Bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng không dễ để phát hiện. Các triệu chứng thường bị nhầm lẫn với bệnh lý rối loạn tiêu hóa thông thường. Dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về căn bệnh này để cha mẹ tham khảo.
Bạn đang đọc: Nhận biết sớm bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em
1. Tìm hiểu chung về bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em
1.1. Vị trí, vai trò của ruột thừa và tình tràng viêm ruột thừa là gì?
Ruột thừa là một bộ phận thuộc hệ tiêu hóa, nhỏ như ngón tay cái, có 1 đầu bịt kín, đầu còn lại thông với manh tràng (bộ phận đầu tiên của ruột già). Thông thường, ruột thừa nằm ở hố chậu dưới bên phải, đối với trẻ em, ruột thừa không nằm cố định ở vị trí đó mà có thể nằm ở các vị trí khác lân cận.
Trước kia, người ta cho rằng ruột thừa là một bộ phận “vô dụng” nhất của cơ thể. Nhưng nhiều nghiên cứu y tế đã chỉ ra rằng ruột thừa có vai trò trong hệ miễn dịch do có chứa các mô đặc biệt liên quan đến hệ thống bạch huyết, giữ vai trò chống lại nhiễm trùng. Ngoài ra, lớp niêm mạc trong lòng ruột thừa chứa vi khuẩn có lợi, tốt cho hệ tiêu hóa.
Khi lòng ruột thừa bị tắc nghẽn (có thể do sỏi phân, hạch, u, dị vật thức ăn…) khiến cho ruột thừa bị sưng và nhiễm trùng gây ra tình trạng viêm ruột thừa cấp.
Viêm ruột thừa ở trẻ em là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa rất phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
1.2. Bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em thường gặp trong độ tuổi nào?
Bệnh viêm ruột thừa thường gặp ở trẻ em lứa tuổi thanh thiếu niên (từ 10 đến 19 tuổi). Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể xảy ra ở trẻ nhỏ từ 2 đến 5 tuổi với những biểu hiện đau bụng, nôn, sốt, quấy khóc… Trẻ độ tuổi dưới 5 bị viêm ruột thừa rất nguy hiểm bởi trẻ còn quá nhỏ nên không thể mô tả và xác định đúng vị trí đau. Do đó, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý để có cách xử lý kịp thời.
1.3. Tổng hợp những nguyên nhân gây ra bệnh viêm ruột thừa
Tắc nghẽn trong lòng ruột thừa: Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng viêm ruột thừa cấp. Các dị vật bao gồm sỏi phân, thức ăn khó tiêu (hạt, sợi rau…), ký sinh trùng hay khối u hoặc khối hạch phì đại đều có thể gây tắc nghẽn bên trong lòng ruột thừa. Khi đó, dịch trong ruột thừa sẽ bị ứ đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và xâm nhập vào thành ruột dẫn đến viêm.
Các vết loét ở niêm mạc ruột thừa: Những thương tổn viêm bắt đầu từ vết loét nhỏ ở bề mặt niêm mạc, sau đó xâm lấn khiến cho lớp cơ ruột thừa bị sưng, đồng thời còn làm tắc các mạch máu nuôi ruột thừa khiến ruột thừa bị hoại tử gây viêm nhiễm.
Tìm hiểu thêm: Khám tiêu hóa là khám những gì và khi nào cần thực hiện?
Viêm ruột thừa ở trẻ em có thể dẫn đến nhiều biến chứng rất nguy hiểm như viêm phúc mạc, thậm chí là tử vong
2. Các triệu chứng cảnh báo bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em
Ở trẻ em, các triệu chứng viêm ruột thừa thường không rõ ràng khiến phụ huynh thường nhầm lẫn với các bệnh lý như tiêu chảy, rối loạn đường tiêu hóa… Không chỉ thế, viêm ruột thừa ở độ tuổi này còn có diễn biến bệnh phức tạp hơn khiến các bác sĩ cũng khó kiểm soát. Vì vậy, để tránh được rủi ro đáng tiếc, phụ huynh cần nhận biết sớm các bất thường cảnh báo viêm ruột thừa ở trẻ như sau:
– Trẻ bị đau bụng và sốt nhẹ: Biểu hiện này xuất hiện trong những giờ đầu khi ruột thừa bị viêm. Cơn đau có thể khởi phát ở quanh rốn rồi lan xuống vùng hố chậu phải.
– Trẻ có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa: Viêm ruột thừa khiến trẻ bị chướng bụng, tiêu chảy hoặc táo bón, một số trẻ còn có thể bị nôn và buồn nôn. Triệu chứng này thường dễ gây nhầm lẫn khiến phụ huynh coi nhẹ và bỏ qua.
– Viêm ruột thừa ở trẻ em khiến trẻ chán ăn, đối với trẻ nhỏ đang bú mẹ sẽ có dấu hiệu bỏ bú.
– Trẻ mệt mỏi, quấy khóc, hạn chế vận động: Với trẻ nhỏ, viêm ruột thừa khiến trẻ mệt mỏi, quấy khóc, môi trẻ trở nên khô bất thường, lưỡi bẩn, hay mệt mỏi…
Các triệu chứng trên nặng nhẹ tùy thuộc mức độ bệnh và thể trạng của trẻ. Khi trẻ bị đau bụng hoặc có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến viêm ruột thừa, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.
>>>>>Xem thêm: Đau dạ dày tiêu chảy: Nguyên nhân và cách khắc phục
Đau bụng, rối loạn tiêu hóa, sốt nhẹ, mệt mỏi… là những dấu hiệu nhận biết bệnh đau ruột thừa
3. Phương pháp chẩn đoán, cách điều trị bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em
3.1. Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em
Đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi khi không thể mổ tả rõ ràng các triệu chứng gặp phải thì siêu âm là một phương pháp cận lâm sàng an toàn, không gây đau có khả năng chẩn đoán bệnh cao. Thông qua siêu âm, bác sĩ có thể thấy được hình ảnh rõ nét của ruột thừa và xác định được ruột thừa có bị viêm hay không. Đồng thời, siêu âm cũng giúp loại bỏ được các bệnh lý khác khi có cùng triệu chứng với viêm ruột thừa.
Tuy nhiên, kết quả đọc siêu âm còn phụ thuộc vào hệ thống máy siêu âm có hiện đại hay không và trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm của đội ngũ bác sĩ. Do vậy, phụ huynh nên chọn cơ sở y tế uy tín để không bỏ lỡ thời gian “vàng” chẩn đoán phát hiện bệnh.
Ngoài siêu âm, bác sĩ có chỉ định chụp X-quang và xét nghiệm máu và nước tiểu. Thông qua chụp X-quang cũng có thể phát hiện được tình trạng viêm nhiễm ruột thừa. Các xét nghiệm máu và nước tiểu để đánh giá phản ứng viêm, nhiễm khuẩn giúp ích trong việc chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em.
3.2. Điều trị bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em như thế nào?
Tùy thuộc vào tình trạng viêm ruột thừa cấp hoặc viêm ruột thừa có biến chứng mà bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị cụ thể. Trong trường hợp viêm ruột thừa cấp, mổ cấp cứu loại bỏ ruột thừa viêm là lựa chọn hàng đầu. Mổ nội soi hiện nay là phương pháp điều trị viêm ruột thừa được áp dụng ở hầu hết các cơ sở y tế lớn nhờ ưu điểm vượt trội so với mổ mở như xâm lấn tối thiểu, thực hiện nhanh, ít đau cho bệnh nhân. Đặc biệt, sau mổ, trẻ nhỏ nhanh hồi phục, ra viện chỉ sau từ 2 đến 3 ngày, đảm bảo thẩm mỹ vì không để lại sẹo xấu.
Trong trường hợp không được phát hiện sớm, viêm ruột thừa dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như bị thủng/vỡ ruột thừa dẫn đến viêm phúc mạc (vi khuẩn tràn vào ổ bụng) dẫn đến hoại tử, nhiễm trùng máu, nhiễm độc toàn thân. Nếu không được cấp cứu trẻ có thể tử vong vì các biến chứng này hoặc nếu tránh được tử vong thì việc chữa trị cũng gặp nhiều khó khăn.
Bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em là căn bệnh khó lường và có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Do vậy, khi trẻ gặp bất cứ dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở uy tín gần nhất để cấp cứu.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.