Người bị bệnh động kinh nhẹ có thể gặp những gián đoạn, cản trở trong sinh hoạt, cuộc sống, nặng có thể phải đối mặt với những nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh động kinh là gì, có những dạng nào, triệu chứng biểu hiện ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Người bị bệnh động kinh có đặc điểm gì?
1. Động kinh là bệnh gì?
Động kinh là bệnh xảy ra khi hệ thống thần kinh trung ương bị rối loạn. Sự bất thường trong não bộ có thể kích thích đồng thời một nhóm các tế bào thần kinh của vỏ não, khiến não phóng điện đột ngột và không thể kiểm soát. Vỏ não bị kích thích quá mức có thể dẫn đến các cơn co giật hoặc sự bất thường về hành vi, cảm giác, nhận thức của người bệnh. Bệnh thường xảy ra theo cơn.
Bệnh động kinh có thể gặp ở mọi đối tượng, không phân biệt giới tính, tuổi tác nhưng thường khởi phát từ nhỏ hoặc bắt đầu ở độ tuổi trên 60.
2. Bệnh động kinh có nguy hiểm không?
Tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu được điều trị sớm thì những triệu chứng của bệnh sẽ được cải thiện dần, bệnh có thể được kiểm soát. Ngược lại, nếu không được phát hiện sớm và không có biện pháp điều trị, người bệnh có thể gặp nhưng nguy hiểm khi lên cơn động kinh như:
– Té ngã: Khi cơn động kinh xảy ra, người bệnh có thể co giật, căng cứng cơ dẫn đến té ngã, thậm chí chấn thương ở đầu, gãy xương.
– Tai nạn giao thông: Điều này dễ xảy ra khi người bệnh đang tham gia giao thông mà bất ngờ lên cơn động kinh. Nguy hiểm hơn nếu kèm theo tình trạng suy giảm hoặc mất ý thức.
– Chết đuối: Khả năng bị đuối nước khi đang bơi ở người bệnh động kinh cao hơn 15 – 19 lần so với người bình thường.
– Ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh: Bệnh động kinh có thể gây nguy hiểm cho thai phụ và em bé trong thời kỳ mang thai. Ngoài ra một số thuốc chữa động kinh có thể khiến trẻ sinh ra gặp các dị tật bẩm sinh.
– Ý nghĩ tự tử: Người bị động kinh thường gặp vấn đề về tâm lý, dễ dẫn đến tự kỷ, tự tử.
3. Động kinh có những dạng nào?
Động kinh được chia thành 2 dạng chính là động kinh cục bộ và động kinh toàn thể.
Các cơn động kinh cục bộ xuất hiện khi một khu vực của não bộ gặp bất thường. Trong khi đó, các cơn động kinh toàn thể lại có liên quan đến toàn bộ khu vực não. Mỗi dạng động kinh lại được chia nhỏ thành các kiểu khác nhau với các triệu chứng đặc trưng.
3.1 Động kinh cục bộ
Loại động kinh này gồm 2 kiểu là động kinh không mất ý thức và động kinh có suy giảm ý thức.
– Động kinh không mất ý thức: Bệnh nhân chỉ thay đổi trong cảm xúc, giác quan nhưng không bị ảnh hưởng về ý thức. Một số trường hợp có thể kèm theo triệu chứng co giật không kiểm soát ở tay, chân, chóng mặt, hoa mắt, ngứa ran…
– Động kinh có suy giảm ý thức: Trong cơn động kinh, người bệnh bị mất ý thức, đột nhiên nhìn chằm chằm vào khoảng không, không phản ứng lại với sự thay đổi hay tác động của môi trường xung quanh. Người bệnh có thể thực hiện các động tác có tính lặp đi lặp lại, ví dụ như đi vòng tròn, chà hai bàn tay vào nhau…một cách vô thức.
Tìm hiểu thêm: Tại sao dân văn phòng thường khó ngủ trưa?
3.2 Động kinh toàn thể
Được chia thành 6 dạng nhỏ hơn, cụ thể:
– Động kinh co cứng: Các cơ bắp của người bệnh trở nên căng cứng, đặc biệt là ở lưng, cánh tay, chân. Điều này có thể khiến người bệnh ngã quỵ xuống đất.
– Động kinh vắng ý thức: Loại động kinh này thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Biểu hiện là trẻ nhìn chằm chằm vào khoảng không, xuất hiện những chuyển động nhỏ như máy môi, chớp mắt, mất nhận thức tạm thời… Các cơn động kinh này thường diễn ra theo chuỗi.
– Động kinh giật cơ: Các đợt giật thường ngắn, đột ngột. Người bệnh có thể bị giật mạnh ở cánh tay, ở chân.
– Động kinh co giật: Ở kiểu này, các cơn co giật sẽ lặp đi lặp lại, vị trí thường gặp là ở cổ, cánh tay, mặt.
– Động kinh co cứng – co giật: Kiểu động kinh mà người bệnh vừa bị co giật, vừa bị co cứng cơ. Thậm chí một số người còn bị mất kiểm soát bàng quang, tự cắn lưỡi rất nguy hiểm.
– Động kinh mất trương lực cơ: Khi lên cơn động kinh, người bệnh sẽ mất kiểm soát cơ bắp, dễ bị ngã.
4. Nguyên nhân gây bệnh động kinh
Những rối loạn của hệ thống thần kinh ở người bệnh động kinh có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:
4.1 Bị bệnh động kinh do di truyền
Một số nghiên cứu cho thấy bệnh động kinh hoàn toàn có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu bố hoặc mẹ có tiền sử mắc bệnh này thì tỷ lệ di truyền sang con sẽ cao hơn người bình thường. Đặc biệt, những người trưởng thành mắc động kinh nguyên phát sẽ có tỷ lệ di truyền cao nhất.
Các kết quả thống kê cho thấy, tỷ lệ di truyền động kinh từ các thế hệ bình quân là khoảng 2%. Nếu cả bố và mẹ bị động kinh thì tỷ lệ di truyền sang con là 5%, đối với dạng động kinh toàn thể, tỷ lệ này thậm chí lên tới 9 – 12%. Nếu chỉ có mẹ bị mắc động kinh, tỉ lệ thai nhi bị di truyền bệnh này từ trong bụng mẹ là 5%. Trong khi đó, nếu bố bị động kinh, tỷ lệ con bị di truyền bệnh này là từ 2 – 4%.
Ngoài ra, một số loại động kinh có sự liên kết với các gen cụ thể. Các gen này khiến người bệnh nhạy cảm hơn với các tác nhân từ môi trường, do đó dễ gây ra cơn động kinh.
4.2 Bị bệnh động kinh do chấn thương sọ não
– Chấn thương do tai nạn: Những tai nạn giao thông, tai nạn lao động nghiêm trọng có thể khiến cho vùng não bị chấn thương và gây bệnh động kinh.
– Bệnh gây tổn thương về não: Các tổn thương não có thể gây rối loạn hệ thần kinh trung ương, làm thay đổi hoạt động và chức năng của não, làm tăng nguy cơ mắc bệnh động kinh. Các bệnh nhân từng bị đột quỵ hoặc có các khối u trong não hoặc từng bị đột quỵ thường có nguy cơ mắc bệnh động kinh rất cao. Một số bệnh như viêm não – viêm màng não, viêm não, cấu trúc não bất thường… và bị bệnh động kinh.
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân tai biến mạch máu não và các yếu tố thúc đẩy
4.3 Nhiễm trùng khi mang thai
Nếu mẹ bị nhiễm trùng, thiếu dinh dưỡng khi mang thai, em bé sinh ra có nguy cơ bị tổn thương não và mắc chứng động kinh.
4.4 Các nguyên nhân khác
Trẻ nhỏ bị sốt cao, co giật kéo dài cũng dễ tiến triển thành bệnh động kinh.
Ngoài ra, thường xuyên sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm, những chất kích thích như rượu bia, thuốc lá và ma túy cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới bệnh động kinh.
Trên đây là những thông tin về bệnh động kinh và đặc điểm của căn bệnh này, mong rằng sẽ giúp những người bị bệnh động kinh hoặc người thân có thể nhận diện sớm, chủ động thăm khám và điều trị kịp thời.