Nhồi máu não chiếm 80-85% các trường hợp đột quỵ và có xu hướng ngày càng gia tăng. Các thống kê cho thấy cứ 100.000 người sẽ có khoảng 130 người mắc bệnh mỗi năm. Việc tìm hiểu nguyên nhân nhồi máu não và các triệu chứng thường gặp là rất quan trọng để ngăn ngừa và phát hiện sớm bệnh này.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân nhồi máu não và các triệu chứng thường gặp
1. Nhồi máu não là gì?
Nhồi máu não là một loại tai biến mạch máu não, kết quả của việc giảm lưu lượng tuần hoàn tới một vùng hoặc toàn bộ não do hẹp, tắc mạch máu não hoặc do hạ huyết áp. Việc thiếu máu cung cấp cho não trong thời gian dài có thể gây hoại tử tế bào não do thiếu oxy và glucose. Tình trạng được gọi là nhồi máu não.
2. Điểm danh các nguyên nhân nhồi máu não thường gặp
Các nguyên nhân gây thiếu máu não đều là yếu tố nguy cơ gây nhồi máu não, trong đó:
2.1 Xơ vữa mạch máu – Nguyên nhân nhồi máu não
Đây là nguyên nhân chủ yếu, chiếm 50% các trường hợp nhồi máu não. Trong đó, xơ vữa các mạch máu lớn ngoài sọ chiếm 45%, xơ vữa mạch máu lớn trong sọ chiếm 5%.
2.2 Các bệnh lý tim mạch
Các bệnh hở van tim, rung nhĩ, rối loạn nhịp tim, suy tim… có thể là nguyên nhân hình thành huyết khối (cục máu đông) trong buồng tim và mạch máu. Các huyết khối di chuyển đến não khiến quá trình tưới máu cho não giảm, gián đoạn hoặc ngưng trệ hoàn hoàn. Nguyên nhân này chiếm 20% các trường hợp đột quỵ.
2.3 Tắc mạch máu nhỏ trong não
Tỷ lệ bệnh nhân bị nhồi máu não do tắc các mạch máu nhỏ là khoảng 25%, thường gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường .
2.4 Nguyên nhân nhồi máu não do bệnh lý về máu
Các bệnh lý về máu như bệnh đông máu, bệnh tế bào máu, bất thường bẩm sinh của mạch máu… chiếm nguyên nhân nhồi máu não.
3. Triệu chứng nhồi máu não
Triệu chứng của nhồi máu não đa dạng, tùy thuộc vùng mạch máu não bị tắc nghẽn và mức độ tổn thương mà người bệnh có thể có một trong các triệu chứng sau:
3.1 Liệt, méo mặt
Các bệnh nhân bị tai biến nhồi máu não thường sẽ bị liệt nửa dưới của một bên mặt với các biểu hiện:
– Miệng méo sang một bên
– Nhân trung bị lệch
– Miệng không khép chặt nên khi ăn uống thức ăn, đồ uống có thể chảy sang một bên
– Môi không mím chặt khiến giọng nói có thể hơi khó nghe
Nhiều trường hợp bệnh nhân có thể liệt hoàn toàn một nửa mặt, bao gồm liệt cả nửa trên của một bên mặt, mắt nhắm không kín. Đây là biểu hiệt liệt Bell, một tình trạng viêm thần kinh sọ số 7 (không phải là đột quỵ).
3.2 Yếu, liệt một tay, chân hay nửa người
Biểu hiện của bệnh nhân là tay không giữ được lâu khi đưa thẳng ra phía trước. Một số người thậm chí có thể liệt hoàn toàn, không thể cử động.
3.3 Khó khăn trong việc diễn đạt
Biểu hiện của tình trạng hạn chế ngôn ngữ ở các bệnh nhân này gồm:
– Rối loạn ngôn ngữ diễn tả: Bệnh nhân có thể hiểu được y lệnh của bác sĩ nhưng không nói thành câu đầy đủ hay không diễn tả được.
– Rối loạn ngôn ngữ cảm nhận: Bệnh nhân không hiểu y lệnh của bác sĩ
– Rối loạn phát âm: Bệnh nhân hiểu và nói được nhưng giọng nói khó nghe, nói giọng mũi.
3.4 Các triệu chứng khác
Các triệu chứng trên là những dấu hiệu thường gặp nhất trong nhồi máu não. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp bệnh nhân có thể không biểu hiện triệu chứng này mà có các bất thường khác như:
– Giảm/mất cảm giác nửa người
– Nuốt khó
– Chóng mặt, buồn nôn, nôn
– Khó nói, đi lại khó khăn
– Giảm thị lực, thậm chí mù một mắt
– Đau đầu
– Co giật
– Hôn mê
Các triệu chứng tai biến nhồi máu não nên được nhận biết sớm và xử trí bằng cách gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất có khả năng điều trị đặc hiệu nhồi máu não.
Tìm hiểu thêm: “Điểm danh” các nguyên nhân mất ngủ và cách khắc phục
4. Chẩn đoán bệnh nhồi máu não như thế nào?
Việc chẩn đoán nhồi máu não cần dựa vào triệu chứng lâm sàng và cả các xét nghiệm hỗ trợ.
4.1 Chẩn đoán lâm sàng
Đối với các trường hợp nhồi máu não, người bệnh được cấp cứu càng sớm thì khả năng điều trị thành công và phục hồi sau điều trị càng cao. Vì thế ngay khi bệnh nhân có những dấu hiệu đột quỵ, cần đưa đi cấp cứu ngay.
Tại các cơ sở y tế có khả năng điều trị nhồi máu não, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán gồm:
– Khai thác các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải như liệt mặt, nói khó, liệt tay…
– Khai thác tiền sử bệnh nền tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường,…nếu có
4.2 Chẩn đoán cận lâm sàng
Để xác định rõ các tổn thương và nguyên nhân nhồi máu não, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng như:
– Chụp CT sọ não
Chụp CT scan não thường là chỉ định đầu tiên trong chẩn đoán đột quỵ để loại trừ xuất huyết não hay các nguyên nhân khác. Một số trường hợp có thể quan sát được hình ảnh nhồi máu não sớm trên phim chụp CT và xác định xem có hình ảnh tắc các mạch máu lớn, từ đó quyết định phương pháp điều trị.
Thông thường, bác sĩ chỉ quan sát được vùng bị nhồi máu não trên ảnh chụp cắt lớp khi xuất hiện phù não ở vùng thiếu máu não. Còn trong giai đoạn từ 3 – 6 giờ đầu, hình ảnh chụp cắt lớp não thường rất khó biểu hiện bệnh.
– Chụp cộng hưởng từ não (MRI)
MRI thường được chỉ định khi các bác sĩ muốn chẩn đoán rõ hơn tổn thương ở não. Phương pháp này thường được thực hiện sau CT scaner não vì việc chụp MRI thường mất thời gian và có thể làm chậm thời gian vàng điều trị để cứu sống bệnh nhân.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp như xét nghiệm máu, điện tâm đồ,…
>>>>>Xem thêm: 4 bài tập đau thần kinh tọa mà bạn dễ áp dụng tại nhà
5. Điều trị tai biến nhồi máu não
Tùy tình hình thực tế của từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau bao gồm:
– Điều trị tiêu huyết khối: Bệnh nhân nhồi máu não thường được chỉ định dùng Aspirin ngay để tiêu huyết khối. Nếu bệnh nhân nhồi máu não do các vấn đề về tim như rung nhĩ, bệnh van tim hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu, có thể cần dùng thêm heparin và thuốc chống đông khác. Đây là biện pháp điều trị đặc hiệu, đem lại hiệu quả cao song không phải trường hợp nào cũng áp dụng được. Bệnh nhân cần tuân thủ các chỉ định và hướng dẫn điều trị của các bác sĩ.
– Điều trị các bệnh lý nền nếu có: Trong trường hợp nhồi máu não là hậu quả của các bệnh lý thì cần điều trị tích cực và hiệu quả các bệnh lý đó để “cắt đứt” nguồn gây bệnh, ngăn ngừa tái phát. Ví dụ, nếu tăng huyết áp là nguyên nhân dẫn đến nhồi máu não, cần dùng thuốc hạ huyết áp. Đối với bệnh nhân tiểu đường, có thể dùng insulin hoặc thuốc hạ áp để điều trị để mức đường huyết trở về bình thường.
Hi vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về nguyên nhân nhồi máu não thường gặp, cách chẩn đoán và điều trị phù hợp. Hãy nắm vững các triệu chứng của bệnh để nhận biết và xử trí kịp thời.