Trẻ bị sốt xuất huyết có thể có những dấu hiệu không rõ ràng như sổ mũi, hắt hơi, sốt nhẹ, tiêu chảy hoặc nôn ói…nên có khả năng bị chẩn đoán nhầm thành các bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa hoặc nhiễm khuẩn. Bệnh này có thể chuyển biến rất nhanh và gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu như không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân trẻ bị sốt xuất huyết và cách điều trị
1. Những kiến thức chung về bệnh sốt xuất huyết
1.1. Khái niệm bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết là một căn bệnh truyền nhiễm, bị gây ra bởi 4 chủng virus thuộc virus Dengue. Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm bệnh từ người già cho đến trẻ nhỏ. Những dấu hiệu đầu tiên khi virus xâm nhập vào cơ thể người bệnh là sốt, đau đầu, phát ban, nhức mỏi người… Bệnh có khả năng gây tử vong nếu như không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trẻ em hoàn toàn có thể bị sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết thường xuất hiện nhiều ở những khu vực có khí hậu nóng ẩm, nước mình là một nơi có khí hậu hoàn toàn lý tưởng để bệnh sốt xuất huyết phát triển thành dịch. Ở miền Nam, bệnh có thể bùng phát quanh năm nhưng đỉnh dịch vào những tháng có độ ẩm cao và mưa nhiều. Tại miền Bắc thì thời điểm bắt đầu xuất hiện bệnh là khoảng tháng 6 tháng 7 và đạt đỉnh vào tháng 8 đến tháng 11. Chính vì vậy, cha mẹ cần trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức về dấu hiệu bệnh để có thể phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời cho trẻ, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.
1.2. Nguyên nhân do đâu trẻ bị sốt xuất huyết?
Bệnh sốt xuất huyết không truyền từ người sang người mà thông qua một vật chủ khác là loài muỗi vằn Aedes Aegypti có khả năng chứa virus Dengue. Khi loài muỗi vằn này đốt người bị sốt xuất huyết thì virus sẽ tồn tại trong cơ thể con muỗi, sau đó khi muỗi đốt người không mắc bệnh, virus sẽ xâm nhập vào cơ thể người lành bệnh qua đường máu.
Loại muỗi truyền bệnh này thường sinh sôi trong thời tiết ấm áp và ẩm ướt. Chúng cũng chỉ đốt người vào ban ngày chứ không đốt vào ban đêm hoặc lúc chiều tối và rạng sáng giống như những loại muỗi khác.
1.3. Triệu chứng xảy ra như thế nào khi trẻ bị sốt xuất huyết?
Sau từ 4 đến 6 ngày trẻ bị virus xâm nhập, trẻ sẽ xuất hiện những triệu chứng như sau:
– Sốt rất cao và có tính đột ngột, đôi lúc có thể lên đến 40 độ C
– Đau mắt
– Cơ khớp nhức mỏi làm trẻ uể oái quấy khóc
– Đau đầu
– Xuất hiện những nốt ban đỏ khắp cơ thể, thường xuất hiện sau khi trẻ đã sốt
– Nôn, buồn nôn, không muốn ăn
– Trẻ mệt mỏi, khó chịu
– Thân nhiệt có thể hạ xuống dưới 36 độ C
– Tiểu cầu bị giảm nhanh
– Ho khan, chảy nước mũi (có thể có hoặc không)
Những triệu chứng trên không thuộc dạng điển hình nên có thể bị nhầm lẫn với những loại bệnh khác như viêm đường hô hấp, tiêu hóa…nhưng cha mẹ cần chú ý khi bị sốt xuất huyết, những biểu hiện trên ở trẻ sẽ ở mức độ nặng hơn rất nhiều. Chính vì vậy, phụ huynh cần theo dõi sát trẻ để có thể nhận biết bệnh và đưa trẻ đi thăm khám nhằm chẩn đoán sớm và điều trị nhanh chóng.
Tìm hiểu thêm: Những thực phẩm bổ sung canxi cho bé
Cha mẹ cần theo dõi sát con để ngăn ngừa biến chứng bệnh
Thực tế, có một số trường hợp bất thường của bệnh, đó là khi bệnh chuyển biến rất nhanh và nghiêm trọng sau khi cơn sốt qua đi. Tình trạng này được gọi tên là sốc sốt xuất huyết hoặc hội chứng Sốc Dengue, nếu tình trạng này kéo dài có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Khi bị hội chứng này, trẻ có thể có những biểu hiện như:
– Xuất huyết ồ ạt
– Bụng đau nhiều và thường xuyên buồn nôn hoặc nôn
– Khó thở
– Huyết áp tụt
– Mất nước
-….
2. Phương pháp chữa trị căn bệnh sốt xuất huyết ở trẻ
Tính đến thời điểm hiện tại, thuốc đặc trị bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa được nghiên cứu thành công nên thường các phương pháp điều trị là để chấm dứt các triệu chứng của bệnh. Bệnh có tỷ lệ tử vong không thấp nên cha mẹ cần chú ý để mắt và chăm sóc cho trẻ cẩn thận. Tuy nhiên, không phải trường hợp bệnh nào cũng cần nhập viện điều trị, những trường hợp bệnh nhẹ có thể được điều trị tại nhà.
2.1. Chăm sóc cho trẻ sốt xuất huyết tại nhà
Khi trẻ trong giai đoạn phát bệnh với những triệu chứng nhẹ, cha mẹ biết cách chăm sóc đúng cách có thể giúp trẻ nhanh chóng vượt qua, các triệu chứng có thể giảm nhẹ đi.
Cho trẻ uống thuốc bác sĩ kê. Tuyệt đối không hạ sốt cho trẻ bằng dòng thuốc hạ sốt chứa ibuprofen vì có thể khiến xuất huyết ồ ạt
Bổ sung nước, nước điện giải cho trẻ vì khi sốt cơ thể mất rất nhiều nước. Với trẻ lớn có thể cho uống thêm nước, những trẻ nhỏ, sơ sinh mẹ tăng cường cho bú mẹ để tăng thêm sức đề kháng. Với những trẻ đã ăn dặm, cha mẹ nên cho trẻ ăn những loại thức ăn dạng lỏng như cháo súp, tránh ăn những đồ cứng có thể làm chảy máu chân răng hoặc xuất huyết dạ dày.
>>>>>Xem thêm: Tìm hiểu các mức độ thiếu máu ở trẻ em
Nếu chăm sóc tại nhà mà trẻ nặng lên, cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám
Cần theo dõi sát những biểu hiện của trẻ nếu bị sốc như: bụng đau, nôn, chân tay lạnh, lờ đờ không tỉnh táo, thường bị khát, môi xám và da bầm. Nếu thấy trẻ gặp những biểu hiện này thì cần đưa trẻ đi bệnh viện cấp cứu ngay.
Trong giai đoạn trẻ bị sốt, cần lau người cho trẻ thường xuyên để giảm nhiệt, giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
Thời gian cha mẹ chăm sóc bé tại nhà mà không thấy có dấu hiệu khá hơn, ngược lại các triệu chứng có vẻ nặng hơn hoặc có những biểu hiện bất thường thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám.
2.2. Đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị nếu các biểu hiện nặng hơn
Bệnh sốt xuất huyết thường có thể tự khỏi sau khi điều trị tại nhà từ 7 đến 10 ngày. Có khoảng 3-5% những trẻ bị bệnh xuất hiện các biến chứng nặng. Nếu trẻ không may nằm trong những trường hợp bị biến chứng nặng thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị.
Trong trường hợp trẻ bị mất nước trầm trọng, bác sĩ có thể cho trẻ truyền nước qua đường tĩnh mạch. Trẻ cũng có thể được uống giảm đau hạ sốt phù hợp. Nếu bị xuất huyết nhiều có thể cần truyền tiểu cầu cho trẻ. Khi trẻ ở viện sẽ được theo dõi sát để đảm bảo an toàn, khi nào các biểu hiện giảm dần cho đến hết thì trẻ mới được xuất viện.
Trên đây là những thông tin y khoa mà cha mẹ cần phải biết khi trẻ bị sốt xuất huyết. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho cha mẹ trong quá trình chăm sóc trẻ khi bị bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.