Người gầy có bị tiểu đường không?

Bệnh tiểu đường là một tình trạng bệnh lý mãn tính có đặc trưng là lượng đường trong máu cao. Khi bị tiểu đường, cơ thể không còn khả năng điều hòa lượng đường trong máu một cách hiệu quả. Rất nhiều người lầm tưởng rằng chỉ những người thừa cân mới mắc bệnh tiểu đường, bất kể type 1 hay type 2. Mặc dù đúng là cân nặng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nhưng căn bệnh này không chỉ xảy ra ở những người thừa cân hay béo phì.

Người gầy có bị tiểu đường không?
Người gầy có bị tiểu đường không?

Sự thật là bất kỳ ai cũng có thể bị tiểu đường, kể cả những người có cân nặng bình thường. Ngoài cân nặng, các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh còn có:

  • Di truyền
  • Tiền sử gia đình
  • Lối sống ít vận động
  • Thói quen ăn uống không lành mạnh

Bệnh tiểu đường và cân nặng

Hãy cùng tìm hiểu ảnh hưởng của cân nặng đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 1 và type 2, cũng như các yếu tố nguy cơ khác ngoài cân nặng.

Tiểu đường type 1

Bệnh tiểu đường type 1 là một bệnh tự miễn. Ở những người mắc loại bệnh tiểu đường này, hệ miễn dịch của cơ thể tấn công tế bào beta (các tế bào sản xuất insulin) của tuyến tụy. Điều này khiến tuyến tụy không còn khả năng tạo ra insulin nữa.

Insulin là một loại hormone có vai trò giúp vận chuyển đường (glucose) từ máu vào các tế bào. Sau đó, đường được các tế bào sử dụng làm năng lượng. Nếu không có đủ insulin, đường sẽ ở lại trong máu mà không được vận chuyển vào tế bào.

Cân nặng không phải là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường type 1. Yếu tố nguy cơ duy nhất được xác định của loại bệnh tiểu đường này là tiền sử gia đình hay di truyền.

Hầu hết những người mắc tiểu đường type 1 đều có chỉ số khối cơ thể (BMI) nằm trong phạm vi bình thường. BMI là chỉ số cho biết cân nặng của một người có cân đối với chiều cao hay không.

BMI được tính bằng một công thức ước tính lượng mỡ trong cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng. Cụ thể, công thức tính là lấy cân nặng (tính bằng kg) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng mét). BMI được chia làm 4 mức là thiếu cân, cân nặng khỏe mạnh, thừa cân và béo phì. BMI dưới 18,5 là thiếu cân, từ 18.5 – 24.9 là cân nặng khỏe mạnh, 25.0 – 29.9 là thừa cân và từ 30 trở lên là béo phì.

Bệnh tiểu đường type 1 thường được chẩn đoán ở trẻ em. Mặc dù tỷ lệ béo phì ở trẻ em đang ngày càng tăng nhưng nghiên cứu cho thấy cân nặng không phải là một yếu tố nguy cơ của loại bệnh tiểu đường này.

Một nghiên cứu cho thấy rằng sự gia tăng số ca mắc tiểu đường type 2 ở trẻ em có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ béo phì nhưng số ca mắc tiểu đường type 1 không liên quan đến số trẻ em béo phì.

Tiểu đường type 2

Ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2, tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, các tế bào kháng insulin hoặc cả hai. Tiểu đường type 2 chiếm hơn 90% tổng số ca tiểu đường.

Cân nặng là một trong những yếu tố có thể góp phần dẫn đến tiểu đường type 2. Ước tính có khoảng 87,5% bệnh nhân tiểu đường type 2 ở Mỹ bị thừa cân.

Tuy nhiên, cân nặng không phải là yếu tố duy nhất của tiểu đường type 2. Khoảng 12,5% bệnh nhân tiểu đường type 2 ở Mỹ có chỉ số BMI ở mức bình thường. (1)

Các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường type 2

Người có cân nặng khỏe mạnh và thậm chí người gầy cũng có thể mắc tiểu đường type 2 vì ngoài cân nặng còn nhiều yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Di truyền

Tiền sử gia đình hay di truyền là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tiểu đường type 2. Nguy cơ bị tiểu đường type 2 của những người có bố hoặc mẹ mắc bệnh là 40%. Nếu cả bố và mẹ đều bị tiểu đường type 2 thì nguy cơ là 70%. (2)

Sự phân bố mỡ trong cơ thể

Nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường type 2 có cân nặng bình thường có nhiều mỡ nội tạng hơn. Mỡ nội tạng là loại mỡ bao xung quanh các cơ quan trong ổ bụng.

Mỡ nội tạng giải phóng ra các hormone ảnh hưởng đến đường trong máu và cản trở quá trình chuyển hóa chất béo. Mỡ nội tạng có thể khiến cho quá trình trao đổi chất của người có cân nặng bình thường trở nên giống với quá trình trao đổi chất của những người thừa cân.

Có một số cách để kiểm tra xem bản thân có mỡ nội tạng hay không. Một trong những cách đó là tính tỷ lệ eo – hông. Trước tiên, đo vòng eo rồi sau đó đo vòng hông (tính bằng inch). Chia số đo vòng eo cho số đo vòng hông để có tỷ lệ eo – hông.

Nếu kết quả từ 0,8 trở lên thì có nghĩa là có mỡ nội tạng. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.

Cholesterol cao

Cholesterol cao có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Không phải cân nặng, di truyền mới là yếu tố quyết định nguy cơ gặp phải các vấn đề về cholesterol.

Một nghiên cứu cho thấy gần một phần tư người Mỹ không thừa cân có yếu tố nguy cơ chuyển hóa kém, gồm có mức cholesterol cao hoặc cao huyết áp.

Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là loại bệnh tiểu đường xảy ra trong thời gian mang thai ở những phụ nữ không bị tiểu đường trước đây. Tuy nhiên, những phụ nữ này có thể đã bị tiền tiểu đường mà không biết.

Tiểu đường thai kỳ được coi là một dạng ban đầu của tiểu đường type 2. Ước tính có khoảng 2 đến 10% phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ.

Hầu hết các trường hợp tiểu đường thai kỳ đều tự khỏi sau khi kết thúc thai kỳ. Tuy nhiên, những phụ nữ từng bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn gấp 10 lần trong 10 năm sau mang thai so với những phụ nữ không bị tiểu đường thai kỳ. (3)

Khoảng một nửa số phụ nữ từng bị tiểu đường khi mang thai mắc bệnh tiểu đường type 2 sau này.

Sinh con nặng cân

Đa số phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ đều sinh con có cân nặng lớn hơn bình thường, thường là từ 4kg trở lên. Điều này không chỉ gây khó khăn cho quá trình sinh nở mà còn làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2 ở người mẹ.

Lối sống ít vận động

Tích cực hoạt động thể chất là điều quan trọng để có sức khỏe tốt. Vận động quá ít hàng ngày có thể gây tác động tiêu cực đến sức khỏe. Những người có lối sống ít vận động, bất kể cân nặng là bao nhiêu, có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn gần gấp đôi so với những người thường xuyên vận động.

Chế độ ăn uống không lành mạnh

Không phải chỉ những người thừa cân mới có chế độ ăn uống không lành mạnh. Không ít người có cân nặng bình thường cũng có thói quen ăn uống làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.

Theo một nghiên cứu, chế độ ăn nhiều đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, kể cả khi có cân nặng bình thường, thường xuyên tập thể dục và kiểm soát lượng calo nạp vào.

Đường có trong rất nhiều loại thực phẩm khác nhau, gồm có bánh kẹo, đồ ăn vặt chế biến sẵn, nước ngọt, sốt trộn salad…

Hút thuốc

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật, trong đó có tiểu đường. Một nghiên cứu cho thấy những người hút từ 20 điếu thuốc trở lên mỗi ngày có nguy cơ bị tiểu đường cao gấp đôi so với những người không hút thuốc, bất kể cân nặng là bao nhiêu.

Một số lầm tưởng về bệnh tiểu đường

Tiểu đường là một trong những bệnh lý phổ biến nhất trên thế giới nhưng vẫn còn nhiều điều chưa được hiểu đúng về căn bệnh này.

Điều này có thể khiến cho người bệnh không được chăm sóc sức khỏe một cách thích hợp và khiến bệnh không được chẩn đoán ở những người bị tiểu đường nhưng có cân nặng bình thường do quan niệm sai lầm rằng chỉ những người thừa cân hoặc béo phì mới có thể phát triển tình trạng này.

Những hiểu nhầm khác về bệnh tiểu đường có thể dẫn đến việc chăm sóc, điều trị không đúng cách. Ví dụ, một lầm tưởng phổ biến là bệnh tiểu đường xảy ra do ăn quá nhiều đường. Mặc dù ăn nhiều đường là một phần của chế độ ăn uống không lành mạnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nhưng đó không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tiểu đường.

Tương tự, không phải ai mắc bệnh tiểu đường cũng đều thừa cân hoặc béo phì. Đặc biệt, đa số những người bị tiểu đường type 1 có cân nặng ở mức bình thường. Một số người thậm chí còn có cân nặng thấp hơn bình thường vì sụt cân nhanh chóng là một triệu chứng phổ biến của tiểu đường type 1.

Một lầm tưởng cũng khá phổ biến khác là bệnh tiểu đường không di truyền. Điều này cũng sai. Bệnh tiểu đường có di truyền và trên thực tế, tiền sử gia đình mắc bệnh là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất của bệnh tiểu đường.

Tìm hiểu về bệnh tiểu đường, bao gồm nguyên nhân gây bệnh và những ai có nguy cơ mắc bệnh sẽ giúp chúng ta xóa bỏ những lầm tưởng tai hại về căn bệnh mãn tính này và giúp cho những người mắc bệnh được chăm sóc, điều trị một cách thích hợp.

Điều này sẽ có lợi cho tất cả mọi người chứ không riêng người bệnh tiểu đường vì bất cứ ai cũng có thể bị bệnh.

Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Có một hoặc thậm chí nhiều yếu tố nguy cơ nêu trên không có nghĩa là sẽ bị tiểu đường type 2. Có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng các cách dưới đây:

  • Tích cực vận động: Vận động thường xuyên rất tốt cho sức khỏe, bất kể có thừa cân hay không. Cố gắng tập thể dục 150 phút mỗi tuần.
  • Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn không lành mạnh sẽ có tác động tiêu cực đến sức khỏe, kể cả ở những người có cân nặng khỏe mạnh. Ăn đồ chứa nhiều đường và thực phẩm có giá trị dinh dưỡng thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Cố gắng ăn nhiều trái cây, rau củ và các loại hạt. Đặc biệt, mỗi bữa nên ăn nhiều rau xanh. Nghiên cứu cho thấy thường xuyên ăn rau xanh có thể làm giảm 14% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
  • Hạn chế rượu bia: Chỉ uống một lượng rượu bia vừa phải (từ 0,5 đến 3,5 đơn vị cồn) mỗi ngày có thể làm giảm 30% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường so với những người uống nhiều.
  • Kiểm tra các chỉ số chuyển hóa thường xuyên: Những người có tiền sử gia đình bị cholesterol cao hoặc cao huyết áp nên làm xét nghiệm định kỳ để kiểm tra các chỉ số chuyển hóa. Điều này sẽ giúp phát hiện hoặc ngăn ngừa các vấn đề như tiểu đường hoặc bệnh tim mạch.
  • Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường nhưng khi ngừng hút thuốc, nguy cơ sẽ trở lại mức bình thường. Điều này sẽ giúp cơ thể kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.

Tóm tắt bài viết

Bệnh tiểu đường có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Mặc dù cân nặng là một yếu tố nguy cơ nhưng ngoài ra còn có rất nhiều yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, gồm có lối sống ít vận động, tiền sử tiểu đường thai kỳ, cholesterol cao, nhiều mỡ nội tạng, hút thuốc và tiền sử gia đình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *