Bệnh sa trực tràng là một bệnh lý thường gặp ở vùng hậu môn trực tràng gây không ít phiền toái trong sinh hoạt cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh. Vậy sa trực tràng là gì, nguyên nhân của sa trực tràng đến từ đâu và biểu hiện như thế nào? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để có thể phát hiện sớm bệnh lý và chủ động chữa trị, tránh phải chịu những tổn thương nghiêm trọng có thể xảy ra.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân, triệu chứng của bệnh sa trực tràng
1. Sa trực tràng là gì ?
Sa trực tràng là tình trạng một phần hay toàn bộ thành trực tràng bị hiện tượng lộn lại và chui ra ngoài thông qua lỗ hậu môn, hay còn được biết đến với biểu hiện hành trực tràng thoát ra khỏi cơ thắt hậu môn. Sa trực tràng được chia làm hai dạng chính:
1.1. Sa niêm mạc trực tràng:
Khi mắc bệnh ở giai đoạn đầu, lúc đại tiện lớp niêm mạc ống hậu môn sẽ phồng lên và lộn ngược để đẩy phân ra, sau đại tiện, lớp niêm mạc này lại co lại hoàn toàn bởi tính đàn hồi của nó. Tuy nhiên khi bệnh phát triển nặng hơn, các mô của trực tràng thường xuyên căng giãn khiến lớp niêm mạc không chỉ phồng lên, lộn quá mức bình thường mà sau đại tiện khả năng đàn hồi cũng rất yếu, niêm mạc không quay lại vị trí cũ được nữa. Sa niêm mạc trực tràng được chia làm 4 loại tùy theo mức độ, cụ thể:
– Sa niêm mạc trực tràng xuất hiện sau rặn đại tiện rồi lại co lên.
– Sa niêm mạc trực tràng sau khi rặn đại tiện không tự co mà phải dùng tay đẩy lên.
– Sa niêm mạc trực tràng dễ dàng khi gắng sức nhẹ như ngồi xổm, đi bộ, ho, hắt hơi.
– Sa nặng nề, niêm mạc trực tràng thường xuyên liên tục nằm ở ngoài hậu môn.
1.2. Sa toàn bộ trực tràng:
Sa trực tràng đơn thuần là chỉ có bóng trực tràng bị tụt qua ống hậu môn còn ống hậu môn vẫn được nằm nguyên tại vị trí cũ. Còn sa trực tràng toàn bộ có nghĩa là cả bóng trực tràng và ống hậu môn cùng bị lộn ra ngoài. Sa toàn bộ trực tràng phát triển qua 4 cấp độ như sau:
– Độ 1: Toàn thân không có điều gì bất thường, trực tràng chỉ sa ra khi người bệnh dùng sức rặn, nhất là khi đi vệ sinh, sau đó trực tràng sẽ lại tự co lên
– Độ 2: Toàn thân bình thường nhưng ở niêm mạc có các vết trượt, có hiện tượng phù nề và hậu môn bị lõm vào. Ở giai đoạn này trực tràng cũng sa ra ngoài khi đại tiện, vẫn co lên sau đại tiện nhưng thời gian co lên diễn ra rất chậm, thậm chí phải dùng tay đẩy vào.
– Độ 3: Niêm mạc trực tràng có thể chảy máu, niêm mạc tuyến bị hoại tử từng đám, một vài nơi có sẹo, nhiều trường hợp trung tiện mất tự chủ khiến tinh thần người bệnh mặc cảm, sức khỏe giảm sút, mệt mỏi. Trực tràng ở độ 3 chỉ cần gắng sức nhẹ một chút cũng có thể sa ra ngoài và không tự co vào được.
– Độ 4: Lúc này trung tiện và đại tiện đều bị mất tự chủ do cơ thắt mất trương lực, trực tràng sa thường xuyên liên tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh. Niêm mạc tuyến bị loét, thành sẹo.
2. Triệu chứng sa trực tràng
2.1. Khối sa xuất hiện ở hậu môn
– Lúc đầu khối sa nhỏ, ngắn, khối sa chỉ xuất hiện khi rặn đại tiện. Đại tiện xong, đứng dậy thì khối sa tự động co vào trong lòng ống hậu môn trực tràng.
– Về sau khối sa này sẽ mỗi ngày một to, xuất hiện mỗi lần đại tiện. Đại tiện xong khối sa không tự mất đi nữa mà phải dùng tay nhẹ nhàng đẩy lên.
– Để càng lâu bệnh sẽ càng nặng, mỗi khi đi lại nhiều lần hay khi ngồi xổm khối sa sẽ tự xuất hiện, phải dùng tay đẩy lên, nhiều trường hợp đẩy lên một thời gian ngắn, chỉ cần đi vài bước khối sa lại tụt xuống.
Khối sa ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống hằng ngày cũng như chất lượng lao động ở mỗi người không may mắc phải.
2.2. Đại tiện ra máu
Tìm hiểu thêm: Viêm loét dạ dày tá tràng nên ăn gì, bạn đã biết chưa?
Sa trực tràng khiến đại tiện ra máu, tuy nhiên lượng máu này không nhiều và mỗi lần chảy chỉ lẫn vào phân, thấm vào giấy vệ sinh chứ không chảy ồ ạt, chính vì thế mà nhiều người nhầm lẫn với bệnh trĩ và phớt lờ những cảnh báo sớm này.
3. Nguyên nhân gây sa trực tràng
– Bệnh đến từ các nguyên nhân làm tăng áp lực ổ bụng đột ngột và kéo dài như tiêu chảy, táo bón, kiết lỵ, ho gà, hẹp bao quy đầu, viêm đại tràng mãn, bí tiểu, u tuyến tiền liệt, sỏi bàng quang…
– Người làm nghề khuân vác nặng, thường xuyên mang vác những vận dụng khối lượng lớn gây áp lực lên vùng hậu môn trực tràng.
– Nguyên nhân do suy yếu các cơ giữa hậu môn-trực tràng, suy yếu cơ thắt, cơ nâng hậu môn, cơ đáy chậu tự nhiên
– Các khuyết tật về giải phẫu như không đầy đủ phương tiện cố định nhất là ở phía sau trực tràng, trùng nhão cơ nâng và hệ thống cơ thắt, túi cùng Douglas quá sâu và rộng…
3.1. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sa trực tràng
Ngoài ra còn có một số nguy cơ làm tăng mắc bệnh sa trực tràng đặc biệt, cụ thể:
Ở trẻ em:
– Đã từng phẫu thuật hậu môn lúc sơ sinh
– Sa trực tràng do nhiễm trùng
– Suy dinh dưỡng nặng ở trẻ hoặc có các vấn đề về thể chất
Ở người lớn:
– Tổn hại do phẫu thuật hoặc sinh đẻ làm sa trực tràng
– Do yếu cơ sàn chậu (nguyên nhân này xảy ra theo độ tuổi)
>>>>>Xem thêm: 8 dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm thực quản trào ngược
Điều trị sa trực tràng hiện nay tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh. Với các trường hợp nhẹ, người bệnh có thể chỉ cần điều trị nội khoa (thuốc) kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh. Trường hợp nặng phải phẫu thuật mới có thể xử lý triệt để vấn đề, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.
Tốt nhất bệnh nhân nên thăm khám càng sớm càng tốt với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cách điều trị phù hợp nhất.
Hiện nay Bệnh viện Quốc tế Thu Cúc được biết đến là địa chỉ uy tín và chất lượng, đã điều trị thành công và cải thiện sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho rất nhiều bệnh nhân bị sa trực tràng.
Trên đây là những thông tin về bệnh sa trực tràng. Hy vọng bài viết này đã cung cấp được những thông tin cần thiết, giúp người đọc biết và nắm rõ các triệu chứng nhận biết để kịp thời phát hiện, xử lý biến chứng trong trường hợp không may mắc bệnh.
Tác giả: Tiến sĩ, Bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Lê Minh Sơn