Vàng da là tình trạng thường gặp ở các bé sơ sinh, bao gồm 2 loại là vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Với những trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý, bé có dấu hiệu nhẹ và không ảnh hưởng tới sức khỏe của con nên không cần phải can thiệp điều trị. Tuy nhiên, với vàng da bệnh lý có thể diễn tiến nhanh và để lại những di chứng nặng nề nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả khi trẻ sơ sinh bị vàng da
1. Tìm hiểu đôi nét về bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh
Vàng da sơ sinh là tình trạng da và kết mạc mắt của trẻ có màu vàng, thường là do tăng nồng độ Bilirubin gián tiếp – thành phần được giải phóng ra ngoài khi hồng cầu bị vỡ. Đây là tình trạng thường ở trẻ sơ sinh và xuất hiện ở cả các bé đủ tháng lẫn sinh non.
Vàng da ở các bé sơ sinh có thể ở mức độ nhẹ (vàng da sinh lý) nhưng cũng có thể tiến triển thành thể nặng (vàng da bệnh lý). Nếu không được phát hiện sớm và kịp thời điều trị, vàng da sơ sinh có thể để lại biến chứng nặng nề như nhiễm độc thần kinh, bị di chứng não suốt đời, thậm chí là tử vong.
Vàng da sơ sinh là tình trạng nhiều trẻ gặp phải
1.1. Vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh
Vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh là do số lượng hồng cầu trong máu của bé lớn và trong hồng cầu có chứa HbF nên đời sống của hồng cầu ngắn. Hơn nữa, chức năng gan của trẻ sơ sinh còn kém và khả năng bài tiết mật của gan cũng chưa hoàn thiện. Ở những trẻ sinh đủ tháng và có sức khỏe bình thường, hiện tượng vàng da được coi là sinh lý khi:
– Xuất hiện từ ngày thứ 3 sau khi sinh và tự hết sau khoảng 7 – 10 ngày.
– Tình trạng vàng da nhẹ ở vùng cổ, ngực, mặt, vùng bụng phía trên rốn.
– Chỉ bị vàng da đơn thuần và không đi kèm với những dấu hiệu bất thường khác như gan lách to, thiếu máu, li bì, bỏ bú,…
– Nồng độ Bilirubin không quá 12mg% ở những trẻ đủ tháng.
– Tốc độ tăng Bilirubin không quá 5mg% trong vòng 24 giờ.
Theo các bác sĩ, những bé sơ sinh bị vàng da sinh lý không cần phải can thiệp y tế. Chỉ cần cho con bú sữa mẹ đầy đủ, cơ thể trẻ sẽ đào thải Bilirubin ra ngoài và hiện tượng vàng da sẽ biến mất trong vòng 1 – 2 tuần.
1.2. Vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh
Vàng da bệnh lý xảy ra khi hiện tượng này xuất hiện sớm và tiến triển nhanh, mức độ vàng nhiều, đi kèm với những dấu hiệu bệnh lý khác. Những ngày đầu sau sinh chính là “thời điểm vàng” để các bậc phụ huynh theo dõi hiện tượng vàng da ở trẻ. Những bất thường cho thấy trẻ bị vàng da bệnh lý là:
– Vàng da đậm xuất hiện sớm vào 1 – 2 ngày sau khi sinh.
– Vàng da không chỉ xuất hiện ở mắt, mặt mà còn ở cánh tay, bụng, chân.
– Tình trạng vàng da không tự hết sau 2 tuần với trẻ sinh đủ tháng và 3 tuần với trẻ sinh non.
– Vàng da đi kèm với những dấu hiệu bất thường khác như nôn trớ, bỏ bú, khóc nhiều, sốt, phân bạc màu,…
– Vàng da ở những trẻ sinh non, nhất là những bé dưới 35 tuần tuổi thai.
Trong những trường hợp này, bố mẹ phải đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa Nhi sơ sinh để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt để tránh xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh.
2. Một số nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị vàng da
2.1. Tăng nồng độ Bilirubin
Nồng độ Bilirubin dư thừa là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh. Bilirubin là sắc tố màu vàng cam được tạo ra trong quá trình phá vỡ hồng cầu bình thường bên trong máu. Một số nguyên nhân làm tăng nồng độ Bilirubin trong máu trẻ là:
– Sự bất đồng nhóm máu của hai mẹ con.
– Bệnh lý ở hồng cầu khiến hồng cầu dễ bị vỡ, bệnh lý màng hồng cầu, thiếu men G6PD, Thalassemia.
– Khi sinh ra, trẻ có vết bầm máu to.
2.2. Giảm chức năng chuyển hóa nồng độ Bilirubin
Nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do con mắc phải một trong những căn bệnh như: hội chứng Gilbert, hội chứng Crigler-Najjar, bệnh lý chuyển hóa di truyền (suy giáp trạng bẩm sinh, Galactosemia, rối loạn chuyển hóa Methionine, Tyrosin, thiếu α1 antitrypsin,…), thiếu hụt hormone, sinh non, mẹ bị tiểu đường thai kỳ,…
2.3. Tăng tái hấp thu nồng độ Bilirubin từ ruột
Những trẻ sinh ra bị tắc ruột non, hẹp môn vị, tắc ruột phân su, phình đại tràng bẩm sinh, sử dụng thuốc gây liệt ruột,… đều có nguy cơ tăng tái hấp thu Bilirubin từ ruột dẫn đến vàng da.
2.4. Vàng da do thiếu sữa mẹ
Một số trẻ sơ sinh trong vài ngày đầu bú không đủ sữa mẹ do gặp khó khăn khi bú sữa mẹ hoặc do mẹ chưa tiết đủ sữa. Hiện tượng này khiến bé mất nước, tăng tái hấp thu Bilirubin từ ruột gây vàng da, thiếu năng lượng.
Để khắc phục tình trạng này, mẹ nên cho con bú thường xuyên hơn và theo dõi cân nặng của bé. Nếu trẻ vẫn khỏe mạnh, bú tốt và khỏe mạnh, không nhất thiết phải cho con ngưng bú mẹ.
3. Một số phương pháp điều trị bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh
Theo các bác sĩ, vàng da ở thể nhẹ thường sẽ tự hết khi gan của bé bắt đầu trưởng thành. Việc cho bú thường xuyên sẽ giúp bé đào thải Bilirubin ra ngoài cơ thể.
Với những trường hợp vàng da ở thể nặng hơn sẽ phải áp dụng các phương pháp điều trị khác như:
– Chiếu đèn: Đây là phương pháp điều trị vàng da sơ sinh an toàn, đơn giản, hiệu quả và kinh tế.
– Thay máu: Phương pháp này được chỉ định khi bé có dấu hiệu bị nhiễm độc thần kinh do nồng độ Bilirubin trong máu tăng cao.
Tìm hiểu thêm: Bé bị viêm amidan cha mẹ phải làm sao?
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị vàng da
4. Cách phòng ngừa hiệu quả tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh
Cách phòng bệnh vàng da sơ sinh hiệu quả nhất là cho con bú sữa đầy đủ:
– Với trường hợp trẻ bú mẹ, mẹ nên cho con bú từ 8 – 12 cữ/ ngày để đảm bảo bé không bị mất nước và giúp cơ thể đào thải Bilirubin nhanh hơn.
– Với trường hợp trẻ bú sữa công thức, trong những tuần đầu tiên, cứ 2 – 3 giờ, mẹ nên cho con uống khoảng 30 – 60ml sữa.
Bên cạnh đó, trước khi mang thai, mẹ nên xét nghiệm nhóm máu của mình. Sau khi sinh, mẹ nên cho bé xét nghiệm nhóm máu. Việc làm này sẽ giúp xác định hoặc loại trừ nguy cơ trẻ bị vàng da sơ sinh do không tương thích nhóm máu với mẹ. Từ đó, bác sĩ chuyên khoa Nhi sơ sinh sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất. Ngoài ra, phòng của trẻ cần có đủ ánh sáng để bố mẹ có thể dễ quan sát màu sắc da của trẻ hơn.
>>>>>Xem thêm: Nhận diện dấu hiệu viêm phế quản ở trẻ
Với những trẻ bị vàng da ở thể nhẹ, mẹ hãy cho con bú thường xuyên
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bố mẹ có cái nhìn tổng quan nhất về tình trạng trẻ sơ sinh bị vàng da. Trong trường hợp trẻ bị vàng da, mẹ nên nhanh chóng đưa con đi khám để được bác sĩ chuyên khoa Nhi sơ sinh chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.