Ngoài giảm chất lượng giấc ngủ và cảm giác mệt mỏi sau khi thức giấc, chứng ngưng thở khi ngủ còn gây ra nhiều tác động tiêu cực khác đến sức khỏe. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, chứng ngưng thở khi ngủ có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết trong suốt cả ngày, thay đổi cách cơ thể phản ứng với hormone insulin và góp phần làm tăng nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường.
Ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng như thế nào đến bệnh tiểu đường?
Ước tính có khoảng 6 đến 17% dân số trưởng thành bị ngưng thở khi ngủ. (1) Tuy nhiên, tỷ lệ mắc chứng ngưng thở khi ngủ ở những người bị tiểu đường còn cao hơn thế. Hơn một nửa số người mắc bệnh tiểu đường type 2 bị ngưng thở do tắc nghẽn khi ngủ. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ ngưng thở khi ngủ cũng khá cao ở những người bị tiểu đường type 1.
Đọc tiếp bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và chứng ngưng thở khi ngủ, ảnh hưởng của chứng rối loạn này đến việc kiểm soát bệnh tiểu đường và cách khắc phục.
Ngưng thở khi ngủ là gì?
Ngưng thở khi ngủ là tình trạng mà người bệnh có những cơn ngừng thở lặp đi lặp lại nhiều lần trong giấc ngủ.
Không giống như gián đoạn giấc ngủ thông thường mà nguyên nhân có thể do vệ sinh giấc ngủ kém hay các vấn đề về thể chất hoặc tinh thần, ngưng thở khi ngủ là một dạng rối loạn về hô hấp.
Các dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ gồm có:
- Ngáy to
- Có những khoảng ngừng thở
- Nghẹt thở hoặc thở hổn hển
- Mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày
Chứng ngưng thở khi ngủ khiến cơ thể thiếu oxy, từ đó làm gián đoạn hoạt động của tim, huyết áp và sự trao đổi chất. Những tác động này thường nghiêm trọng hơn ở người mắc bệnh tiểu đường. Do đó, người bệnh cần hiểu rõ và điều trị chứng ngưng thở khi ngủ nếu không may mắc phải.
Có ba loại ngưng thở khi ngủ là ngưng thở khi ngủ trung ương, ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ và ngưng thở khi ngủ phức tạp. Trong ba loại này, ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (obstructive sleep apnea) là phổ biến nhất. Chứng ngưng thở tắc nghẽn xảy ra khi các mô mềm ở phía sau cổ họng xụp xuống, chặn đường thở và làm gián đoạn sự hô hấp của người bệnh. Chứng ngưng thở tắc nghẽn có liên quan đến béo phì nhưng cũng có thể xảy ra ở cả những người có cân nặng bình thường.
Ngưng thở khi ngủ và tiểu đường type 2
Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy mối liên hệ giữa chứng ngưng thở khi ngủ và bệnh tiểu đường type 2. Khi không được điều trị, bệnh tiểu đường sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ngưng thở khi ngủ và ngược lại.
Ngưng thở khi ngủ làm giảm lưu lượng oxy của cơ thể và điều này có ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến lượng đường trong máu cũng như tình trạng kháng insulin. Chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra tác động đáng kể, làm tăng mức độ kháng insulin và thay đổi quá trình chuyển hóa glucose đến mức góp phần dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.
Béo phì là một bệnh đồng mắc phổ biến ở những người bị tiểu đường type 2 và béo phì làm tăng nguy cơ ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Mỡ thừa ở cổ có thể cản trở đường thở và mỡ bụng chèn ép lên thành ngực – cả hai đều có thể gây ra những khoảng ngừng thở khi nằm hoặc ngủ.
Ngưng thở khi ngủ có ảnh hưởng đến đường huyết không?
Ngưng thở khi ngủ có ảnh hưởng đến đường huyết.
Khi cơ thể bị thiếu oxy, lượng carbon dioxide trong máu sẽ tăng lên. Ở trạng thái này, tình trạng kháng insulin sẽ trở nên nặng hơn và dẫn đến lượng glucose trong máu tăng cao. Theo thời gian, lượng đường trong máu liên tục ở mức cao sẽ làm tăng mức A1C (HbA1C) – một chỉ số cho biết mức đường huyết trung bình trong khoảng thời gian vài tháng và phản ánh khả năng kiểm soát đường huyết.
Không chỉ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, chứng ngưng thở khi ngủ và các rối loạn giấc ngủ khác còn có thể tác động tiêu cực đến sự tiến triển của bệnh tiểu đường và tăng nguy cơ xảy ra biến chứng. (2) Sự thiếu oxy do chất lượng giấc ngủ kém sẽ làm tăng huyết áp và làm trầm trọng thêm vấn đề về tim mạch. Đó là lý do tại sao ngưng thở khi ngủ có liên quan đến cao huyết áp, bệnh tim mạch và đột quỵ.
Điều trị ngưng thở khi ngủ ở người bệnh tiểu đường
Thực hiện các phương pháp điều trị tiểu đường tiêu chuẩn, gồm có ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và dùng thuốc theo chỉ định để giữ đường huyết trong phạm vi khỏe mạnh là điều rất quan trọng để kiểm soát chứng ngưng thở khi ngủ. Nhưng ngoài ra, người bệnh còn phải thực hiện thêm một số biện pháp khác để khắc phục chứng rối loạn giấc ngủ này:
- Giải quyết các vấn đề về xoang hoặc dị ứng gây cản trở việc hít thở. Người bệnh có thể phải sử dụng các loại thuốc giúp giữ cho các xoang thông thoáng và không bị tắc nghẽn.
- Thừa cân hoặc béo phì là một tình trạng khác cần giải quyết để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ. Giảm cân sẽ giúp giảm áp lực chèn ép lên khoang ngực khi nằm và giảm lượng mỡ gây cản trở đường thở. Những điều này sẽ giúp cải thiện tình trạng ngưng thở khi ngủ.
- Sau khi tiến hành nghiên cứu giấc ngủ, bác sĩ có thể đề nghị dùng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP). Thiết bị này gồm có một mặt nạ mà người bệnh đeo mỗi khi đi ngủ. Mặt nạ có gắn một ống mềm và một thiết bị dẫn khí nén. Khí nén giúp giữ cho đường thở mở và ngăn chặn sự gián đoạn nhịp thở trong khi ngủ.
- Một giải pháp nữa để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ là phẫu thuật. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ loại bỏ hoặc thu nhỏ mô ở vùng phía sau khoang miệng hoặc vùng trên của cổ. Điều này giúp giảm nguy cơ tắc nghẽn đường thở trong khi ngủ.
Kết luận
Do chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra tác động tiêu cực đến mức đường huyết nên người mắc bệnh tiểu đường cần phải chú ý đến chất lượng giấc ngủ để phát hiện những bất thường và điều trị. Nếu không được điều trị, chứng ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến tăng mức HbA1C, cao huyết áp và các vấn đề về tim mạch.
Có nhiều cách để điều trị ngưng thở khi ngủ và từ đó giúp phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng hơn.