Viêm họng do liên cầu khuẩn là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ do vi khuẩn gây ra. Trẻ mắc viêm họng cần được chăm sóc và điều trị phù hợp để nhanh khỏi bệnh, giảm thiểu nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Cùng tìm hiểu ngay về các nguyên tắc điều trị viêm họng liên cầu khuẩn cho trẻ trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Nguyên tắc điều trị viêm họng liên cầu khuẩn cho trẻ
1. Thế nào là viêm họng do liên cầu khuẩn?
Viêm họng do liên cầu khuẩn là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở vùng cổ họng do vi khuẩn có tên là Streptococcus Pyogenes gây nên. Bệnh có thể mắc ở bất kỳ đối tượng nào nhưng phố biến nhất là ở trẻ nhỏ do sức đề kháng kém.
Vi khuẩn liên cầu thường trú ngụ tại vùng mũi và họng nên trẻ mắc bệnh thường có các dấu hiệu như sổ mũi, đau họng, ho… và rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý vùng mũi họng khác. Bệnh có thể lây lan qua tiếp xúc từ trẻ này qua trẻ khác và trẻ khoẻ mạnh cũng có nguy cơ nhiễm bệnh nên dùng chung đồ với trẻ mắc bệnh.
Viêm họng do liên cầu khuẩn gây ra không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ mà còn khiến sinh hoạt của trẻ bị đảo lộn và tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nếu trẻ không được điều trị kịp thời. Do đó, cha mẹ cần trang bị những kiến thức đúng đắn để phòng ngừa bệnh, nhận biết bệnh và chủ động điều trị đúng cách để trẻ nhanh hồi phục.
Vi khuẩn Streptococcus pyogenes được xem là tác nhân chính gây ra bệnh viêm họng ở trẻ
2. Nhận biết bệnh lý
Khi nhiễm liên cầu khuẩn, thời gian ủ bệnh ở trẻ thường kéo dài từ 2-5 ngày sau đó mới biểu hiện thành các triệu chứng như sau:
– Đau họng
– Sưng đỏ amidan
– Có vệt trắng, mủ ở họng
– Sưng hạch bạch huyết cổ
– Sốt cao
– Đau đầu
– Phát ban
– Nôn mửa
– Người mệt mỏi, quấy khóc…
Đau rát họng, sưng đỏ amidan, sốt cao… là các triệu chứng thường gặp ở những trẻ bị viêm họng do liên cầu khuẩn
Việc phát hiện muộn có thể khiến tình trạng bệnh ở trẻ diễn tiến nặng và tiềm ẩn nguy cơ mắc viêm khớp, viêm cầu thận, viêm amidan, viêm tai giữa, nhiễm trùng máu… Vì vậy, khi thấy trẻ có các dấu hiệu kể trên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám kịp thời để các bác sĩ đánh giá tình trạng sức khoẻ, xác định nguyên nhân gây bệnh và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp cho trẻ.
3. Điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn cho trẻ
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm… để đánh giá tình trạng bệnh lý ở trẻ. Thông qua kiểm tra, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp để tình hình sức khoẻ của trẻ tiến triển tích cực, khỏi bệnh. Hiện nay, trẻ mắc viêm họng do liên cầu khuẩn cần được điều trị với phác đồ do bác sĩ đưa ra, đồng thời cần được chăm sóc với một chế độ khoa học để cải thiện đề kháng, giúp trẻ nhanh chóng hồi phục.
3.1. Điều trị y khoa
Thông thường, bác sĩ sẽ kê một số đơn thuốc để điều trị nội khoa cho trẻ mắc bệnh. Đó có thể là các loại thuốc làm giảm triệu chứng bệnh, thuốc giảm nguy cơ lây lan bệnh lý ở trẻ.
– Thuốc kháng sinh: Một số loại kháng sinh được kê đơn phải kể tới là Penicillin, Amoxicillin, Cephalexin (KEFLEX), Erythromycin…
– Thuốc giảm triệu chứng: Một số loại thuốc được kê đơn có tác dụng làm giảm triệu chứng bệnh ở trẻ như thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt…
Sau khi uống thuốc, tình trạng bệnh của trẻ sẽ cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, cha mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc để điều trị cho trẻ mà cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, cha mẹ cũng cần cho trẻ uống thuốc đúng liều, đúng thời gian để đảm bảo hiệu quả điều trị.
Tìm hiểu thêm: Giải đáp: Tiêu chảy cấp có nguy hiểm không?
Điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn cho trẻ có thể sử dụng kháng sinh, kháng viêm… theo chỉ định của bác sĩ
3.2. Chăm sóc đúng cách
Thuốc có thể tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh và giảm triệu chứng khó chịu ở trẻ nhưng cha mẹ vẫn cần chăm sóc với một chế độ đặc biệt để rút ngắn thời gian hồi phục cho trẻ. Theo các chuyên gia, nguyên tắc chăm sóc trẻ nhỏ mắc viêm họng do liên cầu khuẩn khoa học cụ thể như sau:
– Để trẻ nghỉ ngơi nhiều ở nơi thoáng đãng, hạn chế tạo áp lực tinh thần cho trẻ.
– Cách ly trẻ ở nhà theo khuyến cáo của bác sĩ, hạn chế để trẻ tới nơi đông người hoặc tiếp xúc với các trẻ khác.
– Hướng dẫn trẻ súc miệng và vệ sinh miệng hằng ngày để loại bỏ bớt vi khuẩn và làm sạch cổ họng.
– Nếu cần phải ra ngoài hoặc tới nơi đông người, hãy để trẻ đeo khẩu trang và sát khuẩn tay khi về nhà.
– Cho trẻ uống nước ẩm để làm dịu cổ họng, ngăn ngừa mất nước khi nôn mửa hoặc sốt cao.
– Ưu tiên các loại thực phẩm tươi xanh, thanh mát, mềm, dễ tiêu hoá và giàu dinh dưỡng.
– Tránh xa các chất kích thích như thuốc lá, khói bụi và nên vệ sinh đồ dùng sinh hoạt của trẻ thường xuyên…
4. Phòng ngừa bệnh cho trẻ
Vi khuẩn gây bệnh viêm họng ở trẻ có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường. Chúng thường trú ngụ ở trên da, quần áo, đồ dùng hằng ngày… và rất dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các đồ vật của trẻ mắc bệnh. Vì vậy, cha mẹ cần trang bị kiến thức đúng đắn trong việc phòng ngừa viêm họng do liên cầu khuẩn cho trẻ.
– Rửa tay khoa học, đúng cách trước khi ăn, đi vệ sinh, tiếp xúc với đồ bẩn và đặc biệt là sau khi từ bên ngoài về nhà.
– Đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi và tránh tiếp xúc với trẻ mắc bệnh hoặc tới những nơi đang bùng dịch.
– Hạn chế để trẻ sử dụng chung các vật dụng cá nhân với trẻ khác như cốc nước, khăn mặt, bát đũa, thìa muỗng…
– Đưa trẻ đi khám sức khoẻ thường xuyên để chủ động kiểm soát, phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm và điều trị kịp thời để ngăn chặn nguy cơ biến chứng.
>>>>>Xem thêm: Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em có nguy hiểm không?
Rửa tay sạch sẽ có vai trò quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm liên cầu khuẩn
Điều trị viêm họng liên cầu khuẩn cho trẻ cha mẹ cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn và giúp trẻ nhanh chóng hồi phục. Nếu có dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay để được xử trí kịp thời bởi bác sĩ chuyên khoa.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.