Mất ngủ là bệnh lý phổ biến có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính. Mặc dù mất ngủ có nguy cơ ảnh hưởng nhiều hơn ở nữ giới nhưng tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cũng đang có xu hướng gia tăng đáng kể. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân và cách chữa bệnh mất ngủ ở nam giới để cải thiện và điều trị từ sớm.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân và cách chữa bệnh mất ngủ ở nam giới
1. Nguyên nhân gây mất ngủ ở nam giới
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ ở nam giới, trong đó những nguyên nhân phổ biến nhất cần được quan tâm để cải thiện giấc ngủ đó là:
1.1 Chứng ngưng thở khi ngủ
Theo nghiên cứu, chứng ngưng thở khi ngủ có liên quan tới nồng độ testosterone thấp trong cơ thể. Đối tượng nam giới gặp tình trạng này thường thức dậy đột ngột mỗi khi hơi thở bị hụt hơi, gián đoạn trong đêm, do vậy họ ít có được giấc ngủ ngon và sâu.
1.2 Đổ mồ hôi trộm
Một số người bị khó ngủ, mất ngủ chỉ đơn giản là do cơ thể bí bách, nóng nực vào ban đêm. Đôi khi những cơn nóng ập đến có thể làm đổ mồ hôi ồ ạt kèm theo cảm giác ớn lạnh. Nhiều suy đoán cho rằng, hiện tượng đổ mồ hôi trộm vào ban đêm ở nam giới có liên quan đến lượng testosterone suy giảm.
1.3 Thay đổi tâm trạng
Sự thiếu hụt testosterone và các rối loạn ở tuyến giáp khiến người bệnh dễ rơi vào trạng thái lo lắng, phiền muộn. Điều này có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ, làm giấc ngủ bị gián đoạn, khó đi vào giấc ngủ.
1.4 Nồng độ Serotonin thấp
Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh có vai trò chính trong việc kiểm soát giấc ngủ. Trong khi đó, cơ thể nam giới cần có đủ lượng testosterone mới tạo ra được serotonin. Vì vậy, sự thiếu hụt testosterone sẽ dẫn đến serotonin thấp và làm chu kỳ ngủ không ổn định.
1.5 Melatonin
Đây là loại hormone có tác dụng cân chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể. Nếu hàm lượng melatonin không ổn định, cơ thể sẽ gặp tình trạng khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc. Hầu hết nam giới bị thiếu melatonin là do tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo quá nhiều, từ đó làm rối loạn nhịp sinh học.
1.6 Hormone tăng trưởng
Hormone tăng trưởng có mối quan hệ mất thiết đối với giấc ngủ của người bệnh. Các nghiên cứu cho rằng, trong khi ngủ cơ thể sẽ tiến hình sản xuất ra hormone tăng trưởng. Do đó, nếu giấc ngủ bị gián đoạn sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình sản sinh hormone. Ngược lại, việc giảm nồng độ hormone tăng trưởng cũng sẽ khiến người bệnh bị mất ngủ.
1.7 Suy yếu tuyến thượng thận
Khi nam giới gặp căng thẳng, stress trong một thời gian dài, tuyến thượng thận sẽ sản xuất dư thừa lượng cortisol. Theo thời gian, tuyến thượng thận còn có thể bị suy kiệt và không sản sinh ra được lượng cortisol cần thiết cho cơ thể hoạt động trong ngày. Đây được gọi là tình trạng suy yếu tuyến thượng thận và mất ngủ chính là một trong nhiều hậu quả do bệnh lý này gây ra.
Đặc biệt, những nguyên nhân kể trên cùng với quá trình chuyển hóa cơ thể còn làm sản sinh nhanh các gốc tự do. Các gốc tự do có thể tấn công mạnh vào thành mạch máu não, hình thành nên các mảng xơ vữa và huyết khối, đồng thời ngăn cản dòng máu lên não gây thiếu máu não. Tình trạng này còn làm cho các tế bào thần kinh không nhận đủ dưỡng chất và oxy khiến các dẫn truyền thần kinh rối loạn, hoạt động điều khiển giấc ngủ của não kém hiệu quả và cuối cùng dẫn đến bệnh mất ngủ ở nam giới.
2. Chứng mất ngủ ảnh hưởng tới sức khỏe nam giới như thế nào?
Mất ngủ khiến cơ thể mệt mỏi, kém tập trung và làm giảm sự nhanh nhạy của cơ bắp cũng như não bộ. Ngoài ra, sụt giảm lượng testosterone cũng chính là ảnh hưởng lớn nhất do mất ngủ gây ra ở nam giới. Đi cùng với giảm sút nồng độ testosterone là hàng loạt những ảnh hưởng về sức khỏe sinh lý như:
– Vô sinh
Bất kể lý do nào làm giảm lượng testosterone trong thời gian dài cũng có thể khiến cơ thể nam giới phải đối mặt với vấn đề vô sinh.
Các phép đo về mật độ tinh dịch cùng khả năng vận động của tinh trùng sau khi được giải phóng từ cơ thể của nam giới có giấc ngủ kém đều thấp hơn so với người bình thường. Tình trạng này kéo dài mà không có phương pháp điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến khả năng có con ở nam giới.
– Rối loạn cương dương
Hiện tượng mất ngủ, ngủ không đủ giấc ở nam giới sẽ ảnh hưởng đến khả năng duy trì nồng độ testosterone ở mức ổn định. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về rối loạn cương dương. Bên cạnh đó, thói quen ngủ ít hơn 8 giờ mỗi đêm có thể làm thay đổi cân bằng nội tiết tố trong dòng máu và ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan sinh sản.
Ngoài ra, về lâu dài, mất ngủ còn gây ra những bệnh lý nguy hiểm như suy giảm trí nhớ, trầm cảm, cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường và có thể dẫn đến đột quỵ.
3. Cách chữa bệnh mất ngủ ở nam giới hiệu quả
Để chữa bệnh mất ngủ ở nam giới, người bệnh cần áp dụng linh hoạt các phương pháp điều trị y khoa cùng việc thay đổi thói quen sinh hoạt khoa học, lành mạnh.
3.1 Cách chữa bệnh mất ngủ ở nam giới nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt
– Tăng cường luyện tập thể dục thể thao vào buổi chiều và sáng sớm.
– Dành thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào ban ngày.
– Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể và không bỏ bữa ăn.
– Duy trì thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ
– Loại bỏ các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…sẽ giúp các vấn đề hô hấp trong khi ngủ được cải thiện.
– Hạn chế thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ.
– Tránh lạm dụng hay tự ý sử dụng thuốc ngủ vì đây có thể phương pháp giúp dễ ngủ trong thời gian nhắn nhưng lại là nguy cơ dẫn đến mất ngủ mạn tính cùng nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác tới sức khỏe.
Tìm hiểu thêm: Đi tìm nguyên nhân tại sao mất ngủ?
3.2 Cách chữa bệnh mất ngủ ở nam giới bằng phương pháp y khoa
– Thăm khám bác sĩ chuyên khoa: Nếu như người bệnh đã thay đổi thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng nhưng tình trạng mất ngủ vẫn không được cải thiện thì lúc này cần phải nhờ bác sĩ chuyên khoa can thiệp chẩn đoán để xác định rõ nguyên nhân cũng như đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
– Liệu pháp nhận thức hành vi: Phương pháp này được áp dụng đối với người mất ngủ nhằm kiểm soát những suy nghĩ và hành động tiêu cực làm người bệnh bị khó ngủ, ngủ không sâu giấc, giấc ngủ chập chờn.
– Thuốc kê đơn: Một số loại thuốc kê đơn có thể được sử dụng để người bệnh có giấc ngủ ngon hơn. Tuy nhiên thời gian dùng các loại thuốc này thường không kéo dài bởi chúng có thể gây “nghiện” thuốc, nhờn thuốc.
– Thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn: Thuốc ngủ không kê đơn có chứa chất kháng histamin khiến người bệnh buồn ngủ. Loại thuốc này không dùng để sử dụng thường xuyên bởi nó cũng gây ra một số tác dụng phụ như chóng mặt, buồn ngủ vào ban ngày…
>>>>>Xem thêm: Phân loại cơn động kinh dựa vào biểu hiện lên cơn động kinh
Trên đây là những thông tin về bệnh mất ngủ ở nam giới và cách điều trị mà bạn có thể tham khảo. Để chữa mất ngủ hiệu quả nhất, bạn cần thăm khám sớm tại chuyên khoa Nội thần kinh từ đó, tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị phù hợp nhất với tình trạng bệnh.