Mặc dù trái cây là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh nhưng một số loại trái cây có lượng đường tự nhiên khá cao và ăn quá nhiều có thể làm tăng đường trong máu. Điều này khiến không ít người thắc mắc liệu người bị tiểu đường có được ăn các loại trái cây có vị ngọt như đu đủ không?
Người bị tiểu đường có ăn được đu đủ không?
Bệnh tiểu đường là tình trạng cơ thể không sản xuất đủ (hoặc hoàn toàn không sản xuất) insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Insulin là một loại hormone giúp glucose (đường) trong máu đi vào các tế bào của cơ thể. Khi cơ thể không tạo ra hoặc sử dụng insulin không hiệu quả, đường sẽ tích tụ trong máu và dẫn đến lượng đường trong máu cao.
Người bệnh tiểu đường có thể phải dùng thuốc để giữ ổn định lượng đường trong máu nhưng ở nhiều người, chỉ cần ăn uống lành mạnh và tập thể dục là đủ để kiểm soát tình trạng bệnh.
Mặc dù trái cây là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh nhưng một số loại trái cây có lượng đường tự nhiên khá cao và ăn quá nhiều có thể làm tăng đường trong máu. Điều này khiến không ít người thắc mắc liệu người bị tiểu đường có được ăn các loại trái cây có vị ngọt như đu đủ không?
Câu trả lời là người mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn đu đủ.
Đu đủ có ảnh hưởng như thế nào đến đường huyết?
Vì đa số các loại trái cây đều có vị ngọt tự nhiên và việc tiêu thụ đường sẽ làm tăng lượng đường trong máu nên nhiều người cho rằng một khi đã mắc bệnh tiểu đường thì không được ăn trái cây. Tuy nhiên, trên thực tế, trái cây là một phần quan trọng tạo nên một chế độ ăn uống lành mạnh và người bị tiểu đường vẫn có thể ăn trái cây, miễn là ăn vừa phải.
Lượng đường trong đu đủ
Một cốc thịt đu đủ tươi (khoảng 145 gram) chứa khoảng 11 gram đường.
Người mắc bệnh tiểu đường nên hạn chế lượng đường tiêu thụ để kiểm soát cân nặng và giữ lượng đường trong máu ổn định ở mức an toàn.
Chỉ số đường huyết của đu đủ
Chỉ số đường huyết (glycemic index – GI) cho biết tốc độ mà một loại thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu sau khi ăn. Người bệnh tiểu đường có thể dựa trên chỉ số đường huyết để lựa thực phẩm cho bữa ăn hàng này.
Chỉ số đường huyết của thực phẩm được chia làm 3 mức là thấp (20 – 49), trung bình (50 đến 69) và cao (70 đến 100). GI của đu đủ là 60, ở mức trung bình, có nghĩa là sẽ không làm cho lượng đường trong máu tăng quá nhanh sau khi ăn.
Lợi ích của đu đủ
Đu đủ là một lựa chọn phù hợp cho những người mắc bệnh tiểu đường vì có chỉ số GI trung bình. Một số nghiên cứu cho thấy ăn đu đủ thậm chí còn giúp làm giảm lượng đường trong máu. (1)
Lý do là bởi loại quả này có chứa flavonoid – một nhóm chất chống oxy hóa tự nhiên có tác dụng điều hòa đường huyết. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người trước khi đưa ra kết luận chính xác về tác dụng của đu đủ đối với việc kiểm soát đường huyết và bệnh tiểu đường.
Giá trị dinh dưỡng của đu đủ
Một quả đu đủ cỡ nhỏ có khoảng 67 calo và cung cấp các chất dinh dưỡng như:
- Chất xơ: 2,6 g, đáp ứng 10% giá trị dinh dưỡng hàng ngày (daily value)
- Kali: 286 mg, đáp ứng 6,08% giá trị dinh dưỡng hàng ngày
- Vitamin C: 95,6 mg, đáp ứng 106,2% giá trị dinh dưỡng hàng ngày
- Magiê: 33 mg, đáp ứng 8% giá trị dinh dưỡng hàng ngày
- Canxi: 31 mg, đáp ứng 3,1% giá trị dinh dưỡng hàng ngày
Người bệnh tiểu đường có thể ăn được những loại trái cây nào khác?
Đu đủ có GI trung bình nên phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường nhưng nếu muốn ăn nhiều hơn, người bệnh nên chọn các loại trái cây có GI thấp như:
- Táo
- Mơ
- Lê
- Bưởi
- Mận
- Quýt
- Các loại quả mọng như mâm xôi đen, việt quất
- Dâu tây
Dù chọn loại trái cây nào thì cũng không nên ăn quá nhiều một lúc.
Một số loại trái cây có chỉ số đường huyết cao:
- Dưa hấu
- Chuối chín
- Dứa
- Xoài
- Chà là khô
- Nho khô
Ăn nhiều những loại trái cây sẽ khiến lượng đường trong máu tăng đột ngột.
Cách xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu và làm giảm nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường như bệnh tim mạch, tổn thương thần kinh và bệnh thận.
Bữa ăn hàng ngày cần có sự cân bằng các nhóm thực phẩm để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và gồm chủ yếu các loại thực phẩm thân thiện với bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, không chỉ những người sống chung với bệnh tiểu đường mới cần ăn uống lành mạnh. Điều này còn có lợi cho cả những người không bị tiểu đường.
Một điều quan trọng để có chế độ ăn uống lành mạnh là lựa chọn các nguồn carb tốt như:
- Trái cây
- Rau củ
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Các loại đậu
- Sữa ít béo
Trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu giàu chất xơ nên ăn những thực phẩm này sẽ giúp điều hòa lượng đường trong máu.
Mặc dù đu đủ và các loại trái cây khác phù hợp với chế độ ăn uống lành mạnh nhưng người bệnh tiểu đường cần hiểu rõ tác động của mỗi loại trái cây đến lượng đường trong máu. Nếu có thể, hãy chọn những loại trái cây có GI thấp hoặc trung bình để tránh làm tăng vọt mức đường huyết. Vì phản ứng của cơ thể mỗi người là khác nhau nên tốt nhất hãy đo đường huyết sau khi ăn để biết mức tăng đường trong máu và từ đó điều chỉnh khẩu phần ăn cho phù hợp.
Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ, vì vậy nên người bệnh cũng cần lựa chọn những thực phẩm tốt cho tim mạch, chẳng hạn như những nguồn protein nạc:
- Gà
- Cá
- Động vật có vỏ
- Trứng
- Thịt bò, lợn nạc
Bên cạnh đó nên ăn các loại thực phẩm chứa chất béo tốt như dầu ô liu, quả bơ và các loại quả hạch.
Những thực phẩm nên tránh gồm có các sản phẩm chứa chất béo chuyển hóa như đồ ăn vặt chế biến sẵn và bơ thực vật. Không nên tiêu thụ quá 2.300 mg natri mỗi ngày.
Nếu có thể thì nên ăn nhiều bữa nhỏ cách đều trong ngày thay vì ba bữa lớn và sử dụng bát đĩa nhỏ hơn để kiểm soát khẩu phần ăn.
Khi nào cần đi khám?
Nếu đã thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục và uống thuốc mà đường huyết vẫn cao thì nên đi khám. Có thể sẽ cần điều chỉnh phác đồ điều trị.
Bệnh tiểu đường không được kiểm soát có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim mạch, bệnh thận và tổn thương thần kinh. Vì vậy, điều quan trọng là phải uống thuốc điều trị tiểu đường theo đúng chỉ định, ăn uống lành mạnh và tích cực hoạt động thể chất.
Tập thể dục 30 phút mỗi ngày và duy trì đều đặn hầu hết các ngày trong tuần sẽ giúp giữ lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh.
Tóm tắt bài viết
Bệnh tiểu đường là một bệnh lý mãn tính hiện chưa có cách chữa trị khỏi. Tuy nhiên, điều trị đúng cách sẽ giúp duy trì lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh, nhờ đó cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Trái cây là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Trái cây cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất mà cơ thể cần để hoạt động bình thường. Do đó, người bị tiểu đường có thể ăn và nên ăn trái cây mỗi ngày. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là không ăn quá nhiều một lúc để tránh làm tăng đường trong máu đột ngột.