Hội chứng ống cổ tay là bệnh lý chèn ép dây thần kinh giữa ở cổ tay, gây ra các triệu chứng như đau, tê, ngứa ran ở ngón tay,…Nếu bệnh được điều trị từ sớm, chức năng vận động của bàn tay có thể được cải thiện và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Bài viết dưới đây giúp bạn hiểu rõ hơn về các triệu chứng hội chứng ống cổ tay để phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả.
Bạn đang đọc: Nhận biết triệu chứng hội chứng ống cổ tay để điều trị hiệu quả
1. Tìm hiểu nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép hoặc kích thích trong ống cổ tay. Bất cứ điều gì chèn ép hoặc kích thích dây thần kinh giữa trong ống cổ tay đều có thể dẫn đến căn bệnh này. Có thể kể đến như:
1.1. Do sưng viêm tại ống cổ tay
Khi các mô trong và xung quanh ống cổ tay sưng lên, chúng có thể chèn ép vào dây thần kinh giữa. Tình trạng kể trên có thể đến từ nhiều nguyên nhân, bao gồm:
– Cử động tay thường xuyên, lặp đi lặp lại có thể làm tổn thương các gân ở cổ tay, gây sưng viêm và tạo áp lực lên dây thần kinh. Các hoạt động thường xuyên sử dụng cổ tay lặp đi lặp lại có thể kể đến như gõ máy tính, sử dụng chuột máy tính, chơi game, chơi đàn,…
– Duỗi hoặc uốn cong cổ tay trong thời gian dài/ quá mức có thể làm tăng áp lực lên dây thần kinh và làm tăng nguy cơ dẫn đến hội chứng ống cổ tay.
– Viêm khớp dạng thấp và các tình trạng khác gây viêm khớp có thể gây viêm dẫn đến phù nề và ứ dịch trong bao gân. Những áp lực này đè lên dây thần kinh và gây ảnh hưởng đến cổ tay.
Hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép trong ống cổ tay
1.2. Do bị biến dạng khớp và chấn thương vùng cổ tay
Các chấn thương cổ tay như gãy xương, trật khớp,… có thể làm tổn thương dây thần kinh giữa và gây hội chứng ống cổ tay.
1.3. Do bị ứ dịch lúc mang thai
Ứ dịch khi mang thai là một trong những nguyên nhân chính gây ra hội chứng ống cổ tay. Trong thời kỳ mang thai, cơ thể người phụ nữ bị biến đổi nội tiết dẫn đến ứ dịch quanh ống cổ tay. Điều này làm tăng áp lực lên dây thần kinh giữa, gây ra chèn ép và các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay.
1.4. Do các bệnh lý khác gây nên
Những người bệnh bị tiểu đường, béo phì, viêm khớp dạng thấp, gout và suy giáp có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay do các tác dụng phụ của bệnh gây ảnh hưởng đến dây thần kinh giữa.
2. Những triệu chứng hội chứng ống cổ tay thường gặp
2.1. Rối loạn cảm giác – triệu chứng hội chứng ống cổ tay phổ biến
Rối loạn cảm giác tay là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng ống cổ tay. Triệu chứng này thường xuất hiện ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và nửa ngón áp út.
Rối loạn cảm giác tay có thể biểu hiện dưới nhiều dạng, bao gồm:
– Tê bì: Đây là triệu chứng thường gặp nhất của hội chứng ống cổ tay. Tê bì thường xuất hiện ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và nửa ngón áp út, thường bắt đầu từ ngón cái và lan dần đến các ngón khác.
– Ngứa ran: Ngứa ran cũng là một triệu chứng phổ biến của hội chứng ống cổ tay. Ngứa ran thường xuất hiện ở cùng vị trí với tê bì.
– Đau buốt như kim châm: Đau là một triệu chứng ít gặp hơn của hội chứng ống cổ tay. Đau thường xuất hiện ở cổ tay, ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và nửa ngón áp út.
2.2. Đau nhức tại vùng cổ tay
Đau khi cử động cổ tay là triệu chứng thường gặp ở giai đoạn nặng của bệnh. Tình trạng đau có thể lan lên hai cẳng tay và về phía hai vai. Những cơn đau có thể khiến người bệnh hạn chế và gặp khó khăn khi sử dụng cổ tay.
Tìm hiểu thêm: Viêm khớp thái dương hàm nổi hạch nguy hiểm ra sao?
Đau là một triệu chứng phổ biến của hội chứng ống cổ tay, cơn đau thường trở nên tồi tệ hơn khi sử dụng cổ tay
2.3. Giảm chức năng vận động – triệu chứng hội chứng ống cổ tay giai đoạn nặng
Khi bị hội chứng ống cổ tay, người bệnh sẽ có cảm giác các cơ tay bị yếu đi hoặc mất khả năng cảm nhận. Điều này khiến khiến người bệnh khó cầm nắm đồ vật hoặc khó thực hiện các động tác tinh vi như cài cúc áo, buộc dây giày,…
3. Hướng điều trị hội chứng ống cổ tay
3.1. Phương pháp điều trị bảo tồn
Các bác sĩ luôn ưu tiên điều trị hội chứng ống cổ tay bằng các phương pháp điều trị bảo tồn (không phẫu thuật). Các phương pháp này thường hướng đến việc thay đổi thói quen hằng ngày, hỗ trợ và làm giảm các triệu chứng bằng cách dùng thuốc. Cụ thể bao gồm những phương pháp như:
– Thay đổi tư thế hoặc môi trường làm việc: Các bác sĩ sẽ khuyến khích người bệnh sửa đổi những thói quen hằng ngày như tư thế ngồi/ đứng hoặc tránh các cử động tay lặp đi lặp lại/ quá sức.
– Sử dụng nẹp tay: Nẹp sẽ giữ cố định cổ tay của người bệnh ở vị trí trung lập để giảm áp lực lên dây thần kinh giữa.
– Vật lý trị liệu: Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ giúp người bệnh giảm đau do các triệu chứng gây nên và tăng cường tính linh hoạt cho cổ tay.
– Dùng thuốc: Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng thuốc chống viêm phi steroid hoặc dùng corticoid dạng đường uống. Tuy nhiên, người bệnh không nên dùng loại thuốc này quá 10 ngày và nên trao đổi lại với bác sĩ sau khi hết liệu trình điều trị.
>>>>>Xem thêm: Đau thần kinh tọa như thế nào và nguyên nhân
Nẹp tay là một dụng cụ y tế được sử dụng để cố định cổ tay ở một tư thế nhất định
3.2. Phương pháp phẫu thuật
Nếu các phương pháp điều trị bảo tồn không thể làm giảm các triệu chứng của người bệnh hoặc chỉ giúp giảm đau tạm thời, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện phẫu thuật.
Trong những trường hợp rối loạn cảm giác và teo cơ ngón tay cái kéo dài, người bệnh nên phẫu thuật để ngăn ngừa những tổn thương không thể phục hồi.
Nhìn chung, nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh và điều trị kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Nếu bạn gặp các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay, hãy đến gặp bác sĩ của Thu Cúc TCI để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.