Trẻ sơ sinh bị đi ngoài lỏng hay còn gọi là tiêu chảy là dấu hiệu cảnh báo tình trạng cơ thể của bé đang không khỏe. Tuy nhiên nhiều bố mẹ chủ quan khi nghĩ rằng trong giai đoạn đầu đời, phân của trẻ thường mềm và chứa nhiều chất lỏng. Do đó, khi con bị đi ngoài, phụ huynh không chú ý xử lý kịp thời nên trẻ sẽ rất dễ bị xuống cân nhanh chóng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân và cách xử lý với trẻ sơ sinh bị đi ngoài lỏng
1. Trẻ sơ sinh bị đi ngoài phân lỏng do nguyên nhân nào?
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến trẻ sơ sinh bị đi ngoài phân lỏng.
1.1 Bệnh nhiễm trùng đường ruột khiến trẻ sơ sinh bị đi ngoài lỏng
Bệnh nhiễm trùng đường ruột là một trong những bệnh lý phổ biến nhất khiến trẻ sơ sinh bị đi ngoài lỏng
Đây là nguyên nhân đầu tiên và cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên hiện tượng tiêu chảy ở trẻ sơ sinh. Virus rotavirus, vi khuẩn salmonella hoặc ký sinh trùng như giardia là những “thủ phạm” phổ biến gây nhiễm trùng đường ruột. Khi bị nhiễm trùng đường ruột, ngoài hiện tượng phân lỏng hoặc nước thì trẻ còn kèm theo các dấu hiệu như nôn mửa, đau bụng, sốt…
1.2 Các loại thực phẩm dễ gây kích ứng
Ở trẻ sơ sinh thì sữa có hàm lượng protein cao là thực phẩm phổ biến nhất có thể gây dị ứng cho bé, dẫn đến tình trạng tiêu chảy. Ngoài ra, hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn non yếu, chưa hoàn thiện kèm theo trong thời kỳ bú mẹ nên rất nhạy cảm với bất kỳ sự thay đổi đột ngột nào trong chế độ dinh dưỡng của mẹ. Khi mẹ nạp quá nhiều đồ chiên, xào, dầu mỡ vào cơ thể sẽ tác động đến chất lượng sữa, khiến trẻ bị đi ngoài. Do đó, mẹ cần thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học trong suốt thời gian cho con bú để đảm bảo sức khỏe cho bé.
1.3 Rối loạn tiêu hóa khiến trẻ sơ sinh bị đi ngoài lỏng
Khi bị rối loạn tiêu hóa có nghĩa là trẻ đang mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Khi đó các vi khuẩn có hại sẽ lấn át lợi khuẩn, và đây là nguyên nhân chính gây nên rối loạn tiêu hóa, sau đó dẫn đến tình trạng đi ngoài phân lỏng nhiều lần ở trẻ sơ sinh. Các yếu tố được cho có thể là tác nhân gây rối loạn tiêu hóa là thuốc kháng sinh, vệ sinh không đảm bảo…
1.4 Một số các nguyên nhân khác
Hiện tượng trẻ sơ sinh bị tiêu chảy có thể do trẻ đang mắc một số bệnh lý điển hình như: suy dinh dưỡng, viêm đường hô hấp, viêm tai giữa,…
2. Mẹ nên nhận biết trẻ sơ sinh đi ngoài phân lỏng là như thế nào?
Cơ thể của trẻ sơ sinh khác với người lớn, không phải lúc nào trẻ đi ngoài một ngày nhiều hơn 3 lần là mẹ vội cho rằng con đang bị tiêu chảy. Ví dụ, với các bé ít hơn 3 tháng tuổi thường đi ngoài từ 2 đến 5 lần mỗi ngày. Còn với bé trên 6 tháng, việc đi ngoài 1-2 lần một ngày là hoàn toàn bình thường.
Giải thích hiện tượng sinh lý này, bác sĩ chuyên khoa nói rằng thức ăn chính của trẻ sơ sinh là sữa mẹ nên bé sẽ đi ngoài thường xuyên hơn và phân thường mềm, lỏng. Ngoài ra, khẩu phần ăn của mẹ cũng làm phân của bé thay đổi.
Việc xác định chính xác các dấu hiệu bé sơ sinh bị đi ngoài phân lỏng hay không, mẹ phải để ý thật kỹ các thay đổi cơ thể bé:
– Trẻ đột nhiên đi ngoài nhiều hơn so với những ngày bình thường khác.
– Phân của trẻ sơ sinh thay đổi, trở nên lỏng hơn cho đến rất lỏng, thậm chí toàn nước và màu sắc thay đổi, mùi tanh rất khó chịu.
– Một số trẻ còn có dấu hiệu phân lẫn cả máu, kèm theo khó chịu, sốt, quấy khóc, nôn ói.
Tìm hiểu thêm: [Cảnh báo] Bé trai hơn 4 tuổi bị viêm não vì nhiễm giun
Các bố mẹ phải để ý thật ký sự thay đổi của phân trẻ mới có thể khảng định được bé có bị đi ngoài phân lỏng hay không
3. Cách khắc phục trẻ sơ sinh bị đi ngoài phân lỏng
Trẻ sơ sinh bị đi ngoài phân lỏng có thể dẫn đến cơ thể bị mất nước và chất điện giải rất nhanh. Việc này có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng của bé, đăc biệt là với trẻ mới sinh. Bởi vậy ngay khi phát hiện trẻ sơ sinh bị đi ngoài phân lỏng, bố mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện uy tín để được xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.
>>>>>Xem thêm: Trẻ bị tiêu chảy phải làm sao, khi nào cần đưa đi viện?
Ngay khi phát hiện trẻ sơ sinh bị đi ngoài phân lỏng, bố mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện uy tín để được xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.
Bên cạnh đó, mẹ nên chú ý đến việc chăm sóc trẻ tại nhà để giúp bé mau hồi phục sức khỏe:
– Tích cực bù nước và chất điện giải cho con: việc này giúp cơ thể trẻ bù nước và chất dinh dưỡng đã bị mất đi trong thời gian bị đi ngoài phân lỏng. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa là nguồn bù nước hiệu quả nhất bởi vì trong sữa mẹ chứa rất nhiều lợi khuẩn hỗ trợ tăng cường miễn dịch cho đường tiêu hóa hiệu quả. Còn với trẻ trên 6 tháng tuổi mẹ có thể sử dụng oresol hoặc các loại nước muối đường, nước gạo lứt rang, chuối xanh để bù nước. Tuy nhiên trước khi sử dụng cần phải hỏi kỹ ý kiến bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn cho bé.
– Thay đổi chế độ ăn của trẻ: vẫn tiếp tục cho trẻ bú mẹ đồng thời mẹ nên chú ý đến khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày, ăn lành mạnh, khoa học để đảm bảo chất lượng sữa cho con bú. Với những bé đang ăn dặm, mẹ hạn chế cho trẻ ăn rau xanh, nước ngọt và cam vắt. Thức ăn cho trẻ trong giai đoạn này cần phải được chế biến chín, nhuyễn và chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày. Bên cạnh đó, mẹ nên bổ sung men vi sinh chứa lợi khuẩn, để trẻ lấy lại cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giảm đi ngoài phân lỏng.
Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị đi ngoài phân lỏng quá 3 ngày kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng tiêu biểu là nôn, ói nhiều, đau bụng, sốt cao và có thể mất nước, xanh xao thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý, tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra do không được xử lý kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.