Trong hầu hết các trường hợp, mụn cóc phẳng tự biến mất mà không để lại biến chứng nào. Tuy nhiên, dù tự biến mất hay được điều trị thì mụn cóc cũng đều có thể quay trở lại.
Mụn cóc phẳng: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Mụn cóc phẳng là gì?
Mụn cóc phẳng là những tổn thương hơi nhô trên bề mặt da, có đỉnh phẳng, nhẵn, có màu da hoặc màu nâu, kích thước nhỏ. Chúng thường xuất hiện trên mặt, mu bàn tay hoặc chân và hình thành với số lượng lớn. Mụn cóc phẳng thường xuất hiện ở trẻ em và độ tuổi thanh thiếu niên. Mụn cóc phẳng là do một loại virus dễ lây lan gây ra nhưng lành tính và thường không gây đau đớn.
Dấu hiệu nhận biết mụn cóc phẳng
Mụn cóc phẳng nhỏ hơn và có bề mặt nhẵn chứ không xù xì như những loại mụn cóc khác. Chúng chỉ hơi nhô lên bề mặt da và đôi khi rất khó nhận thấy. Mụn cóc phẳng có thể có hình tròn hoặc hình bầu dục và thường có đường kính từ 1 – 3mm. Màu sắc của loại mụn cóc này rất đa dạng, từ màu da, hồng đỏ cho đến nâu. Chúng có thể mọc thành từng cụm từ 20 cho đến 200 mụn cóc.
Mụn cóc phẳng thường xuất hiện xung quanh vết xước hoặc vết thương hở trên da. Nam giới có thể bị mụn cóc phẳng ở vùng cằm sau khi cạo râu và phụ nữ cũng có thể bị loại mụn này ở chân vì lý do tương tự.
Nguyên nhân gây mụn cóc phẳng
Tất cả các loại mụn cóc đều do virus u nhú ở người (HPV) gây ra. Có hơn 150 chủng HPV khác nhau. Thủ phạm gây mụn cóc phẳng là HPV chủng 3, 10, 28 và 49 gây ra. Những chủng này lành tính, không giống như các chủng HPV có thể gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.
HPV dễ lây truyền từ người này sang người khác khi chạm vào mụn cóc hoặc sử dụng chung những vật dụng như khăn tắm với người bị mụn cóc. Virus xâm nhập qua vết thương hở trên da và cũng có thể lây lan từ bộ phận này sang bộ phận khác của cơ thể.
Ai có nguy cơ bị mụn cóc?
Mụn cóc rất phổ biến. Có đến 7 – 10% dân số bị mụn cóc ở những vị trí không phải bộ phận sinh dục. Mụn cóc có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào kể từ khi bắt đầu quan hệ tình dục. Mụn cóc là một trong ba vấn đề về da phổ biến nhất. Tỷ lệ nam giới và nữ giới bị mụn cóc tương đương nhau.
Trẻ em rất dễ bị mụn cóc vì chúng hiếu động nên dễ có vết cắt, vết xước trên da và hay vô tình tiếp xúc da với nhiều trẻ khác. Những nam giới mới bắt đầu cạo râu cũng có nguy cơ cao hơn vì dao cạo dễ gây xước vùng mặt, cổ và tạo điều kiện cho sự hình thành mụn cóc.
Những người bị mụn trứng cá hoặc thường xuyên sờ tay lên mặt và gãi, cậy cũng có nguy cơ cao bị mụn cóc do những hành vi này tạo ra đường xâm nhập cho HPV.
Nguy cơ nhiễm HPV cũng tăng cao ở những người có hệ miễn dịch suy yếu do các bệnh mãn tính, đang trong quá trình hóa trị, xạ trị, dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc các yếu tố khác.
Vệ sinh thân thể kém cũng làm tăng nguy cơ bị mụn cóc.
Biện pháp chẩn đoán
Nếu đột nhiên thấy nổi các nốt lạ trên da và không biết đó là gì thì nên đi khám bác sĩ. Thông thường, bác sĩ có thể chẩn đoán mụn cóc phẳng bằng cách quan sát trực quan.
Trong một số trường hợp, nếu không thể chẩn đoán được mụn cóc dựa trên đặc điểm bên ngoài thì sẽ cần sinh thiết, trong đó nốt mụn được cắt ra và đem đi phân tích.
Cũng nên đi khám nếu nhận thấy mụn cóc phẳng phát triển to lên, đổi màu hoặc chảy máu.
Điều trị mụn cóc phẳng bằng cách nào?
Mụn cóc phẳng thường tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, có thể phải sau vài tháng đến vài năm thì mụn cóc mới biến mất hoàn toàn nên nếu không muốn chờ thì có thể can thiệp xử lý.
Mụn cóc phẳng thường xuất hiện trên mặt hoặc tay nên các phương pháp điều trị được sử dụng cho mụn cóc ở những vị trí khác sẽ không an toàn vì có thể gây tổn thương da và để lại sẹo.
Khi có mụn cóc ở những vị trí này thì cần đi khám để bác sĩ kê các loại thuốc bôi. Các loại thuốc này có chứa chất gây kích ứng và khiến da bong tróc, sau đó thay da mới và nhờ đó loại bỏ mụn cóc. Một số loại thuốc bôi được dùng phổ biến gồm có:
- Retinoic acid 0.05%, hay còn được gọi là tretinoin (AVITA, Refissa, Retin-A, Tretin-X)
- Imiquimod 5% (Aldara, Zyclara)
- 5-fluorouracil (Carac, Efudex, Fluoroplex, Tolak) nồng độ 1% hoặc 5%
Ngoài ra cũng có thể dùng benzoyl peroxide 5% (Del Aqua, NeoBenz Micro, Clearskin, EFFACLAR). Đây là một loại thuốc không kê đơn.
Biện pháp khắc phục tại nhà
Có nhiều phương pháp đơn giản có thể tự thực hiện tại nhà để loại bỏ mụn cóc.
Tuy nhiên, vì mụn cóc phẳng thường xuất hiện trên mặt nên cần hết sức cẩn thận trước khi sử dụng các biện pháp này để tránh bị bỏng da hoặc để lại sẹo. Hơn nữa, hầu hết các biện pháp điều trị tại nhà đều chỉ có hiệu quả khi điều trị mụn cóc riêng lẻ trong khi mụn cóc phẳng lại thường mọc thành cụm.
Có thể dùng thuốc bôi trị mụn cóc không kê đơn có chứa salicylic acid nhưng nếu dùng được một thời gian mà mụn vẫn không hết thì nên đi khám bác sĩ da liễu.
Bao lâu thì khỏi?
Mụn cóc phẳng thường tự biến mất sau khoảng 1 đến 2 tháng hoặc đôi khi lên đến 2 năm, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, loại, vị trí và phạm vi hình thành mụn cóc.
Ngăn ngừa mụn cóc phẳng
Các loại mụn cóc là do HPV gây ra và chúng có thể lây lan khi chạm vào. Để ngăn chặn sự lây truyền HPV – thủ phạm gây ra mụn cóc phẳng thì cần:
- Không cọ xát, cậy hoặc gãi mụn cóc
- Rửa tay ngay sau khi chạm vào mụn cóc
- Không đụng chạm vào mụn cóc của người khác
- Không dùng chung khăn tắm hoặc các vật dụng cá nhân khác với người khác
- Vệ sinh đồ chơi của trẻ thường xuyên
- Giữ cho da sạch và khô
- Không đi chân trần ở những nơi công cộng
Mặc dù không thể ngăn ngừa được hoàn toàn mụn cóc nhưng những biện pháp này sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh.
Tóm tắt bài viết
Trong hầu hết các trường hợp, mụn cóc phẳng tự biến mất mà không để lại biến chứng nào. Tuy nhiên, dù tự biến mất hay được điều trị thì mụn cóc cũng đều có thể quay trở lại.
Cần tăng cường hệ miễn dịch để nâng cao sức khỏe và đẩy nhanh tốc độ khỏi mụn cóc, đồng thời giảm nguy cơ vấn đề tái phát. Để có hệ miễn dịch khỏe mạnh thì cần ăn uống đủ chất, tập thể dục đều đặn và ngủ đủ giấc.