Dịch sốt xuất huyết thời gian gần đây lại bùng phát và có chiều hướng tăng cao. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sốt xuất huyết có thể gây biến chứng nguy hiểm, nhất là đối tượng trẻ em. Mời bố mẹ đọc ngay bài viết dưới đây để hiểu hơn về nguyên nhân sốt xuất huyết ở trẻ em, triệu chứng, cách điều trị hiệu quả, từ đó có cách xử lý an toàn nếu nhà có bé mắc sốt xuất huyết.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân sốt xuất huyết ở trẻ em và những lưu ý cần biết
1. Trẻ em bị mắc sốt xuất huyết có nguy hiểm không?
Sốt xuất huyết ở trẻ em là một bệnh truyền nhiễm cấp tính
Từ ngày 1 – 8/9/2023, TP Hà Nội ghi nhận tới gần 1.700 ca mắc sốt xuất huyết, tăng khoảng 540 trường hợp so với tuần trước, và có thêm 01 ca tử vong là nữ 20 tuổi tại Quốc Oai. Điều này cho thấy dịch sốt xuất huyết đã quay trở lại, có chiều hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Thực trạng này không khỏi khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Bởi so với người lớn, trẻ nhỏ mắc sốt xuất huyết có nguy cơ diễn tiến nặng nhanh hơn, nguy hiểm hơn.
Trẻ mắc sốt xuất huyết nếu không được phát hiện và hỗ trợ điều trị kịp thời thì có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tới tính mạng:
– Trẻ có thể bị thoát huyết tương dẫn tới giảm khối lượng tuần hoàn gây sốc xuất huyết;
– Trẻ có thể bị biến chứng xuất huyết nặng;
– Trẻ có thể bị chảy máu cam nặng, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng, xuất huyết trong cơ và phần mềm.
– Trẻ có thể bị các biến chứng sốt xuất huyết khác như: suy tạng nặng, suy gan cấp, suy thận cấp, rối loạn viêm cơ tim, suy cơ tim…
Trong tình hình dịch sốt xuất huyết tăng nhanh như hiện nay, các bậc phụ huynh không nên chủ quan. Bố mẹ hãy quan tâm, chăm sóc trẻ thật tốt và cho con đi khám khi phát hiện bé có biểu hiện bất thường về sức khỏe nghi mắc sốt xuất huyết.
2. Nguyên nhân sốt xuất huyết ở trẻ em
Tìm hiểu thêm: Bệnh cúm A lây qua đường gì và khi mắc người bệnh có biểu hiện nào?
Virus Dengue chính là nguyên nhân gây nên bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ước tính mỗi năm có khoảng 50 đến 100 triệu người mắc bệnh sốt xuất huyết. Virus Dengue chính là nguyên nhân gây sốt xuất huyết ở trẻ em và người lớn.
Hiện nay, virus Dengue có 4 chủng: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Trẻ nhiễm virus Dengue chủng nào thì chỉ có thể tạo miễn dịch với chủng đó mà thôi. Điều này đồng nghĩa rằng, trẻ có thể mắc sốt xuất huyết nhiều hơn 1 lần trong đời.
3. Các triệu chứng bệnh sốt xuất huyết thường xuất hiện ở trẻ nhỏ
Trẻ mắc sốt xuất huyết sẽ dần xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Phụ huynh có thể quan sát các triệu chứng này nhằm phát hiện và cho bé điều trị sớm giúp bệnh chóng khỏi, ngừa tối đa nguy cơ biến chứng nặng.
Các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ sẽ xuất hiện dần theo 3 giai đoạn bệnh:
– Giai đoạn đầu của bệnh sốt xuất huyết: Trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bất thường, tuy nhiên, các triệu chứng này rất giống với bệnh sốt virus thông thường. Bé sốt cao đột ngột khoảng 39 – 40 độ C. Tình trạng sốt sẽ kéo dài liên tục trong 1 – 2 ngày đầu và dần chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
– Giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết: Đây là giai đoạn thứ hai mà trẻ sốt xuất huyết sẽ phải trải qua. Giai đoạn này thường bắt đầu từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 kể từ khi bé bắt đầu phát sốt. Trong giai đoạn này, trẻ có thể biểu hiện các triệu chứng nghiêm trọng như bứt rứt, khó chịu và quấy khóc nhiều. Trẻ lớn hơn có thể sẽ kêu về đau đầu, mất khẩu vị và buồn nôn. Bố mẹ kiểm tra thường sẽ thấy trên da của trẻ có biểu hiện sưng huyết, đặc biệt là quanh mắt, và có thể xuất hiện các dấu hiệu như chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, thậm chí xuất huyết nội tạng.
– Giai đoạn phục hồi của bệnh sốt xuất huyết: Đây là giai đoạn trẻ sốt xuất huyết bắt đầu hết sốt và sức khỏe dần bình phục trở lại. Bé sẽ có cảm giác thèm ăn trở lại, huyết động ổn định, đi tiểu nhiều hơn, khi xét nghiệm sẽ thấy tiểu cầu dần tăng lên và khôi phục về mức bình thường. Tuy nhiên, đối với trẻ bị bệnh ở mức độ nặng thì đây lại là giai đoạn bé rất dễ xảy ra biến chứng, phụ huynh cần hết sức cẩn thận.
4. Những lưu ý phụ huynh cần biết để điều trị sốt xuất huyết cho trẻ an toàn, hiệu quả
So với người lớn, trẻ sốt xuất huyết có nguy cơ diễn nặng cao hơn. Do đó, phụ huynh cần hết sức cẩn thận trong điều trị bệnh cho bé sốt xuất huyết.
4.1. Cho trẻ sốt xuất huyết đi khám bác sĩ sớm
>>>>>Xem thêm: Sởi ở trẻ nhỏ: Những hiểu biết cơ bản
Trẻ xuất hiện triệu chứng bất thường nên được đưa đi khám bác sĩ
Trẻ sốt xuất huyết thông thường có thể điều trị tại nhà mà không cần nhập viện. Thế nhưng, khi trẻ xuất hiện các triệu chứng nghi mắc sốt xuất huyết, bố mẹ hãy cho bé đi khám sớm để được bác sĩ xác định bệnh và kê phác đồ điều trị phù hợp.
Trẻ nhỏ với thể trạng còn non, sức đề kháng yếu trong khi bệnh sốt xuất huyết luôn có thể diễn tiến khôn lường. Vậy nên, bố mẹ tuyệt đối không nên tự mua thuốc để điều trị bệnh cho bé sốt xuất huyết tại nhà. Mọi thuốc trẻ uống đều nên có chỉ định từ bác sĩ để đảm bảo an toàn.
4.2. Cho trẻ sốt xuất huyết uống thuốc đúng chỉ định và chăm sóc khoa học
Trẻ sốt xuất huyết sau khi đã đi khám và được cho phép điều trị tại nhà, bố mẹ cần đảm bảo cho con uống thuốc đầy đủ, đúng liều lượng và thời gian để đạt kết quả điều trị tốt nhất. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần chú ý chăm sóc bé cẩn thận, khoa học:
– Bé sốt cao trên 38,5 độ bố mẹ cần cho con uống hạ sốt. Đồng thời, bố mẹ dùng khăn ấm chườm vùng trán, bẹn, nách để hỗ trợ con hạ nhiệt nhanh hơn.
– Bố mẹ cho bé uống Oresol để đảm bảo duy trì lượng nước cần thiết cho cơ thể của con. Nếu bé không thích uống oresol, bố mẹ có thể thay thế bằng nước dừa, nước trái cây, hoặc nước cháo muối đường.
– Khi thấy trẻ xuất hiện tình trạng chán ăn, bố mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ, không tự ý cho con đi truyền nước. Bởi việc tự ý cho bé sốt xuất huyết truyền nước có thể khiến bệnh của bé trầm trọng hơn.
– Bố mẹ hãy cung cấp cho bé sốt xuất huyết thực phẩm mềm, giàu dinh dưỡng, không nên cho con ăn đồ chiên rán giai đoạn này.
Trên đây, bài viết đã cập nhật tới quý phụ huynh nguyên nhân sốt xuất huyết ở trẻ em và những lưu ý cần biết để điều trị bệnh cho con đạt hiệu quả tốt, đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần lưu ý thêm rằng, trong quá trình điều trị sốt xuất huyết tại nhà, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng trở nặng như: bứt rứt, khó chịu, đau bụng, ói nhiều, tiểu ít, chảy máu chân răng, đi cầu ra máu, hoặc khó thở… Với trường hợp này, bố mẹ hãy đưa bé tới ngay Thu Cúc TCI hay cơ sở y tế uy tín ở gần để con được bác sĩ hỗ trợ điều trị kịp thời nhé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.