Viêm tai giữa vỡ mủ là giai đoạn viêm nghiêm trọng của bệnh viêm tai giữa, xảy ra sau một thời gian viêm nhẹ. Lúc này trong tai giữa đã hình thành mủ, gây thủng màng nhĩ và có thể gây hoại tử xương chũm nếu không được điều trị kịp thời. Hiện nay viêm tai giữa vẫn là bệnh lý phổ biến ở mọi lứa tuổi, do nhiều nguyên nhân gây nên.
Bạn đang đọc: Nguy cơ mất thính giác khi bị viêm tai giữa vỡ mủ
1. Viêm tai giữa vỡ mủ là gì?
Vị trí tai giữa và mô phỏng tình trạng viêm tai giữa
Viêm tai giữa là tình trạng tai giữa bị nhiễm trùng, gây viêm, làm ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng nghe của tai và dễ để lại di chứng điếc vĩnh viễn khi không được chữa trị đúng cách và kịp thời. Hiện nay, theo các thống kê, khoảng 2/3 nguyên nhân trực tiếp gây viêm tai giữa là do vi khuẩn và điển hình nhất là phế cầu khuẩn. Vỡ mủ là giai đoạn viêm nghiêm trọng nhất của bệnh.
Viêm tai giữa thường là hệ quả kéo theo của viêm ống tai ngoài hoặc là hệ quả của một số bệnh lý tai mũi họng, điển hình như bệnh lý viêm amidan, viêm họng hạt, viêm mũi xoang do hệ thống tai – mũi – họng thông nhau.
Dựa theo tính chất bệnh lý, có thể chia viêm tai giữa thành hai dạng: viêm tai giữa cấp tính và viêm tai giữa mạn tính. Trong đó, viêm tai giữa cấp tính là tình trạng viêm tai bột phát, diễn ra nhanh, thường xảy ra cùng với thời điểm người bệnh mắc các bệnh về đường hô hấp trên. Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng viêm tai tái phát liên tục, kéo dài, thường là hệ quả của các bệnh lý mạn tính như viêm xoang mạn tính, viêm amidan mạn tính, viêm ống tai ngoài mạn tính, nấm tai tái phát liên tục,…..
Ở bất kỳ tình trạng viêm tai giữa cấp tính hay mạn tính, tình trạng viêm tai đều trải qua các giai đoạn:
-Giai đoạn sung huyết: Tai giữa chỉ ửng đỏ, hơi có cảm giác ngứa ngáy. Ở giai đoạn này, điều trị triệt để nguyên nhân gây bệnh thì tình trạng viêm tai sẽ tự khỏi.
– Giai đoạn ứ mủ:Lúc này, tình trạng viêm đã nặng thêm và bắt đầu hình thành mủ trong tai giữa. Màng nhĩ đọng mủ căng phồng. Người bệnh sẽ có biểu hiện sốt cao, đây cũng là phản ứng của cơ thể khi xuất hiện ổ viêm.
– Giai đoạn viêm vỡ mủ: Khi mủ đọng trong tai giữa gây áp lực quá lớn đến màng nhĩ sẽ khiến màng nhĩ bị thủng và mủ chảy ra ngoài.
2. Đặc điểm của viêm tai giữa vỡ mủ
Tìm hiểu thêm: Viêm mũi dị ứng và cách phòng tránh
Hình ảnh giai đoạn viêm tai giữa ứ mủ và viêm tai giữa vỡ mủ
Khi bước sang giai đoạn viêm vỡ mủ, người bệnh sẽ tăng và giảm một số triệu chứng sau đây:
– Màng nhĩ bị thủng, mủ trào ra ngoài. Màu sắc của mủ thường vàng, trắng, xanh hoặc vàng xanh, kèm theo đó là mùi hôi.
– Khả năng nghe giảm rõ rệt: Màng nhĩ bị thủng khiến người bệnh giảm thính lực, thường nghe thấy tiếng u u trong tai.
– Giảm đau tai tạm thời: Do áp lực tới màng nhĩ không còn nữa nên người bệnh có thể giảm đau tai tạm thời. Tuy nhiên, tình trạng khó chịu tại vị trí viêm thường sẽ gia tăng.
– Tình trạng sốt cao giảm dần: Nếu như khi ở giai đoạn ứ mủ, người bệnh liên tục sốt cao và mệt mỏi thì ở giai đoạn vỡ mủ, sốt sẽ giảm rõ rệt và người bệnh cũng sẽ lầm tưởng rằng bệnh đã khỏi. Tuy nhiên hãy cẩn trọng vì lúc này xương chũm có thể cũng sẽ bị hoại tử. Viêm lan rộng sâu vào bên trong và tình trạng sốt sẽ tái diễn.
– Một số triệu chứng khác thường thấy: chảy nước mắt, nước mũi, đau họng,
Ở giai đoạn này, nguy cơ biến chứng hoại tử xương chũm, viêm màng não, tiêu xương tai, điếc vĩnh viễn,… là rất cao, việc điều trị cũng thường mất nhiều thời gian và lâu hơn.
3. Điều trị viêm tai giữa vỡ mủ
Ngay từ khi có dấu hiệu bất thường ở tai giữa, bạn cần chủ động đến thăm khám và điều trị sớm để có kết quả tốt nhất. Đối với người bệnh đã bước vào giai đoạn viêm vỡ mủ, quá trình điều trị sẽ phức tạp hơn. Cụ thể các bước chung để điều trị gồm:
3.1. Làm sạch tai
Tai cần được làm sạch và lấy toàn bộ mủ ra ngoài. Các bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ y tế và các dung dịch rửa phù hợp để loại bỏ hoàn toàn các mủ bám. Sau quá trình làm sạch, tai sẽ được làm khô hoàn toàn để kiểm tra các tổn thương và điều trị các bước tiếp theo.
3.2. Điều trị bằng thuốc
Tùy thuộc vào tình trạng viêm mà các loại thuốc điều trị sẽ được chỉ định phù hợp. Có thể sử dụng thuốc bột hoặc thuốc nhỏ để đưa vào vị trí viêm, giúp kháng viêm, phục hồi.
Trong trường hợp tai đã hoại tử xương chũm, cần thực hiện phẫu thuật chuyên sâu để điều trị.
3.3. Điều trị kết hợp
Song song với điều trị viêm tai giữa, cần điều trị kết hợp các bệnh lý liên quan khác nếu có như viêm xoang, viêm mũi,… để tránh tái phát.
4. Phòng ngừa viêm tai giữa đúng cách
>>>>>Xem thêm: Những điều cần tránh khi bị polyp mũi
Khi có dấu hiệu bất thường ở tai, hãy đi khám tại cơ sở y tế uy tín
Viêm tai giữa nói riêng và các bệnh lý về tai nói chung để phòng ngừa, bạn cần đảm bảo các vấn đề sau đây:
– Không chủ quan với các bệnh lý về mũi – họng, khi mắc các bệnh lý này cần điều trị dứt điểm và tránh tái phát.
– Bảo vệ tai thông qua các thói quen sinh hoạt hằng ngày như: vệ sinh tai sạch sẽ (bên ngoài), không sử dụng các vật sắc nhọn đưa vào bên trong tai, không lấy ráy tai khi không cần thiết, giữ cho tai luôn khô, bảo vệ tai khi tiếp xúc môi trường nhiều khói bụi, …..
– Tự nâng cao đề kháng của cơ thể thông qua ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vận động và nghỉ ngơi hợp lý, khoa học.
– Nên tiêm phòng các vắc-xin phòng ngừa các bệnh cúm, phế cầu,….
– Khi tai bị ngứa, đau, ù tai hoặc tai có mùi,…. hãy tới các cơ sở y tế chất lượng để thăm khám. Trong trường hợp có bệnh cần điều trị sớm để tránh bệnh tiến triển xấu, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và chức năng tai.
Trên đây là một số thông tin về viêm tai giữa vỡ mủ. Với những thông tin trên, hi vọng rằng bạn đọc đã hiểu rõ hơn về tình trạng này: nắm được các dấu hiệu, triệu chứng và diễn biến của viêm tai giữa khi không may mắc phải cũng như chủ động có các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho đôi tai của mình.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.