Nhồi máu não là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 trên thế giới sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Việc nắm rõ những dấu hiệu nhồi máu não và cách phòng ngừa sẽ giúp chúng ta có cách xử trí kịp thời, đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ tổn hại tới sức khỏe.
Bạn đang đọc: Nhận biết dấu hiệu nhồi máu não và cách phòng ngừa
1. Nhồi máu não là gì?
Nhồi máu não là tình trạng xảy ra khi động mạch não bị hẹp, tắc nghẽn hoặc do hiện tượng hạ huyết áp, dẫn đến thiếu máu cung cấp lên não. Điều này khiến một phần não bị suy giảm chức năng và rối loạn hoạt động nghiêm trọng. Nếu kéo dài và không được khắc phục kịp thời, nhồi máu não có thể gây hoại tử não do thiếu oxy và glucose.
Thời gian cấp cứu bệnh nhân nhồi máu não càng chậm trễ thì nguy cơ dẫn đến hoại tử càng cao. Phần não bị hoạt tử do nhồi máu não rất khó để phục hồi, thậm chí là không thể. Tùy vào vùng não bị tổn thương mà bệnh nhân có thể bị tàn phế hoặc tử vong.
2. Cách nhận biết dấu hiệu nhồi máu não từ sớm
Triệu chứng của nhồi máu não diễn ra khá đa dạng và tùy thuộc vào vùng mạch não bị tắc nghẽn. Những triệu chứng thường gặp và cần được nhận biết sớm để gọi cấp cứu hay đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất đó là:
2.1 Chóng mặt dữ dội, đột ngột trong thời gian ngắn
Chóng mặt là một biểu hiện rất quan trọng trước khi xuất hiện tình trạng nhồi máu não. Khi não mô cầu bị thiếu hụt nguồn cung cấp máu trầm trọng, bệnh nhân sẽ cảm thấy chóng mặt dữ dội. Loại chóng mặt này thường xảy ra đột ngột, chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định nhưng rất nguy hiểm nên người bệnh cần phải hết sức lưu ý.
2.2 Mất thị lực nghiêm trọng là một trong những dấu hiệu nhồi máu não
Sau khi mạch máu não bị tắc, dây thần kinh thị giác sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ nhất định, khi đó thủy tinh thể sẽ bị thay đổi. Trong một thời gian dài lượng máu không được cung cấp đầy đủ sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thần kinh mắt, từ đó dễ gây ra các bệnh mạch máu, trường hợp nặng sẽ gây mù lòa.
2.3 Chảy nước dãi một bên
Chảy nước dãi do nhồi máu não phần lớn thường xuất hiện ở một bên miệng. Dấu hiệu này có thể xuất hiện khi mô não của cơ thể bị tắc nghẽn khiến lượng máu cung cấp đến não sẽ không đủ và gây ảnh hưởng đến thần kinh trung ương. Lúc này, khả năng kiểm soát các cơ khoang hầu họng cùng những cơ mặt khác bị mất đi và khiến bệnh nhân chảy nước dãi.
2.4 Ngáp thường xuyên, dai dẳng
Nếu bệnh nhân ngáp thường xuyên và dai dẳng thì không nên loại trừ vấn đề do mạch máu não. Bởi trong máu tồn tại một lượng oxy nên nếu mạch máu não bị tắc nghẽn thì oxy cung cấp sẽ giảm, khi đó mô não sẽ không được cung cấp máu. Nếu máu cung cấp cho não không đủ sẽ khiến bệnh nhân phải liên tục ngáp để lấy thêm oxy.
2.5 Dấu hiệu nhồi máu não bằng kiểm tra FAST
Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị nhồi máu não, có thể nhận biết bằng cách kiểm tra qua dấu hiệu FAST, cụ thể như sau:
– F (Face – Mặt): Yêu cầu bệnh nhân cười hoặc nhe răng sẽ thấy một bên mặt không thể cử động được.
– A (Arm – Cánh tay): Khi yêu cầu bệnh nhân giơ hai tay lên, cánh tay ở một bên sẽ có biểu hiện yếu hơn tay còn lại, bị thõng xuống.
– S (Speech – Lời nói): Bệnh nhân khó nói, dùng từ ngữ không thích hợp hoặc câm lặng.
– T (Time – Thời gian): Nếu kiểm tra thấy nghi ngờ bệnh nhân có dấu hiệu của nhồi máu não thì cần gọi cấp cứu ngay và ghi nhớ thời gian triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Thời gian chính là yếu tố quan trọng quyết định đến sự sống còn của bệnh nhân.
Tìm hiểu thêm: Đau nửa đầu trên đỉnh cảnh giác bệnh lý nguy hiểm
3. Đối tượng nào dễ gặp tình trạng nhồi máu não?
Theo nghiên cứu, những đối tượng có nguy cơ cao bị nhồi máu não thường bao gồm những trường hợp sau đây:
3.1 Người mắc bệnh mạn tính
Những người mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tăng lipid máu, đái tháo đường… đều có nguy cơ mắc bệnh nhồi máu não cao. Nguyên nhân là do mạch máu của những người này rất dễ xuất hiện huyết khối, nếu mạch máu não bị tắc hoàn toàn có thể gây ra tình trạng tắc mạch máu não.
3.2 Người dễ bị kích động cảm xúc
Nhiều trường hợp mắc bệnh nhồi máu não cấp có liên quan tới cảm xúc thăng trầm. Khi tức giận, cơ thể sẽ tiết ra một lượng lớn adrenaline, từ đó làm gia tăng tốc độ tim và tăng huyết áp. Huyết áp tăng lên nhanh chóng trong một thời gian ngắn sẽ khiến các mạch máu trong não co thắt, dẫn đến nhồi máu não.
3.3 Người nghiện rượu, bia, hay thức khuya
Nhồi máu não có liên quan đến những thói quen xấu trong cuộc sống, điển hình là việc uống nhiều rượu, bia. Nghiện rượu lâu ngày làm giảm tính đàn hồi của thành mạch máu. Bên cạnh đó một số thành phần có hại trong rượu, bia còn có thể làm giãn mạch, vỡ mạch máu não, từ đó tăng tỷ lệ mắc bệnh nhồi máu não.
Ngoài ra, thức đêm cũng khiến các mạch máu não luôn trong tình trạng co thắt. Hơn nữa sẽ khiến các mô não bị thiếu oxy và thiếu máu cục bộ, tạo gánh nặng cho các cơ mạch máu và gây nhồi máu não.
3.4 Người tập thể dục quá sức
Vận động vừa phải giúp cải thiện khả năng miễn dịch và thúc đẩy tuần hoàn máu. Tuy nhiên, nếu vận động quá sức trong thời gian dài sẽ làm tăng huyết áp, nhịp tim tăng và một lượng máu lớn sẽ dồn về tim. Khi đó, việc cung cấp máu cho não sẽ diễn ra không bình thường và cuối cùng gây ra nhồi máu não.
4. Phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh nhồi máu não ở người bệnh
Cách phòng ngừa bệnh tốt nhất chính là phát hiện sớm và điều trị tích cực các yếu tố nguy cơ gây nhồi máu não như rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, bệnh van tim, đái tháo đường…
Ngoài ra, cần thực hiện chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh như tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, giảm ăn mặn và các loại thức ăn chứa nhiều cholesterol, hạn chế rượu, bia, thuốc lá, phòng tránh thừa cân, béo phì… Tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày tránh căng thẳng, lo âu cũng sẽ giúp phòng chống bệnh nhồi máu não hiệu quả.
Đối với các bệnh nhân có bệnh nền, cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để ngăn chặn sự hình thành mảng xơ vữa, thuốc hạ huyết áp, thuốc giảm cholesterol… Khi thấy xuất hiện một trong những dấu hiệu của nhồi máu não nên đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu nhanh chóng, tránh các biến chứng xấu nhất có thể xảy ra.
>>>>>Xem thêm: Giải đáp: Đau thần kinh tọa có chữa khỏi không?
Việc nhận biết các dấu hiệu nhồi máu não là phương pháp quan trọng để cấp cứu và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và tham khảo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để phòng ngừa nguy cơ nhồi máu não.