng ngừa đột quỵ gồm:
– Giảm tiêu thụ chất béo có hại như chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa
– Tăng cường bổ sung chất xơ
– Hạn chế thức ăn mặn trong khẩu phần
– Bổ sung các chất chống oxy hóa
– Thêm vào khẩu phần ăn các dưỡng chất tốt cho não bộ
– Giảm tiêu thụ đường
– Đa dạng chế độ ăn uống
Tìm hiểu thêm: Hở van tim sống được bao lâu và cách kéo dài tuổi thọ
Chế độ dinh dưỡng khoa học góp phần đẩy lùi nguy cơ đột quỵ.
2.2 Thường xuyên tập thể dục – Cách tránh nguy cơ đột quỵ đơn giản
Việc ngồi nhiều, lười vận động là tác nhân quan trọng gây đột quỵ. Vì thế muốn ngăn ngừa căn bệnh này, mỗi người cần tập thể dục thường xuyên. Việc này giúp tăng cường lưu thông máu, oxy và dinh dưỡng trong cơ thể, giảm huyết áp, giảm tắc nghẽn động mạch và huyết khối, giảm cân, duy trì cân nặng và kiểm soát đường huyết.
2.3 Kiểm soát cân nặng
Thừa cân, béo phì thường liên quan đến cholesterol xấu (LDL), gây tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ đột quỵ. Bạn nên chủ động theo dõi cân nặng để duy trì trọng lượng cơ thể ổn định, trong mức cho phép bằng cách ăn nhiều rau xanh, hạn chế chất béo, tăng cường luyện tập… để phòng tránh đột quỵ.
2.4 Giảm căng thẳng
Giảm căng thẳng và stress chính là biện pháp quan trọng để giảm nguy cơ đột quỵ. Điều này cũng góp phần tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các bệnh lý nguy cơ gây đột quỵ.
2.5 Không hút thuốc lá
Các chất độc trong thuốc lá như nicotine và carbon monoxide có thể gây tăng huyết áp, làm tổn thương đến hệ tuần hoàn và tăng nguy cơ đột quỵ. Việc hạn chế hoặc từ bỏ hút thuốc lá (cả chủ động và thụ động) sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ.
2.6 Tránh nguy cơ đột quỵ bằng cách hạn chế uống rượu bia
Uống quá nhiều rượu bia có thể làm tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ. Đồ uống có cồn cũng làm tăng mức cholesterol xấu (LDL) trong máu, tạo điều kiện hình thành các mảng bám ở động mạch. Các nghiên cứu cho thấy, giảm tiêu thụ rượu bia giúp giảm nguy cơ bị đột quỵ và bảo vệ sức khỏe nói chung.
2.7 Kiểm soát huyết áp
Huyết áp tăng cao có thể làm tăng áp lực lên các mạch máu, gây tổn thương đến hệ tuần hoàn, khiến các mạch máu nuôi não tắc hẹp, gây nhồi máu não. Đồng thời có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết não. Tuân thủ việc dùng thuốc hạ huyết áp, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường vận động là rất quan trọng để kiểm soát huyết áp, ngăn ngừa đột quỵ.
>>>>>Xem thêm: Những nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim
Bệnh nhân thăm khám sức khỏe tại Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI.
2.8 Kiểm soát cholesterol máu
Nồng độ cholesterol trong máu cao là tác nhân quan trọng gây tắc nghẽn động mạch dẫn đến đột quỵ. Để kiểm soát cholesterol, phòng ngừa đột quỵ, bạn nên hạn các chế thực phẩm nhiều dầu mỡ và chất béo, thường xuyên vận động.
2.9 Kiểm soát đường huyết
Lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao có thể gây tổn thương mạch máu, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, gây tắc nghẽn mạch máu não và dẫn đến đột quỵ. Kiểm soát đường huyết sẽ giúp ngăn đột quỵ xảy ra.
Nếu đang mắc các bệnh lý như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, bạn cần tuân thủ điều trị bằng thuốc và chế độ dinh dưỡng, tập luyện phù hợp.
Việc tìm ra các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ từ sớm và có biện pháp kiểm soát kịp thời là rất quan trọng để phòng tránh nguy cơ đột quỵ xảy ra và gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.