Bệnh mạch vành là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Nếu không phát hiện kịp thời và điều trị hiệu quả, bệnh mạch vành có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho tim mạch, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Biết nguyên nhân gây bệnh mạch vành sẽ giúp bạn phòng ngừa bệnh hiệu quả, tránh những rủi ro không mong muốn với sức khỏe.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân gây bệnh mạch vành, cách phòng và điều trị hiệu quả
1. Bệnh mạch vành là như thế nào?
Bệnh mạch vành xuất phát từ việc một hoặc nhiều mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn do sự hình thành và tích tụ của các mảng bám bên trong. Các mảng bám là nguyên nhân khiến thành động mạch vốn mềm mỏng và đàn hồi trở nên xơ cứng và hẹp hơn, được gọi là xơ vữa động mạch.
Khi bệnh mạch vành tiến triển nặng hơn, sự lưu thông máu qua động mạch trở nên khó khăn hơn. Dẫn đến cơ tim không nhận đủ lượng máu, oxy và dưỡng chất để hoạt động hiệu quả, gây tình trạng đau thắt ngực và nặng hơn là nhồi máu cơ tim. Hầu hết các cơn nhồi máu cơ tim được hình thành là do các cục máu đông di chuyển đến phần mạch máu bị hẹp, gây tắc mạch và chấm dứt nguồn cung cấp máu đột ngột cho tim, gây tổn thương một phần hoặc toàn bộ cơ tim.
Xơ vữa động mạch cũng khiến dòng máu từ tim vận chuyển lên não bị tắc nghẽn. Gây tình trạng thiếu máu não, xuất huyết não dẫn tới đột quỵ não.
Trong trường hợp nhẹ, bệnh sẽ tiến triển theo thời gian, khiến tim phải co bóp quá nhiều dẫn đến suy tim hoặc rối loạn nhịp tim.
Các cục máu đông di chuyến đến thành mạch bị hẹp do các mảng bám làm tắc nghẽn động mạch cực kỳ nguy hiểm
2. Các biểu hiện của bệnh mạch vành
Đau thắt ngực hay đau ở vùng tim là những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh mạch vành. Tình trạng này có thể được mô tả như sau:
– Cảm giác nặng nề vùng ngực
– Khó thở, đè nén ở tim
– Nóng rát, râm ran vùng ngực
– Đầy bụng, đau ngực âm ỉ
Các triệu chứng của bệnh mạch vành ở nam giới thường nặng hơn so với nữ giới. Các cơn đau thắt ngực đôi khi đi kèm theo buồn nôn, đổ mồ hôi, mệt mỏi cơ thể và khó thở. Ngoài ra cũng có thể có các triệu chứng khác như: đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, chóng mặt, nôn và buồn nôn,…
Đau thắt ngực, khó thở là những biểu hiện phổ biến của bệnh mạch vành
3. Những nguyên nhân gây bệnh mạch vành mà bạn cần biết
Có rất nhiều yếu tố được xác định là nguyên nhân gây bệnh mạch vành. Nhưng chủ yếu đến từ lối sống và thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Các nguyên nhân bao gồm:
– Tuổi tác: Khi độ tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh mạch vành cũng tăng theo. Đặc biệt là đối với nam giới ở độ tuổi trên 50 và nữ trên 55.
– Giới tính: Mặc dù nam giới có nguy cơ cao hơn so với nữ giới về bệnh lý mạch vành, thế nhưng nữ giới ở thời kỳ tiền mãn kinh lại có nguy cơ mắc bệnh mạch vành khá cao.
– Tiền sử gia đình: Đối với những người có ông bà, bố, mẹ, anh chị em mắc các bệnh về tim mạch ở dưới độ tuổi 55 đối với nam và 65 đối với nữ thì có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn so với người khác.
– Người mắc các bệnh lý liên quan: Một số loại bệnh lý liên quan cũng là nguyên nhân bệnh mạch vành bao gồm: cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì,…
– Lối sống ít vận động: Những người thường xuyên ngồi một chỗ, đặc biệt là dân văn phòng ít khi di chuyển, ít tập thể dục sẽ có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và các bệnh liên quan cao hơn.
– Hút thuốc lá: Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây co thắt động mạch, tăng nguy cơ gây ra các bệnh không chỉ về mạch vành mà còn các bệnh nguy hiểm khác như ung thư phổi, ung thư vòm họng…
– Nghiện rượu, bia: Chất cồn làm giảm khả năng tuần hoàn của máu, uống nhiều rượu bia cũng là nguyên nhân quan trọng gây thiếu máu cục bộ cơ tim và xuất hiện các cơn đau thắt ngực. Rượu bia cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh lý về gan mật.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu bệnh suy tim ở người già có nguy hiểm không
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý tim mạch
4. Phương pháp điều trị bệnh mạch vành
4.1 Điều trị nội khoa, khắc phục nguyên nhân bệnh mạch vành
Phương pháp chủ yếu điều trị bệnh mạch vành được ưu tiên áp dụng hiện nay chính là điều trị nội khoa. Tùy vào tình trạng bệnh lý của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị riêng biệt, sử dụng kết hợp một hoặc một vài loại thuốc điều trị như: thuốc chống kết vón tiểu cầu, thuốc ức chế thụ thể beta, thuốc hạ cholesterol máu, thuốc chẹn kênh canxi,…
Người bệnh cần sử dụng thuốc theo đơn và tuân thủ theo sự chỉ định của bác sĩ. Đồng thời cải thiện các yếu tố tim mạch, điều trị các bệnh lý liên quan như tiểu đường, cao huyết áp cao,..
>>>>>Xem thêm: Chỉ số cholesterol thấp có nguy hiểm không?
Điều trị nội khoa là phương pháp phổ biến được áp dụng để điều trị bệnh mạch vành hiện nay
4.2 Điều trị can thiệp
Ngoại khoa có thể áp dụng đối với bệnh nhân bị xơ vữa động mạch nặng. Phẫu thuật gồm có:
– Can thiệp động mạch vành qua da: Đây là phương pháp đặt một ống giúp nong động mạch vành (gọi là stent) để tái lưu thông máu, giải quyết tình trạng tắc nghẽn mạch máu do các mảng xơ vữa, giảm các cơn đau thắt ngực và nguy cơ nhồi máu cơ tim mà không cần phải mổ.
– Phẫu thuật bắc cầu mạch vành: Đây là phương pháp phẫu thuật nối một đoạn động mạch hoặc tĩnh mạch từ nguồn cấp máu đến vị trí phía sau đoạn động mạch bị hẹp hoặc tắc nghẽn giúp máu có thể tiếp tục lưu thông.
4.3 Thay đổi lối sống, loại bỏ nguyên nhân bệnh mạch vành
Ngoài việc điều trị bằng thuốc hoặc áp dụng các thủ thuật như trên. Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần thay đổi những thói quen không tốt, xây dựng lối sống lành mạnh hơn như:
– Bỏ thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia.
– Ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt,… Hạn chế ăn nhiều muối, chất béo động vật.
– Luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng thường xuyên như đi bộ, yoga, ngồi thiền… ít nhất 30 phút mỗi ngày.
– Tham khảo ý kiến bác sĩ và giảm cân trong trường hợp thừa cân, béo phì.
– Thư giãn, nghỉ ngơi và tránh căng thẳng kéo dài.
– Theo dõi thường xuyên và điều trị các bệnh lý như cao huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu
Việc phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh mạch vành sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc điều trị, hạn chế các biến chứng khó lường của bệnh và giảm nguy cơ tử vong, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Vì vậy, người được chẩn đoán bị mắc bệnh mạch vành hoặc đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành, nên thăm khám với bác sĩ tim mạch để được tư vấn và có biện pháp xử trí, phòng ngừa hiệu quả. Ngoài ra, bạn cũng nên tầm soát sức khỏe, đặc biệt là tầm soát hệ tim mạch ít nhất 6 tháng/lần để chẩn đoán nguyên nhân bệnh mạch vành và xử trí kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.