Nhiễm trùng bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Nhiễm trùng bàng quang thường xảy ra do vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang. Ở những người có hệ miễn dịch yếu, nhiễm trùng bàng quang có thể xảy ra do nhiễm nấm.

Nhiễm trùng bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Nhiễm trùng bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Nhiễm vi khuẩn khiến cho bàng quang bị viêm.

Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng bàng quang đều là cấp tính, nghĩa là xảy ra đột ngột nhưng cũng có một số trường hợp là mạn tính, có nghĩa là tái phát nhiều lần trong thời gian dài. Điều quan trọng là phải phát hiện và điều trị sớm nhiễm trùng bàng quang để ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan và dẫn đến vấn đề nghiêm trọng hơn.

Nhiễm trùng bàng quang và nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng bàng quang là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở bất cứ cơ quan nào trong đường tiết niệu, gồm có thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.

Đường tiết niệu được chia thành đường tiết niệu trên và dưới. Đường tiết niệu trên gồm có thận và niệu quản. Thận có chức năng lọc máu để loại bỏ chất thải và tạo ra nước tiểu. Nước tiểu chảy qua hai niệu quản xuống đường tiết niệu dưới.

Đường tiết niệu dưới gồm có bàng quang và niệu đạo. Bàng quang có chức năng chứa nước tiểu. Khi đi tiểu, bàng quang co bóp và đẩy nước tiểu qua niệu đạo ra khỏi cơ thể.

Nhiễm trùng chủ yếu xảy ra ở đường tiết niệu dưới vì vi khuẩn dễ xâm nhập vào niệu đạo và bàng quang hơn.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng bàng quang

Nhiễm trùng bàng quang thường xảy ra do vi khuẩn xâm nhập qua niệu đạo và di chuyển vào bàng quang. Thông thường, vi khuẩn sẽ bị đào thải ra ngoài theo nước tiểu.

Tuy nhiên, đôi khi vi khuẩn có thể bám vào thành bàng quang và nhân lên nhanh chóng, khiến cơ thể không loại bỏ kịp và điều này dẫn đến nhiễm trùng bàng quang.

Phần lớn các trường hợp nhiễm trùng bàng quang là do vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) gây ra. Đây là loại vi khuẩn tồn tại tự nhiên trong ruột già.

Nhiễm trùng bàng quang có thể xảy ra khi vi khuẩn từ phân bám vào da và xâm nhập vào niệu đạo. Phụ nữ có nguy cơ nhiễm trùng bàng quang cao hơn nam giới vì phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn và nằm gần bàng quang hơn, điều này khiến cho vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập từ hậu môn vào niệu đạo rồi di chuyển lên bàng quang.

Triệu chứng nhiễm trùng bàng quang

Các triệu chứng của nhiễm trùng bàng quang tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng. Triệu chứng điển hình là những thay đổi khi đi tiểu. Một số triệu chứng phổ biến nhất gồm có:

  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Nước tiểu đục hoặc có máu
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Nước tiểu có mùi hôi
  • Buồn tiểu đột ngột
  • Đau quặn hoặc căng tức ở bụng dưới hoặc thắt lưng

Khi nhiễm trùng bàng quang lan rộng, người bệnh có thể cảm thấy đau ở giữa lưng. Cơn đau này có thể là dấu hiệu cho thấy nhiễm trùng đã lan đến thận. Khác với đau lưng do cơ, cơn đau lưng do nhiễm trùng thận sẽ không thuyên giảm khi thay đổi tư thế.

Ngoài ra nhiễm trùng thận còn có các triệu chứng khác như:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa

Thông thường người bệnh sẽ có cảm giác mệt mỏi, không có sức lực khi bị nhiễm trùng thận. Nhiễm trùng thận nghiêm trọng hơn nhiều so với nhiễm trùng bàng quang và cần được điều trị khẩn cấp.

Ai có nguy cơ bị nhiễm trùng bàng quang?

Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm trùng bàng quang nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Phụ nữ và nam giới có một số yếu tố nguy cơ khác nhau.

Nhiễm trùng bàng quang ở phụ nữ

Phụ nữ dễ bị nhiễm trùng bàng quang hơn nam giới. Hơn 50% phụ nữ bị nhiễm trùng bàng quang ít nhất một lần trong đời. (1)

Điều này là do niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn niệu đạo của nam giới nên vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bàng quang hơn. Niệu đạo của phụ nữ còn nằm gần hậu môn hơn. Điều này có nghĩa là vi khuẩn dễ dàng di chuyển từ hậu môn vào niệu đạo hơn.

Những thay đổi ở đường tiết niệu khi mang thai càng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nguy cơ nhiễm trùng bàng quang tăng cao trong thai kỳ còn là do những thay đổi về hệ miễn dịch.

Một số biện pháp tránh thai, ví dụ như màng ngăn âm đạo và thuốc diệt tinh trùng, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.

Phụ nữ cũng dễ bị nhiễm trùng tái phát hơn. Khoảng 25% phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu lần thứ hai trong vòng 6 tháng kể từ lần nhiễm trùng đầu tiên.

Nhiễm trùng bàng quang ở nam giới

Khi nam giới có tuổi, tuyến tiền liệt có thể bị phì đại và chèn ép lên bàng quang cũng như niệu đạo. Điều này gây cản trở dòng nước tiểu và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Càng có tuổi, nam giới càng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nhiễm trùng bàng quang không phổ biến ở nam giới dưới 65 tuổi. Tuy nhiên, những nam giới trẻ tuổi không cắt bao quy đầu hoặc quan hệ tình dục qua đường hậu môn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Các yếu tố nguy cơ khác

Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bàng quang ở cả nam và nữ gồm có:

  • Tuổi cao
  • Nằm một chỗ
  • Không uống đủ nước
  • Phẫu thuật đường tiết niệu
  • Sử dụng ống thông tiểu
  • Tắc nghẽn đường tiết niệu (bàng quang hoặc niệu đạo)
  • Bất thường về cấu trúc đường tiết niệu, có thể là do dị tật bẩm sinh hoặc chấn thương
  • Bí tiểu (không đi tiểu được hoặc không thể làm trống bàng quang hoàn toàn khi đi tiểu)
  • Hẹp niệu đạo
  • Đại tiện không tự chủ
  • Bệnh tiểu đường
  • Rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến chức năng bàng quang, ví dụ như bệnh đa xơ cứng
  • Hệ miễn dịch suy yếu

Chẩn đoán nhiễm trùng bàng quang

Phương pháp chính để chẩn đoán nhiễm trùng bàng quang là xét nghiệm nước tiểu. Xét nghiệm giúp phát hiện các dấu hiệu của nhiễm trùng trong mẫu nước tiểu, ví dụ như bạch cầu, hồng cầu, nitrit hay vi khuẩn.

Nếu phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng, mẫu nước tiểu sẽ được nuôi cấy nhằm xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Sau khi xác định được loại vi khuẩn gây nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê loại thuốc kháng sinh phù hợp. Xác định loại vi khuẩn là bước rất quan trọng vì mỗi loại thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng với một số chủng vi khuẩn nhất định.

Điều trị nhiễm trùng bàng quang

Nhiễm trùng bàng quang cần điều trị bằng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn, có thể kết hợp dùng thêm thuốc giảm đau để giảm nhẹ các triệu chứng như nóng rát khi đi tiểu và đau bụng.

Thuốc

Nhiễm trùng bàng quang đa phần có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh đường uống.

Nếu người bệnh bị đau và nóng rát khi đi tiểu hoặc đau bụng, đau lưng, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc giúp làm giảm các triệu chứng này.

Loại thuốc phổ biến nhất để giảm đau và nóng rát do nhiễm trùng bàng quang là phenazopyridine (Pyridium).

Các phương pháp điều trị tự nhiên

Ngoài thuốc kháng sinh, người bệnh có thể thử các biện pháp tự nhiên dưới đây để điều trị nhiễm trùng bàng quang:

  • Uống nhiều nước để loại bỏ vi khuẩn ra khỏi bàng quang nhanh hơn. Tốt nhất nên uống nước lọc. Tránh các loại đồ uống chứa caffeine, cồn và chất làm ngọt nhân tạo vì những chất này gây kích thích bàng quang.
  • Uống nước ép nam việt quất hoặc viên uống nam việt quất: cách này có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng chưa được chứng minh là có hiệu quả điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Trong một nghiên cứu vào năm 2017, nước ép nam việt quất giúp làm giảm số lượng vi khuẩn trong bàng quang khi bị nhiễm trùng nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn tình trạng nhiễm trùng.
  • Uống D-mannose: D-mannose là một loại đường tự nhiên có nguồn gốc từ trái cây như quả nam việt quất và quả việt quất. Thực phẩm chức năng D-mannose có dạng bột hoặc viên nang. Một nghiên cứu vào năm 2014 chỉ ra rằng D-mannose có thể ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu với hiệu quả tương đương thuốc kháng sinh.
  • Liệu pháp estrogen tại chỗ: có thể giúp điều trị và phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ trong hoặc sau thời kỳ mãn kinh. Estrogen giúp vi khuẩn có lợi trong âm đạo chống lại vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Phòng ngừa nhiễm trùng bàng quang

Một số thay đổi lối sống có thể giúp làm giảm nguy cơ nhiễm trùng bàng quang.

Nếu người bệnh bị nhiễm trùng bàng quang tái phát thường xuyên, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng kháng sinh dự phòng, có nghĩa là uống thuốc kháng sinh liều thấp hàng ngày.

Thay đổi lối sống

Một số thay đổi lối sống sau đây có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng bàng quang:

  • Uống đủ nước mỗi ngày. Lượng nước cần uống tùy thuộc vào tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khỏe tổng thể và mức độ hoạt động
  • Đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn tiểu, không được nhịn
  • Phụ nữ nên lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh
  • Không sử dụng dung dịch thụt rửa, xịt khử mùi, xà phòng thơm hay bột xông vùng kín
  • Tắm vòi thay vì tắm bồn
  • Mặc đồ lót bằng cotton và quần rộng rãi
  • Không sử dụng màng ngăn âm đạo và thuốc diệt tinh trùng
  • Chọn bao cao su không có chất diệt tinh trùng
  • Đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục

Kháng sinh dự phòng

Nếu người bệnh thường xuyên bị nhiễm trùng bàng quang, bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh liều thấp để người bệnh dùng hàng ngày nhằm phòng ngừa nhiễm trùng hoặc dùng khi xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng bàng quang.

Người bệnh cũng có thể cần uống một liều kháng sinh sau khi quan hệ tình dục.

Nhiễm trùng bàng quang có chữa khỏi được không?

Nhiễm trùng bàng quang có thể chữa khỏi hoàn toàn. Các triệu chứng thường thuyên giảm trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu dùng kháng sinh. Điều quan trọng là phải uống thuốc đủ liều, ngay cả khi không còn triệu chứng. Dừng thuốc kháng sinh giữa chừng có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh.

Việc không điều trị kịp thời, điều trị không đúng cách, vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh hoặc không kiểm soát các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác có thể khiến tình trạng nhiễm trùng bàng quang trở nên trầm trọng hơn và lan đến thận. Nhiễm trùng thận nguy hiểm hơn nhiễm trùng bàng quang rất nhiều và có thể dẫn đến tổn thương thận vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.

Nên đi khám nếu bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Người bệnh cần làm một số xét nghiệm để kiểm tra tình trạng hệ tiết niệu.

Nhiễm trùng bàng quang mạn tính đòi hỏi phải kết hợp các biện pháp điều trị và phòng ngừa. Người bệnh có thể cần dùng kháng sinh hàng ngày trong thời gian dài.

Chủ động đối phó với nhiễm trùng bàng quang có thể giúp giảm nguy cơ bệnh tái phát cũng như các biến chứng.

Điều trị càng sớm thì sẽ càng giảm thiểu được nguy cơ nhiễm trùng lan rộng và bệnh sẽ càng nhanh khỏi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *