Có thể bạn chưa biết, gan to nhiễm mỡ có thể gây ra các biến chứng cực kỳ nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, đặc biệt là ung thư gan. Điều quan trọng cần thực hiện để đối phó tốt với gan nhiễm mỡ là tìm đúng nguyên nhân bệnh, thực hiện chẩn đoán đúng và tiến hành điều trị đúng phác đồ.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân chính gây ra gan to nhiễm mỡ
1. Gan nhiễm mỡ là gì?
Gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ tích tụ quá nhiều trong gan làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của gan. Ở người bình thường, lượng mỡ có trong gan là rất thấp, chỉ chiếm khoảng 2-4% trọng lượng lá gan. Nhưng với trường hợp gan nhiễm mỡ, mỡ sẽ chiếm ít nhất khoảng 5-10% trọng lượng lá gan.
Hiện nay, gan nhiễm mỡ ngày một phổ biến tại Việt Nam và phần lớn gặp phải ở những người trong độ tuổi 40-60. Chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện tốt tình trạng nhiễm mỡ của gan thông qua việc phát hiện sớm nguyên nhân gây bệnh, thực hiện điều trị đúng phác đồ kết hợp thay đổi các thói quen ăn uống khoa học và sinh hoạt hàng ngày lành mạnh.
Gan nhiễm mỡ phát triển nặng gây tổn thương gan và dẫn tơi xơ gan.
2. Những nguyên nhân chính gây ra gan to nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ xảy ra khi người bệnh gặp phải các bệnh lý khác nhau. Do đó, để điều trị tốt gan nhiễm mỡ, chúng ta phải đi từ bệnh lý chính gây ra gan nhiễm mỡ. Cụ thể:
2.1. Béo phì
Gan nhiễm mỡ thường gặp nhiều ở những người béo phì, người thừa cân. Có tới 80-90% người bệnh béo phì Theo nghiên cứu chỉ ra rằng, mức độ mỡ trong gan có liên quan tới mức độ béo phì, nhất là béo bụng. Nếu bạn bị béo phì nặng cũng đồng nghĩa mức độ gan nhiễm mỡ theo đó cũng nặng hơn và nguy cơ phát triển thành viêm gan thoái hóa mỡ ở đối tượng này cũng cao hơn người bình thường. Kết quả có thể dẫn tới xơ gan đặc biệt nguy hiểm.
2.2. Đái tháo đường làm gan to nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ thường ít phổ biến ở người bệnh tiểu đường type I, nhưng lại rất dễ gặp ở người bệnh tiểu đường type II do có sự rối loạn trong chuyển hóa chất béo. Theo ước tính, khoảng 50% người bệnh bị tiểu đường type II được chẩn đoán có gan nhiễm mỡ.
2.3. Tăng mỡ máu
Tăng mỡ máu hay tăng lipid trong máu (bao gồm tăng triglyceride trong máu, tăng cholesterol máu hoặc tăng cả hai) cũng có thể là nguyên nhân kèm theo gan nhiễm mỡ. Trong các trường hợp khi thực hiện xét nghiệm máu có các chỉ số mỡ máu như cholesterol, triglyceride cao thì tốt nhất bạn nên thực hiện thêm các xét nghiệm kiểm tra về gan và siêu âm gan.
2.4. Nghiện rượu – nguyên nhân quan trọng gây ra gan to nhiễm mỡ
Gan to nhiễm mỡ có tỷ lệ gặp cao ở những đối tượng nghiện rượu, uống nhiều rượu bia. Lý giải chiều này là nghiện rượu mạn tính làm tăng tổng hợp và giảm phân giải lượng chất béo trong gan, từ đó khiến mỡ bị ứ lại trong gan và gây ra gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ do nguyên nhân từ rượu thường có thể phục hồi bằng cách cai rượu bia. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn tiếp tục uống rượu thì gan sẽ bị tổn thương nhanh chóng và dẫn tới viêm gan hoặc thậm chí là xơ gan.
Tìm hiểu thêm: Chăm sóc bệnh nhân viêm tụy cấp nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Nghiện rượu là nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ.
3. Khi nào bạn cần thăm khám?
Gan nhiễm mỡ ở giai đoạn đầu thường ít xuất hiện những triệu chứng rõ ràng. Hầu hết các trường hợp phát hiện bệnh sớm khi tình cờ thăm khám trên siêu âm. Khi bệnh phát triển nặng, lượng mỡ trong gan tăng lên sẽ làm ảnh hưởng tới chức năng gan, tổn thương gan gây viêm gan, xơ gan và kéo theo hàng loạt những triệu chứng như sau:
– Đau và khó chịu quanh vùng bụng trên bên phải
– Chán ăn
– Buồn nôn và nôn
– Sụt cân
– Ngứa da
– Người mệt mỏi, có dấu hiệu suy kiệt
– Vàng da, vàng mắt, nước tiểu đặc sẫm màu.
Nhận thấy các dấu hiệu bất thường kể trên, người bệnh nên chủ động thăm khám ngay, thực hiện các chỉ định cận lâm sàng để được chẩn đoán đúng bệnh và nhanh chóng có phương án điều trị kịp thời.
4. Chẩn đoán gan nhiễm mỡ
Để chẩn đoán đúng về gan nhiễm mỡ và tình trạng sức khỏe lá gan, bạn sẽ bắt đầu khám lâm sàng với bác sĩ chuyên khoa gan mật. Sau đó sẽ thực hiện các yêu cầu cận lâm sàng theo chỉ định. Thông thường, người bệnh sẽ được siêu âm kết hợp làm các xét nghiệm máu cần thiết.
Siêu âm: Hình ảnh gan bị nhiễm mỡ phản ánh qua siêu âm là độ hồi âm của nhu mô gan tăng cao tạo thành một hình ảnh đặc trưng gọi là “gan sáng”. Bên cạnh siêu âm thì các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp MSCT, chụp cộng hưởng từ MRI cũng có thể phát hiện gan nhiễm mỡ.
Xét nghiệm máu: Đây không phải phương pháp chẩn đoán xác định gan nhiễm mỡ nhưng là yêu cầu cần thiết và quan trọng để đánh giá tình trạng sức khỏe lá gan bao gồm phản ánh men gan, chức năng gan, đo lượng đường trong máu, mỡ máu,… Từ đó tìm ra đúng nguyên nhân gây tổn thương gan và gan nhiễm mỡ. Các loại xét nghiệm kiểm tra chính được thực hiện:
– Xét nghiệm đánh giá men gan, đánh giá viêm gan và các bệnh về gan: ALT (Alanine Transaminase); AST (Aspartate Transaminase); GGT (Gamma-glutamyltransferase)
– Đánh giá rối loạn tại gan: Bilirubin toàn phần; Bilirubin trực tiếp
– Xét nghiệm tầm soát, kiểm tra viêm gan A,B,C,D,E
– Đánh giá đường máu: Xét nghiệm định lượng Glucose
– Đánh giá mỡ máu: Xét nghiệm định lượng Cholesterol toàn phần; Định lượng Triglycerid.
>>>>>Xem thêm: Bệnh viêm gan B cấp tính có đặc điểm gì?
Xét nghiệm máu giúp đánh giá tình trạng chức năng gan và tìm ra nguyên nhân gan nhiễm mỡ.
5. Điều trị gan nhiễm mỡ thực hiện như thế nào?
Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có loại thuốc điều trị đặc hiệu được công nhận ở bệnh gan to nhiễm mỡ. Điều trị hiệu quả sẽ cần đi từ nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ, tức là:
– Ở người bệnh gan nhiễm mỡ do béo phì thì cần giảm cân đúng cách.
– Ở người bệnh gan nhiễm mỡ do đái tháo đường thì cần kiểm soát tốt chế độ ăn.
– Ở người bệnh gan nhiễm mỡ do mỡ máu cần kiểm soát tốt lượng cholesterol và đường máu.
– Ở người bệnh gan nhiễm mỡ do nghiện rượu cần cai rượu.
Về cơ bản, việc điều trị gan to nhiễm mỡ sẽ phụ thuộc nhiều ở chế độ ăn và điều chỉnh lối sống khoa học. Bạn cần giữ một cân nặng hợp lý, giảm cân đúng cách, ăn nhiều rau xanh và loại bỏ những thực phẩm không tốt, tập thể dục thể thao, ngủ nghỉ điều độ,…
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.