Nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng và cách phòng bệnh

Bệnh lý loét dạ dày tá tràng gây nhiều đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng học tập – công tác của người bệnh. Có nhiều nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng, phổ biến là vi khuẩn HP và chế độ ăn uống – sinh hoạt thiếu lành mạnh. Hãy cùng tìm hiểu các nguyên nhân này và cách phòng bệnh loét dạ dày tá tràng qua bài viết dưới đây.

Bạn đang đọc: Nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng và cách phòng bệnh

1. Nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng

1.1. Vi khuẩn HP – Nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng thường gặp

Vi khuẩn HP chính là thủ phạm hàng đầu dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng. Chúng xâm nhập vào cơ thể và sống trong lớp niêm mạc dạ dày. Thông thường người nhiễm HP sẽ không gặp phải vấn đề gì, vẫn “chung sống hòa bình” với vi khuẩn.  Tuy nhiên khi gặp điều kiện thuận lợi, HP sẽ nhanh chóng sinh sôi và tấn công niêm mạc dạ dày – tá tràng.

Vi khuẩn HP hoạt động sẽ tiết ra hóa chất có thể gây kích ứng, viêm niêm mạc dạ dày – tá tràng. Tình trạng viêm nếu không được điều trị sẽ hình thành các ổ loét tại cơ quan này.

Nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng và cách phòng bệnh

Vi khuẩn HP là thủ phạm hàng đầu đứng sau bệnh lý loét dạ dày tá tràng

1.2. Chế độ ăn uống không lành mạnh

Dạ dày là cơ quan chính thực hiện quá trình nghiền nát, phân giải thức ăn, giúp chúng dễ tiêu hóa và hấp thu hơn. Chính vì vậy, dạ dày rất dễ bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống. Sau đây là một số thói quen ăn uống thiếu khoa học, tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng:

– Ăn uống không điều độ, không đúng giờ; thường xuyên bỏ bữa; có thói quen ăn đêm.

– Ăn quá nhanh, nhai không kỹ, vừa ăn vừa làm việc/ xem TV/ xem điện thoại/ đọc sách báo,…

– Tiêu thụ nhiều thực phẩm chua, cay nóng, nhiều dầu mỡ.

– Ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng gói, đồ ăn nhanh.

– Ăn thực phẩm tái, sống, chưa nấu chín kỹ, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

– Chế độ ăn thiếu đạm, thiếu vitamin, mất cân bằng dinh dưỡng sẽ thúc đẩy tình trạng viêm dạ dày và cản trở chức năng miễn dịch. Hệ quả của điều này là làm làm tăng nguy cơ loét dạ dày – tá tràng.

1.3. Căng thẳng là nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng

Thường xuyên căng thẳng và lo lắng quá mức chính là yếu tố làm tăng nguy cơ loét dạ dày – tá tràng. Lý do là bởi sức khỏe tinh thần bị tổn hại sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch và kích thích quá trình tiêu hóa gây ra các rối loạn. Lúc này, dạ dày cũng như cơ thể nói chung sẽ dễ bị các tác nhân có hại xâm nhập và tấn công.

1.4. Tác dụng phụ do dùng thuốc

Những người đang dùng thuốc giảm đau – kháng viêm trong thời gian dài có thể mắc viêm loét dạ dày cấp tính hoặc mạn tính. Nghiêm trọng hơn, các loại thuốc này có thể tăng nguy cơ chảy máu dạ dày và thậm chí tử vong. Do đó, việc tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa là đặc biệt cần thiết trước khi sử dụng và duy trì bất cứ loại thuốc nào.

Nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng và cách phòng bệnh

Sử dụng trường kỳ một số loại thuốc có thể dẫn đến loét dạ dày tá tràng

1.5. Lạm dụng đồ uống có cồn, chất kích thích

Uống quá nhiều rượu bia, cà phê, trà, hút thuốc lá có thể gây kích thích niêm mạc dạ dày – tá tràng. Đây chính là nguyên nhân gây viêm dạ dày và tăng nguy cơ phát triển vết loét. Mặt khác, sử dụng đồ uống có cồn và chất kích thích còn làm trầm trọng thêm các vết loét đã có, suy giảm hiệu quả điều trị.

2. Dấu hiệu loét dạ dày tá tràng

Bệnh loét dạ dày và tá tràng có biểu hiện rất đa dạng. Trong đó, cảm giác nóng rát, cồn cào và đau vùng bụng trên rốn (thượng vị) là phổ biến nhất. Cơn đau bụng thường sẽ dữ dội hơn khi đói, dạ dày trống, không chứa thức ăn. Tình trạng đau có thể kéo dài từ vài phút đến hàng giờ tùy theo mức độ bệnh.

Bên cạnh đau thượng vị, người bệnh loét dạ dày tá tràng còn có thể gặp các triệu chứng khác như:

– Khó tiêu, đầy hơi;

– Buồn nôn, nôn;

– Không muốn ăn, dễ cảm thấy no khi ăn, sụt cân nhanh;

– Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng hoặc trào ngược acid;

– Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, khó ngủ, ngủ không ngon giấc;

– Đi ngoài phân đen hoặc phân có máu.

Người bệnh nên thăm khám với bác sĩ Tiêu hóa nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào kể trên. Cần tiến hành điều trị kịp thời để tránh bệnh trầm trọng hơn, gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Tìm hiểu thêm: Nội soi dạ dày bị chảy máu có xảy ra không?

Nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng và cách phòng bệnh

Đau vùng thượng vị là một trong những triệu chứng điển hình nhất của loét dạ dày tá tràng

3. Loét dạ dày tá tràng gây biến chứng gì?

Sau khi nắm được nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng và các triệu chứng thường gặp, hãy tiếp tục tìm hiểu các biến chứng của bệnh. Viêm loét dạ dày cấp tính có thể điều trị khỏi bằng các biện pháp phù hợp. Nhưng giai đoạn mạn tính lại khó điều trị khỏi hoàn toàn. Đồng thời loét dạ dày tá tràng mạn tính còn có thể gây ra nhiều biến chứng đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh:

– Xuất huyết dạ dày là một trong những biến chứng thường gặp nhất của tổn thương loét. Chảy máu dạ dày có thể khiến người bệnh nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen, mất máu, chóng mặt, da nhợt nhạt.

– Hẹp môn vị (phần cuối dạ dày, tiếp nối với hành tá tràng): Các mô viêm xơ dạ dày hình thành từ vết loét có thể cản trở quá trình chuyển thức ăn từ dạ dày xuống tá tràng vào đường ruột. Người bệnh có biểu hiện bụng óc ách, nôn ói, sụt cân nhanh.

– Thủng dạ dày: Vết loét trong thời gian dài không được điều trị có thể ăn sâu vào các lớp thành dạ dày gây thủng. Người bệnh đau bụng dữ dội, đột ngột, cần được cấp cứu kịp thời.

– Ung thư dạ dày: Đây là bệnh lý ung thư nguy hiểm, nguy cơ mắc tăng cao ở những người bị loét dạ dày tá tràng.

4. Phương pháp phòng tránh loét dạ dày tá tràng

Một chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, lành mạnh có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh loét dạ dày tá tràng.

4.1. Chế độ ăn phòng ngừa loét dạ dày tá tràng

Bạn nên bổ sung các loại thực phẩm sau trong khẩu phần ăn hàng ngày để phòng bệnh hiệu quả:

– Trái cây và rau: Giàu chất chống oxy hóa, chứa các thành phần chống viêm, giúp lớp niêm mạc dạ dày khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng cũng như sức khỏe tiêu hóa.

– Chất xơ hòa tan: Yến mạch, lúa mạch, đậu Hà Lan, cà rốt,… chứa nhiều chất xơ hòa tan, giúp giảm nguy cơ hình thành các vết loét dạ dày.

– Lợi khuẩn (Probiotics): Có khả năng cải thiện triệu chứng khó tiêu và ngăn ngừa nhiễm trùng.

– Vitamin C: Đây là chất chống oxy hóa mạnh mẽ, tăng cường miễn dịch, hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn HP. Vitamin C có nhiều trong trái cây họ cam quýt, cà chua, bông cải xanh, các loại đậu,…

– Kẽm (trong thịt bò, hàu, các loại đậu, hạt, cải bó xôi,…): Là vi chất dinh dưỡng duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, đẩy nhanh tốc độ lành vết loét.

– Selen: Bạn nên bổ sung các thực phẩm giàu selen như cá biển (đặc biệt là cá thu, cá hồi, cá ngừ), ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch, các loại hạt… Dưỡng chất này có công dụng làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, đồng thời thúc đẩy quá trình chữa lành của cơ thể.

Nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng và cách phòng bệnh

>>>>>Xem thêm: Mổ thoát vị bẹn bằng phương pháp nội soi

Chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học giúp bảo vệ dạ dày tá tràng khỏi tổn thương viêm loét

4.2. Điều chỉnh thói quen sinh hoạt

Bên cạnh chế độ ăn uống, bạn cũng cần chú ý cải thiện lối sống với một số biện pháp như sau:

– Không hút thuốc lá, hạn chế tối đa đồ uống có cồn và caffeine.

– Cẩn trọng khi sử dụng các loại thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng sinh. Việc dùng thuốc cần có tư vấn và chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa nhằm đảm bảo an toàn.

– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, thu dọn rác thải,…

– Ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế ăn hàng quán.

– Nghỉ ngơi hợp lý, tránh lo âu, học cách kiểm soát căng thẳng.

– Chủ động thăm khám tiêu hóa định kỳ để kiểm soát tốt sức khỏe dạ dày nói riêng, hệ tiêu hóa nói chung.

Như vậy, dựa vào nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng, chúng ta có thể rút ra cách phòng bệnh hiệu quả. Hãy duy trì lối sống lành mạnh, chủ động kiểm tra sức khỏe tiêu hóa và thăm khám kịp thời ngay khi có triệu chứng bất thường.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *