Đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý cơ xương khớp, ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Có những trường hợp bệnh chỉ gây khó chịu, mệt mỏi, gây cản trở cuộc sống của người bệnh nhưng cũng có trường hợp bệnh biến chứng nặng chèn ép tủy sống, mạch máu não, dây thần kinh khiến người bệnh thiếu máu não đối mặt nguy cơ tai biến mạch máu não.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân và biểu hiện đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ
1. Thoái hóa cột sống cổ là gì?
Cột sống cổ gồm 7 đốt sống cổ. Thoái hóa cột sống cổ hay còn thoái hóa đốt sống cổ (cervical spondylosis) là một bệnh lý liên quan đến xương khớp. Các lỗ liên hợp nằm sau trong đốt sống bị hẹp lại, cản trở sự lưu thông tự nhiên của các mạch máu và dây thần kinh bên trong. Từ đó, xuất hiện triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ, gây đau vùng vai gáy, đặc biệt là khi vận động mạnh.
Mô tả cột sống cổ bị thoái hóa và các tổn thương khác xảy ra.
2. Nguyên nhân gây đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ
Cột sống cổ bị tổn thương (thoái hóa, thoát vị đĩa đệm) do nhiều nguyên nhân khác nhau, khiến các đầu sụn, đốt sống, đĩa đệm và các tổ chức bao hoạt dịch bị tổn thương gây tình trạng đau nhức ở vùng cổ, vai và gáy.
2.1 Đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ bởi tuổi tác
Tuổi tác là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ. Có thể bạn chưa biết, sau 30 tuổi quá trình thoái hóa và lão hóa bắt đầu diễn ra và đặc biệt là từ 40 tuổi trở ra quá trình lão hóa diễn ra mạnh mẽ hơn, trong đó có thoái hóa cột sống cổ và lưng.
Trong giai đoạn hiện nay, chứng đau cột sống cổ không những chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà ngày càng xuất hiện nhiều ở những người trẻ tuổi.
Các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng như:
– Yếu tố di truyền, các thành viên trong gia đình có tiền sử bệnh về xương khớp.
– Sinh hoạt thiếu khoa học, lười tập thể dục, sử dụng nhiều chất kích thích, ngủ sai tư thế. Không bổ sung chất dinh dưỡng từ canxi và magie hoặc vitamin D
– Đã từng bị chấn thương do tai nạn lao động
– Cơ địa
– Cân nặng: người dư cân, béo phì dễ bị thoái hóa đốt sống cổ hơn những người khác. Tính chất công việc: dân văn phòng phải ngồi máy tính nhiều, thường xuyên phải bê vác đồ vật nặng,…
Do đó có những người mặc dù còn ít tuổi nhưng trên phim chụp xương khớp đốt sống cổ đã bị thoái hóa, thoát vị đĩa đệm rất nặng. Nhưng có những người mặc dù 50-60 tuổi nhưng xương khớp lại còn rất tốt. Lý do là bởi mức độ thoái hóa ở mỗi người khác nhau và còn phụ thuộc vào những yếu tố kể trên.
2.2 Sai tư thế dẫn đến đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ
Đây là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều người bị đau cổ vai gáy, nếu kéo dài dễ gây thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ và gây đau. Các hoạt động sai tư thế như cúi, ngửa nhiều, nâng hoặc vác vật nặng trên cổ thường xuyên gây ảnh hưởng trực tiếp tới cấu trúc cột sống cổ và làm biến đổi các mô xương, dây chằng, cơ, điều này khiến quá trình thoái hóa diễn ra nhanh hơn.
2.3 Gai xương
Gai xương là phần cấu trúc xương cứng hình thành ở đầu xương có khớp bị tổn thương. Gai xương nếu có kích thước nhỏ thường không quá nguy hiểm nhưng kích thước lớn sẽ lồi ra và cọ xát vào các xương khác, chèn ép rễ thần kinh và tủy sống, lâu ngày gây thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hóa vùng cột sống đó.
Tìm hiểu thêm: Viêm cơ đầu gối là gì?
Hình ảnh phim chụp X-quang cột sống cổ phát hiện hẹp đĩa đệm và gai xương.
2.4 Tình trạng mất nước đĩa đệm
Đĩa đệm có chức năng như một tấm đệm đàn hồi giữa các đốt cột sống, giúp chống đỡ trọng lượng đầu và giảm xóc khi bị chấn động. Do tuổi tác cao hoặc một số nguyên nhân khác khiến bao xơ đĩa đệm bị nứt vỡ gây mất nước, xẹp xuống, mất đi sự dẻo dai vốn có (thoái hóa mất nước đĩa đệm).
3. Dấu hiệu cho thấy bạn đã bị đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ
Một số người thỉnh thoảng thấy có biểu hiện đau vai gáy nhưng cho rằng có thể do nằm sai tư thế, vì đa số bệnh phát triển chậm và không có dấu hiệu rõ ràng. Ở giai đoạn nặng hơn, bệnh bắt đầu gây ra các tổn thương thực thể tại cột sống nên các biểu hiện thường sẽ rõ ràng hơn:
– Thường bị cứng cổ vào buổi sáng mỗi khi ngủ dậy
– Dễ bị đau cổ mỗi khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh và ngược lại.
– Cứng cổ, đau, cảm thấy khó khăn khi xoay (ngoái) đầu sang trái hay sang phải.
– Cảm giác nhức mỏi, đặc biệt ở vùng cổ và các xương khớp xung quanh.
– Cơn đau thường bắt đầu từ cột sống sau đó lan rộng xuống toàn bộ vai, gáy, có thể lan xuống cánh tay và bàn tay.
– Nếu có dấu hiệu này thì khả năng cao là bạn đã bị đau vai gáy do thoái hóa đốt sống cổ.
– Người bị thoái hóa đốt sống cổ gặp phải nhiều khó khăn trong các hoạt động cúi, gập, xoay bình thường. Họ sẽ cảm thấy vướng víu, khó chịu, hoạt động vùng cổ đau nhức. Có nhiều trường hợp khi cố gắng vận động cổ có thể dẫn đến chứng vẹo cổ tạm thời.
>>>>>Xem thêm: Gãy ngón tay út chữa trị thế nào?
Thoái hóa đốt sống cổ thường có cảm giác đau nhức, cứng vùng gáy, khó xoay cổ, tình trạng đau này có thể lan sang hai vai, kéo lên đầu, thậm chí lan xuống cánh tay, bàn tay.
4. Phòng và lưu ý khi bị đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ
Khi ngồi làm việc, phải thường xuyên thay đổi tư thế, tránh việc ngồi quá lâu dẫn đến đau vai gáy do thoái hóa đốt sống cổ.
Không vặn, bẻ cổ đột ngột khi thấy mỏi, bởi những động tác này sẽ làm tăng nguy cơ bị thoái hóa đốt sống cổ.
Khi ngồi học hoặc đọc sách, không nên cúi hoặc gập cổ quá lâu hãy dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
Dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi sau khi làm việc, đọc sách tránh vặn cổ, bẻ cổ đột ngột
Khi luyện tập thể dục nên nhẹ nhàng xoa bóp và làm theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.
Không nên bấm, nắn mạnh dễ gây tổn thương nghiêm trọng đến mạch máu và dây thần kinh vùng cổ.
Khi thấy có dấu hiệu bất thường nên đi đến bệnh viện để kịp thời điều trị.
Tình trạng đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ khiến người bệnh khó khăn trong hoạt động và sinh hoạt thường ngày. Để ngăn ngừa nguy cơ thoái hóa bạn nên tập thể dục thường xuyên, bổ sung các chất cần thiết cho cơ thể và hãy tạo thói quen ăn uống lành mạnh mỗi ngày, đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.