Bên cạnh việc dùng thuốc theo đơn, xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học thì vận động, tập luyện cũng có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình điều trị bệnh mạch vành. Vậy người mắc bệnh tim mạch vành nên tập luyện như thế nào, cần lưu ý điều gì trong quá trình tập luyện? Cùng tham khảo trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Người mắc bệnh tim mạch vành nên tập luyện như thế nào?
1. Vai trò của tập luyện đối với người mắc bệnh mạch vành
1.1 Đặc điểm của bệnh tim mạch vành
Bệnh mạch vành là căn bệnh đặc trưng bởi tình trạng tắc hẹp của mạch vành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là do xơ vữa động mạch vành. Sự hình thành và phát triển của các mảng xơ vữa với thành phần chính là chất béo khiến lòng mạch ngày càng bị thu hẹp, thành mạch dần trở nên xơ cứng mất đi sự đàn hồi. Điều này khiến dòng máu đến nuôi cơ tim bị giảm nghiêm trọng dẫn đến thiếu máu cơ tim cục bộ mạn tính hoặc thiếu máu cơ tim cục bộ cấp tính (nhồi máu cơ tim).
Bệnh mạch vành là tình trạng thu hẹp các mạch máu nuôi tim.
1.2 Mối liên hệ giữa việc tập luyện và bệnh tim mạch vành
Lười vận động là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành. Lối sống tĩnh, ít vận động khiến các chất dinh dưỡng không được chuyển hóa thành năng lượng, tích tụ lại dưới dạng chất béo. Những người lười vận động thường có nguy cơ cao bị xơ vữa mạch vành, thúc đẩy sự hình thành hoặc tiến triển của bệnh mạch vành.
Do vậy, việc tăng cường vận động, tập luyện thể dục thể thao có ý nghĩa quan trọng đối với việc cải thiện hoặc phòng ngừa bệnh mạch vành. Những môn thể thao thích hợp sẽ giúp cải thiện sức khỏe nói chung và những tác dụng với hệ tim mạch:
– Tăng cường dưỡng khí cho cơ tim, thúc đẩy sự hình thành và hoạt động vòng tuần hoàn nhánh, tăng lượng huyết lưu của vòng tuần hoàn này
– Giảm thiểu tình trạng tiêu hao dưỡng khí cho cơ tim
– Tăng khả năng phản ứng chung của hệ thống tuần hoàn máu
– Cải thiện nồng độ cholesterol trong máu
– Giúp bệnh nhân cảm thấy sảng khoái tinh thần, bớt lo lắng về bệnh tật
– Khơi dậy các nhân tố tích cực nội tại của người bệnh, từ đó giảm nguy cơ đau tim
2. Chế độ tập luyện cho người mắc bệnh tim mạch vành và những lưu ý khi tập luyện
Tuy tập luyện rất tốt cho sức khỏe nhưng đối với những người mắc bệnh mạch vành cần hết sức lưu ý để không tăng gánh nặng cho tim.
2.1 Những bệnh nhân mạch vành nào có thể tập luyện thể dục thể thao?
Để có một kế hoạch tập luyện phù hợp nhất, trước hết bạn cần hiểu rõ về tình trạng sức khỏe mạch vành của chính mình. Để làm được điều này, bệnh nhân nên thăm khám sớm và thường xuyên tại các chuyên khoa tim mạch uy tín. Tại đây, các bác sĩ giàu kinh nghiệm và các thiết bị, phương pháp chẩn đoán hiện đại có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Thông thường, các trường hợp mắc bệnh động mạch vành tim được phép tập luyện gồm:
– Bệnh nhân tăng huyết áp, điện tâm đồ dương nhưng không cần thiết phải dùng thuốc ngừa đau tim
– Bệnh đau tim đã bước đầu được khống chế, không cần uống thuốc ngừa đau tim
– Người bị nhồi máu cơ tim cấp tính đang trong giai đoạn hồi phục, bệnh đã ổn định và dần thuyên giảm
Người mắc bệnh mạch vành nói chung và những trường hợp nói trên nói riêng trên có thể tập luyện với những bài tập và tần suất vừa phải theo hướng dẫn của các bác sĩ.
Tìm hiểu thêm: Triệu chứng và cách điều trị bệnh mạch vành mạn
Bên cạnh việc dùng thuốc theo phác đồ, ăn uống khoa học thì tập luyện thường xuyên cũng là biện pháp giúp cải thiện tình trạng tắc nghẽn mạch vành.
2.2 Lựa chọn bài tập như thế nào?
Có rất nhiều hinh thức tập luyện nhưng đối với người mắc bệnh tim mạch vành, chỉ nên chọn những bộ môn và bài tập nhẹ nhàng, vừa sức như:
– Đi bộ
– Chạy chậm
– Đi xe đạp
– Bơi
– Yoga, thiền
2.3 Lưu ý về cường độ và tần suất tập luyện
Những người mắc bệnh mạch vành không nên tập với cường độ quá cao. Nên tăng dần cường độ tập luyện và tần suất tập. Thông thường, cứ luyện tập 30 giây đến vài phút thì nên tạm nghỉ. Thời gian nghỉ bằng hoặc dài gấp đôi thời gian tập. Tiếp tục lặp đi lặp lại chu trình như vậy cho tới khi tổng thời gian tập luyện khoảng 30 – 40 phút. Dần dần, bạn có thể kéo dài hơn thời gian tập luyện nếu thể lực cho phép.
2.4 Khởi động kỹ và nghỉ ngơi sau khi tập
Nếu chưa khởi động tốt đã tiến hành luyện tập với cường độ lớn, bệnh nhân sẽ rất dễ bị thiếu máu cơ tim dẫn đến đau tim. Sau khi tập, nếu dừng hoạt động đột ngột cũng khiến tim khó thích nghi ngay, gây tác động không tốt cho tim. Vì vậy, khởi động kỹ và để cơ thể có thời gian hồi tĩnh là rất quan trọng.
Đồng thời cần chú ý theo dõi phản ứng của nhịp tim và huyết áp. Nên tiến hành đo các chỉ số này trước mỗi lần vận động, trong khi tập luyện với cường độ cao nhất và 2 phút sau khi dừng tập. Một cách tính đơn giản có tính tương đối là đếm mạch đập trong 15 giây rồi nhân với 4. Kết quả có thể là chỉ tiêu để đánh giá lượng vận động với phản ứng của cơ thể.
>>>>>Xem thêm: Bệnh xơ vữa mạch vành là gì? Cách chẩn đoán và điều trị
Người bệnh tim mạch vành cần phải lựa chọn bài tập phù hợp, nâng dần cường độ và chú ý khởi động, hồi tĩnh khi tập luyện để tránh làm tăng gánh nặng cho tim.
2.5 Lên kế hoạch tập luyện
Lên kế hoạch tập luyện và ghi chép nhật ký tập (lượng vận động và cảm giác khi tập) là một thói quen tốt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạch vành. Đây sẽ là cơ sở để theo dõi và điều chỉnh tần suất tập luyện, để việc tập luyện phát huy đạt hiệu quả tối đa, giúp sức khỏe ngày càng được tăng cường.
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn có những kiến thức chế độ tập luyện cho người bệnh tim mạch vành. Lưu ý, trên đây chỉ là những thông tin tham khảo. Để xây dựng được chế độ tập luyện thực sự phù hợp, bạn cần thăm khám tim mạch và lắng nghe lời khuyên của các chuyên gia. Nếu có nhu cầu thăm khám, bệnh nhân vui lòng liên hệ để được tư vấn và hỗ trợ đặt lịch.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.