Bệnh động kinh hay còn được gọi là giật kinh phong, là căn bệnh phổ biến ở nước ta. Việc tìm hiểu về nguyên nhân gây động kinh, triệu chứng cũng như các quan niệm sai lầm của bệnh rất quan trọng. Từ đó, có thể nâng cao nhận thức để phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân gây động kinh bạn cần biết
1. Hiểu đúng bệnh động kinh là gì?
Bệnh động kinh xảy ra do sự bất thường của não bộ dẫn tới sự kích thích đồng thời một nhóm tế bào thần kinh ở vỏ não. Tình trạng này gây ra sự phóng điện đột ngột, mất khả năng kiểm soát. Sự kích thích vỏ não ở các vùng khác nhau gây ra những biểu hiện khác nhau ở từng người. Triệu chứng động kinh thường gặp là co giật. Bên cạnh đó, người bệnh còn bị co cứng chân tay, suy giảm ý thức đột ngột.
2. Giải đáp: Nguyên nhân gây động kinh là gì?
2.1. Nguyên nhân gây động kinh là yếu tố di truyền
Theo chuyên gia, một số loại động kinh có sự liên kết với các gen cụ thể. Tuy nhiên, gen này chỉ là yếu tố khiến người bệnh nhạy cảm hơn khi bị tác động bởi môi trường xung quanh, từ đó dễ gây ra những cơn động kinh. Có thể hiểu rằng, gen là yếu tố tác động chứ không phải là yếu tố quyết định và nguyên nhân trực tiếp gây bệnh.
2.2. Nguyên nhân gây động kinh do một số bệnh lý
– Chấn thương sọ não: những tai nạn nghiêm trọng khiến vùng não bị chấn thương là nguyên nhân gây động kinh khá phổ biến
– Những bệnh khiến não tổn thương: một số trường hợp xuất hiện khối u trong não hoặc từng bị đột quỵ trước đây thì nguy cơ mắc bệnh động kinh rất cao. Tổn thương não bộ gây rối loạn thần kinh trung ương khiến hoạt động não có sự thay đổi và tăng nguy cơ bị động kinh.
– Một số bệnh như viêm màng não, viêm não, cấu trúc não bất thường cũng được xem là nguyên nhân gây bệnh.
– Chấn thương trước khi sinh: trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch non nớt, nhạy cảm với tổn thương não bộ. Nếu mẹ bị nhiễm trùng, thiếu dinh dưỡng, em bé sẽ có nguy cơ tổn thương não và dẫn đến chứng động kinh ở trẻ sơ sinh.
Đột quỵ và các tổn thương não bộ làm tăng nguy cơ mắc bệnh động kinh
2.3. Nguyên nhân khác
Bên cạnh đó, thói quen sử dụng các loại thuốc trầm cảm, chất kích thích, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, ma túy cũng là nguyên nhân gây ra bệnh.
Tìm hiểu thêm: Đặt lịch khám tim mạch ở Hà Nội uy tín chất lượng
Lạm dụng rượu bia, chất kích thích cũng là nguyên nhân gây bệnh động kinh
3. Cảnh báo triệu chứng của bệnh động kinh
Theo Liên đoàn Quốc tế Chống động kinh ILAE, bệnh động kinh được chia thành 2 dạng và triệu chứng cũng có sự khác nhau nhất định.
3.1. Động kinh cục bộ
Ở trường hợp này, cơn động kinh xảy ra tại một số vùng nhất định của não bộ.
– Động kinh cục bộ đơn giản
Cơn co giật chỉ xuất hiện ở một số bộ phận trên cơ thể kèm theo ảo giác về âm thanh, hình ảnh và mùi vị. Triệu chứng tồn tại khoảng 90 giây và không làm mất ý thức của người bệnh.
– Động kinh cục bộ phức tạp
Triệu chứng xuất hiện cơn co giật ở phạm vi lớn hơn so với động kinh cục bộ đơn giản như cả chân tay, nửa người. Các dấu hiệu đó tồn tại không quá 2 phút. Khoảng 80% cơn động kinh ở dạng này xuất phát từ vùng não gần tai là thùy thái dương làm người bệnh mất ý thức, nói câu vô nghĩa, khó kiểm soát hành vi, thay đổi cảm xúc liên tục.
3.2. Động kinh toàn thể
Ở trường hợp này, cơn động kinh xảy ra ở mọi vùng trong não bộ, gồm 5 thể như sau:
– Động kinh co giật, co cứng
Loại động kinh này có hai giai đoạn của cơn co cứng. Giai đoạn đầu các cơ co lại đột ngột khiến người bệnh ngã xuống, mất hoàn toàn ý thức trong khoảng 10-20 giây. Giai đoạn sau co giật liên tục trong khoảng 2-3 phút rồi giãn các cơ ra, người bệnh không còn cảm giác và không biết trước đó xảy ra việc gì.
– Co giật đơn thuần (động kinh co cứng)
Ít xảy ra, chỉ là các cơn co giật, co cứng toàn thân đơn thuần.
– Động kinh vắng ý thức
Người bệnh mất ý thức đột ngột với biểu hiện: đột nhiên dừng việc đang làm, mắt nhìn chăm chú vào một điểm bất kỳ trong khoảng 30 giây rồi tỉnh lại, tiếp tục làm việc mà không biết mình vừa trải qua chuyện gì.
– Động kinh run giật cơ
Cơ bắp co giật đột ngột và không có khả năng tự chủ một phần cơ thể hoặc có khi xảy ra toàn thân. Triệu chứng của người bệnh khá tương đồng với sốc điện.
– Mất trương lực cơ
Xảy ra do một nhóm cơ bị mất trương lực đột ngột nên người bệnh bất ngờ ngã xuống, đầu gật về phía trước, mí mắt sụp, đánh rơi nếu đang cầm đồ vật trên tay. Tuy nhiên ý thức người bệnh vẫn còn.
Ngay khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng trên, người bệnh cần báo với những người xung quanh để được đưa đến cơ sở y tế để chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
4. Những quan niệm sai lầm về động kinh cần tránh
Dưới đây là những quan điểm lệch lạc về bệnh động kinh cần loại bỏ để bảo vệ sức khỏe.
4.1. Người mắc bệnh động kinh luôn co giật
Như đã đề cập ở trên, các loại động kinh khác nhau sẽ biểu hiện triệu chứng khác nhau. Vì vậy, có thể thấy rằng, triệu chứng bệnh động kinh rất đa dạng. Ngoài những cơn co giật, sùi bọt mép hay mắt trợn ngược, người bệnh có thể xuất hiện cảm giác sợ hãi, mắt đờ đẫn hoặc mất nhận thức, …
4.2. Bệnh động kinh không thể chữa khỏi
Đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm, khiến nhiều người bệnh chậm trễ, lơ là điều trị, tạo điều kiện cho bệnh tiến triển nặng. Chuyên gia khẳng định bệnh động kinh cần điều trị sớm và có thể chữa khỏi. Điều quan trọng là người bệnh cần thăm khám để can thiệp sớm, phù hợp.
Hiện nay, bệnh động kinh được cải thiện bằng cách dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Tùy vào tình trạng từng người, bác sĩ sẽ kết hợp nhiều phương pháp để có kết quả tích cực. Lưu ý, điều trị càng sớm, khả năng hồi phục càng cao.
>>>>>Xem thêm: Nguy cơ đột quỵ ở nữ giới cao hơn nam giới
Bệnh động kinh cần được thăm khám và điều trị sớm ngay khi triệu chứng bất thường xuất hiện
4.3. Sai lầm trong sơ cứu người bệnh
Khi phát hiện một người lên cơn động kinh, nhiều người thường nghĩ nên nhét vật gì đó vào miệng để ngăn bệnh nhân cắn vào lưỡi. Hành động này đặc biệt nguy hiểm vì khiến bệnh nhân dễ ngạt thở và dẫn đến tử vong.
Cách sơ cứu đúng là nghiêng đầu người bệnh sang một bên, nới lỏng quần áo và để người bệnh ở tư thế thoải mái nhất. Cần liên tục để ý tới người bệnh khi họ đang co giật.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.