Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm chiếm tỉ lệ cao ở nước ta. Bệnh có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng nếu không được thăm khám và điều trị đúng cách. Bên cạnh đó , có nhiều nguyên nhân viêm gan siêu vi B luôn hiện hữu xung quanh cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy, tìm hiểu về nguyên nhân và cách phòng tránh căn bệnh này là rất cần thiết.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân viêm gan siêu vi B và các cách phòng tránh
1. Sơ lược về viêm gan siêu vi B
Viêm gan siêu vi B là một căn bệnh truyền nhiễm, do virus HBV gây ra (virus viêm gan B). Bệnh làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động chức năng của gan, là nguy cơ cao dẫn đến các bệnh lý xơ gan, thậm chí ung thư gan gây tử vong.
Bệnh lý viêm gan B có diễn biến, triệu chứng thầm lặng, dễ bị bỏ qua nếu không được khám và xét nghiệm máu. Vì vậy việc thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm rất có ý nghĩa trong điều trị và ngăn chặn nguy cơ ung thư gan.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 2 tỷ người mắc bệnh viêm gan siêu vi B. Tại Việt Nam, con số này cũng chiếm khoảng 15 – 20% dân số. Do đó, đây là căn bệnh nguy hiểm, là mối đe dọa lớn đến sức khỏe nhân dân.
Cấu tạo của virus viêm gan siêu vi B (HBV)
Bệnh tồn tại ở thể cấp tính và mạn tính. Trong nhiều trường hợp cấp tính, bệnh có thể khỏi hoàn toàn song tỷ lệ chuyển sang mạn tính và người bệnh phát hiện giai đoạn muộn là không hề thấp.
Mọi đối tượng đều có thể nhiễm viêm gan B bằng nhiều hình thức khác nhau.
2. Có những nguyên nhân nào gây viêm gan siêu vi B
Virus viêm gan B có con đường lây giống với virus HIV. Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm của HBV cao hơn HIV gấp khoảng 100 lần. Lý do là vì HBV có thể sống ngoài môi trường tự nhiên rất lâu, khoảng 1 tháng trong khi đó HIV không lây nhiễm qua môi trường và không thể tồn tại lâu ngoài cơ thể.
Có ba con đường lây nhiễm viêm gan B chính là: Đường máu, tình dục, lây từ mẹ sang con. Nguyên nhân dẫn đến bệnh liên quan mật thiết đến các con đường lây nhiễm kể trên.
2.1. Nguyên nhân viêm gan siêu vi B: Con đường máu
Nếu người bình thường tiếp xúc với máu của người viêm gan B thì có thể lây nhiễm virus HBV. Một số trường hợp hay gặp do lây bệnh qua đường máu như:
– Dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, cắt móng tay chân, đồ vật sắc nhọn gây chảy máu.
– Tiếp xúc với vết thương hở của người lành với máu của người bệnh.
– Dùng chung dụng cụ xăm, bấm lỗ tai.
– Dùng chung bơm kim tiêm.
– Truyền máu của người nhiễm HBV sang người bình thường.
2.2. Nguyên nhân viêm gan siêu vi B: Con đường từ mẹ sang con
Virus viêm gan siêu vi B có thể lây từ mẹ sang thai nhi. Khả năng lây nhiễm rất cao và tùy thuộc vào thời điểm mang thai tháng thứ mấy. Bị nhiễm virus viêm gan B càng muộn, tỷ lệ truyền sang con càng cao. Theo một vài nghiên cứu cho thấy trong ba tháng đầu tỷ lệ lây truyền sang bào thai chỉ khoảng 10%, trong khi 3 tháng cuối, tỷ lệ này lên đến 70%.
Vì vậy, người mẹ trước khi có ý định mang thai nên đi kiểm tra mình có bị mắc virus HBV không để có thể tiêm vắc xin trước thai kỳ.
Trong trường hợp người mẹ nhiễm virus trong thời gian cho con bú, rất nên cẩn trọng vì khả năng lây sang con là hoàn toàn có thể.
Tìm hiểu thêm: Đại tiện ra máu tươi là bệnh gì? cần biết thêm thông tin
Một số nguyên nhân viêm gan siêu vi B thường gặp
2.3. Nguyên nhân gây viêm gan siêu vi B: Con đường quan hệ tình dục
Virus viêm gan B có thể lây truyền cho bạn tình khi quan hệ với tỷ lệ rất cao. Virus có trong dịch của người bị nhiễm sẽ lây cho đối phương thông qua những vết xước nhỏ khi giao hợp. Việc quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ qua đường miệng, hậu môn khiến khả năng mắc cao hơn.
2.4. Một vài thói quen sinh hoạt làm giảm miễn dịch
Theo một số nghiên cứu gần đây cho rằng, người suy giảm miễn dịch có khả năng mắc các bệnh truyền nhiễm cao hơn những người có miễn dịch tốt. Do đó, các thói quen sinh hoạt không khoa học sẽ làm giảm đáng kể sức đề kháng của bạn:
– Ít vận động: Lười tập thể dục thể thao, ngủ nhiều, ngồi nhiều sẽ làm giảm tốc độ trao đổi chất của cơ thể, hấp thu dinh dưỡng kém hơn người vận động thường xuyên.
– Ăn những thực phẩm hỏng, chứa hóa chất, đồ ăn nhanh: Ít chất dinh dưỡng, nhiều chất béo xấu làm cơ thể phải đào thải chất độc với công suất cao hơn, lâu dần làm suy giảm chức năng gan, giảm đề kháng.
– Thức khuya: Ban đêm, khi chúng ta ngủ, cơ thể được nghỉ ngơi đồng thời hệ miễn dịch tái tạo khả năng hoạt động. Nếu bạn thức quá khuya sẽ làm hệ miễn dịch phải làm việc liên tục, không có thời gian phục hồi, lâu ngày sẽ giảm sút chức năng.
3. Một số cách phòng tránh bệnh viêm gan siêu vi B
Để phòng bệnh hữu hiệu nhất chỉ có một cách là ngăn chặn những nguồn lây bệnh, nguyên nhân gây bệnh.
– Thực hiện quan hệ tình dục an toàn, một bạn tình và sử dụng bao cao su khi quan hệ.
– Sử dụng riêng tất cả những vật dụng cá nhân với người khác. Khi sử dụng dịch vụ liên quan đến vật sắc nhọn dễ gây chảy máu như xăm hình, nha khoa, bấm lỗ tai, tiêm chích,… cần đến những cơ sở chuyên khoa uy tín, đảm bảo chất lượng.
– Xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh để tăng cường khả năng miễn dịch, tăng cường sức khỏe.
>>>>>Xem thêm: Dự phòng xơ gan vỡ tĩnh mạch thực quản
Tiêm vắc xin phòng virus viêm gan B là phương pháp hữu hiệu
Hiện nay, tiêm vắc xin phòng viêm gan B là một phương pháp đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt, đối với trẻ sơ sinh nên được tiêm ngay trong vòng 24h sau sinh. Các trường hợp khác, chưa tiêm ngay sau 24h, cần tiêm sớm nhất trong vòng khoảng 7 ngày sau sinh. Vắc xin viêm gan B có thể tiêm cùng lúc với các vắc xin khác.
Trên đây là những con đường lây nhiễm virus viêm gan siêu vi B. Hy vọng bạn đọc đã có thêm những kiến thức bổ ích để tự bảo vệ bản thân cũng như những người xung quanh. Hãy liên hệ với chúng tôi thông qua tổng đài tư vấn nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến bệnh viêm gan B.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.