Bệnh mạch vành cấp là tình trạng vô cùng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Cùng tim hiểu xem đây là bệnh gì, do nguyên nhân nào và chẩn đoán ra sao qua bài viết sau đây nhé.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân, cơ chế và chẩn đoán bệnh mạch vành cấp
1. Bệnh mạch vành cấp là gì?
Bệnh mạch vành cấp là tình trạng cấp cứu của bệnh động mạch vành, còn được gọi là hội chứng động mạch vành cấp, hội chứng mạch vành cấp. Thuật ngữ này dùng để miêu tả tình trạng đột ngột thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim, bao gồm các dạng sau:
– Hội chứng mạch vành cấp có ST chênh lên
– Hội chứng mạch vành cấp không có ST chênh lên, gồm nhồi máu cơ tim không ST chênh lên và cơn đau thắt ngực không ổn định
Tình trạng cấp tính của bệnh động mạch vành thường có triệu chứng điển hình là cơn đau ngực.
2. Nguyên nhân gây bệnh động mạch vành cấp
Nguyên nhân gây hội chứng động mạch vành cấp thường gặp nhất là do sự hình thành các mảng xơ vữa ở động mạch vành – động mạch duy nhất cung cấp máu nuôi cơ tim.
Sự hình thành các mảng xơ vữa khiến lòng mạch bị thu hẹp, kích thích sự hình thành các cục máu đông. Cụ thể, khi các mảng vữa xơ mềm bị nứt vỡ, lớp dưới nội mạc sẽ lộ ra và tiếp xúc với các tiểu cầu, dẫn đến ngưng kết tiểu cầu. Thêm vào đó, đám tiểu cầu này sẽ giải phóng ra một loạt các chất trung gian làm co mạch và đẩy nhanh sự hình thành cục máu đông. Khi các cục máu đông quá lớn hoặc đi vào những phần hẹp của lòng mạch sẽ ngăn chặn một phần hoặc hoàn toàn dòng máu nuôi dưỡng cơ tim.
Khi bị thiếu máu nuôi dưỡng, các tế bào cơ tim sẽ dần chết đi, mô cơ tim bị hủy hoại (hoại tử) gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim.
Trong trường hợp tế bào cơ tim không bị hoại tử thì việc bị thiếu máu nuôi dưỡng cũng khiến các tế bào bị hư hại tạm thời hoặc vĩnh viễn, giảm khả năng hoạt động và gây ra tình đau thắt ngực không ổn định.
Các yếu tố nguy cơ của hội chứng động mạch vành cấp bao gồm: tuổi tác; bệnh tăng huyết áp, rối loạn cholesterol máu, thừa cân béo phì, đái tháo đường; các thói quen xấu như hút thuốc lá, lối sống tĩnh tại, ít vận động, chế độ ăn không lành mạnh; tiền sử gia đình…
3. Cơ chế gây ra tình trạng mạch vành cấp tính
3.1 Cơ chế hình thành nhồi máu cơ tim cấp có đoạn ST chênh lên
Nhồi máu cơ tim cấp có đoạn ST chênh lên thường xảy ra khi có tắc cấp tính (đột ngột) hoàn toàn dòng chảy trong lòng động mạch vành do huyết khối. Các huyết khối này đa phần hình thành tại mạch vành, trên nền mảng vữa xơ trong lòng mạch, hiếm khi di chuyển đến từ nơi khác như buồng tim hoặc các mạch máu khác.
Sự mất ổn định của các mảng vữa xơ của động mạch vành và quá trình kết tập tiểu cầu tạo nên các cục máu đông gây hẹp nặng hơn nữa lòng mạch vành, gây tắc hoàn toàn động mạch vành thượng tâm mạc dẫn đến nhồi máu cơ tim xuyên thành.
Một số trường hợp khác cũng có thể gây tắc hoàn toàn động mạch vành gồm:
– Bất thường bẩm sinh ở động mạch vành
– Viêm động mạch vành
– Co thắt động mạch vành
– Bóc tách gốc động mạch chủ gây tắc lỗ xuất phát của động mạch vành
Tìm hiểu thêm: Huyết áp thấp ăn gì?ăn uống lành mạnh giúp phòng ngừa
Bệnh mạch vành cấp thường do sự tắc nghẽn đột ngột của động mạch vành gây ra bởi các mảng xơ vữa và huyết khối.
3.2 Cơ chế hình thành hội chứng mạch vành cấp không có ST chênh lên
Ở những trường hợp mắc hội chứng mạch vành cấp không có ST chênh lên, sự nứt vỡ của các mảng xơ vữa thường nhỏ. Cục máu đông hình thành nhưng chỉ gây tắc một phần động mạch vành, do vậy ST không chênh lên rõ rệt trên điện tâm đồ. Tuy nhiên, sự di chuyển của huyết khối nhỏ có thể gây tắc và co thắt vi mạch phía sau, làm cho tình trạng thiếu máu cơ tim thêm trầm trọng. Dạng bệnh mạch vành cấp này có thể diễn biến nặng và biến thành nhồi máu cơ tim thực sự.
Sự nứt vỡ của các mảng xơ vữa không ổn định làm giảm nghiêm trọng và nhanh chóng dòng máu nuôi dưỡng vùng cơ tim tương ứng với động mạch vành bị tắc nghẽn. Bên cạnh triệu chứng đau ngực không ổn định trên lâm sàng, các kết quả cận lâm sàng cũng phản ánh hội chứng này như: hình ảnh thiếu máu cơ tim cấp với ST chênh xuống hoặc T âm nhọn trên điện tâm đồ, các men tim loại troponin, CK – MB tăng… Một số yếu tố sau có thể làm bệnh nặng hơn như: sốt, tăng huyết áp nhiều, rối loạn nhịp, cường giáp…
4. Cách chẩn đoán hội chứng động mạch vành cấp chính xác
4.1 Chẩn đoán bệnh mạch vành cấp nhờ triệu chứng lâm sàng
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh động mạch vành cấp thường xuất hiện đột ngột và diễn tiến rất nhanh, bao gồm:
– Đau thắt ngực, cảm thấy rất khó chịu, đè nặng, bóp chặt hoặc bỏng rát ở ngực
– Đau lan ra vai, cánh tay, vùng bụng trên, vùng lưng, cổ hoặc quai hàm
– Buồn nôn hoặc nôn
– Đầy bụng, khó tiêu
– Khó thở
– Đột ngột vã mồ hôi
– Quay cuồng, chóng mặt, ngất
– Đột ngột mệt mỏi không rõ nguyên nhân
– Bồn chồn, lo lắng không yên
Trong đó, đau ngực là những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh mạch vành cấp. Tuy nhiên, các dấu hiệu biểu hiện khác nhau trên từng bệnh nhân, tùy theo độ tuổi, giới tính và các tình trạng bệnh lý khác. Ở những người cao tuổi hoặc người mắc đái tháo đường bị hội chứng mạch vành cấp, triệu chứng đau ngực hoặc cảm giác khó chịu thường không xuất hiện. Thay vào đó là những dấu hiệu khác, người bệnh cần hết sức lưu ý.
>>>>>Xem thêm: Hở van động mạch phổi 1/4 là như thế nào?
Hội chứng mạch vành cấp tính cần được chẩn đoán ngay và xử lý kịp thời tại các chuyên khoa tim mạch uy tín.
3.2 Các chẩn đoán cận lâm sàng đối với bệnh mạch vành cấp
Các bệnh nhân có dấu hiệu có liên quan tới hội chứng mạch vành cấp thường sẽ được chỉ định một số chẩn đoán cận lâm sàng bao gồm:
– Điện tâm đồ: nhằm đo sự hoạt động điện của tim bệnh nhân, đánh giá tình trạng bệnh lý ở tim. Kết quả điện tâm đồ có thể giúp xác định được bất thường của tim nằm ở khu vực nào và do nguyên nhân gì.
– Xét nghiệm máu: nếu cơ tim bị phá hủy, một số enzyme nhất định có thể được phóng thích. Xét nghiệm máu giúp xác định có hay không sự tồn tại của các enzyme này trong máu, là căn cứ xác định nhồi máu cơ tim.
– Chụp động mạch vành: giúp đánh giá tình trạng các mạch máu nuôi tim qua hình ảnh chụp bằng tia X có thuốc cản quang. Kết quả chụp sẽ cho thấy tình trạng lưu thông của mạch máu, vị trí hẹp tắc.
– Siêu âm tim: phương pháp ghi lại những hình ảnh của tim qua sóng siêu âm, giúp đánh giá hoạt động của tim cũng như phát hiện những bất thường đang xảy ra.
Khi mắc bệnh mạch vành cấp, bệnh nhân cần được xử lý ngay. Vì thế nếu có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh, bạn cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời giúp hạn chế nguy cơ tử vong và những ảnh hưởng không mong muốn tới sức khỏe.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.