Trước đây nhồi máu cơ tim thường gặp ở người trên 60 tuổi, nhưng càng ngày các trường hợp cấp cứu ở độ tuổi trẻ, dưới 45 tuổi càng tăng lên. Vậy nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không nếu xảy ra ở người trẻ và làm thế nào để phòng ngừa tình trạng này?
Bạn đang đọc: Nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không nếu gặp ở người trẻ?
1. Thế nào là nhồi máu cơ tim ở người trẻ?
Tuổi tác là một trong những yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim. Tại Hoa Kỳ, thường nam giới ngoài 65 tuổi mới bắt đầu có nhồi máu cơ tim. Nếu bệnh nhân dưới 45 tuổi đã mắc bệnh thì được coi là trẻ và dưới 35 là rất trẻ.
Theo các thống kê, hiện nay có đến 4 – 10% bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp khi chưa đến 45 tuổi và phần lớn là nam giới đang khỏe mạnh.
Nhồi máu cơ tim khi còn trẻ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng lao động, làm việc của người bệnh sau này.
2. Sự nguy hiểm của nhồi máu cơ tim ở người trẻ
2.1 Bị nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không?
Nhồi máu cơ tim nói chung vốn đã rất nguy hiểm. Đây là một cấp cứu khẩn trong y khoa liên quan đến tình trạng tắc nghẽn đột ngột của động mạch vành.
Bình thường khi động mạch vành thông thoáng, máu được cung cấp đầy đủ cho cơ tim thì tim sẽ co bóp bình thường. Nhưng hiện tượng tắc nghẽn khiến cho cơ tim bị thiếu máu nuôi dưỡng, dẫn đến hoại tử cơ tim. Nếu không cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim lên tới 50%. Nếu giữ được mạng sống, người bệnh cũng khó tránh khỏi nguy cơ tàn phế hoặc gặp phải các biến chứng nguy hiểm gồm suy tim, rối loạn nhịp tim, đột tử…
2.2 Nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không nếu người mắc bệnh còn trẻ?
Nhồi máu cơ tim xảy ra ở bất cứ đối tượng nào cũng đều nguy hiểm. Nhưng biểu hiện và những ảnh hưởng của nhồi máu cơ tim đối với người trẻ và người già có những điểm khác biệt. Cụ thể:
– Khả năng thích ứng với bệnh
Thông thường ở người lớn tuổi, xơ vữa động mạch có thể diễn ra từ từ trong nhiều năm liền làm cho cơ tim của họ “quen” với tình trạng thiếu máu. Hơn nữa, họ đã nhận biết được các nguy cơ đối với sức khỏe nên ít chủ quan hơn.
Còn đối với những người trẻ tuổi, cơ tim của họ hầu như chưa từng trải qua tình trạng thiếu máu trong thời gian dài nên thường không kịp thích nghi và bị hoại tử nhanh chóng. Đây cũng là nguyên nhân khiến người trẻ dễ tử vong hoặc gặp phải những di chứng nặng nề.
– Nguyên nhân gây bệnh
Dù ở người trẻ cũng như người cao tuổi thì vữa xơ động mạch vẫn là nguyên nhân chính, gây ra 80% các trường hợp nhập viện vì nhồi máu cơ tim.
Tuy nhiên, xơ vữa động mạch ở người trẻ đa phần do lối sống thiếu lành mạnh gây ra, bao gồm: chế độ dinh dưỡng nhiều chất béo, nhiều đường, nhiều muối, thiếu rau xanh; lười vận động, thường xuyên thức khuya, căng thẳng, stress, hút thuốc lá, lạm dụng các chất kích thích; thừa cân, béo phì; … Điều này khác với những trường hợp nhồi máu do lão hóa ở những người lớn tuổi.
– Những ảnh hưởng do nhồi máu cơ tim gây ra cho người trẻ
Độ tuổi dưới 45 đang là giai đoạn xây dựng sự nghiệp, nuôi dạy con cái. Vì thế nếu bị nhồi máu cơ tim khi ở độ tuổi này thì sẽ gây hệ lụy rất lớn cho người bệnh trong tương lai. Bởi khi đã bị nhồi máu cơ tim, dù được cứu sống thì người bệnh thường không tránh khỏi những biến chứng như suy tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ, thiếu máu cơ tim mạn tính, đau dây thần kinh,… với những triệu chứng khó chịu và kéo theo sự suy giảm chức năng của nhiều cơ quan khác. Điều này khiến sức khỏe cũng như khả năng lao động của người bệnh sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Nếu không đươc chăm sóc tốt để nhồi máu cơ tim tái phát thì khả năng tử vong của người bệnh là rất cao.
Tìm hiểu thêm: Triệu chứng mạch vành bạn cần biết
Đau ngực ngay cả khi không gắng sức, không thuyên giảm, kéo dài trên 15 phút là dấu hiệu nguy hiểm cảnh báo nhồi máu cơ tim.
3. Triệu chứng nhồi máu cơ tim ở người trẻ
Cũng như các trường hợp nhồi máu cơ tim nói chung, triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim ở người trẻ là đau đau ngực. Đó có thể là cảm giác nặng ngực, đau giữa ngực, sau xương ức hoặc hơi lệch trái hoặc nặng, bóp nghẹt, siết chặt, đè ép. Có khi cơn đau lan ra tay trái, lên cằm xuống bụng vùng trên rốn. Thời gian đau thường kéo dài trong khoảng 20 – 30 phút hoặc dài hơn.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể kèm vã mồ hôi, khó thở, choáng ngất. Một số người không có biểu hiện đau ngực mà đau bụng ở vùng trên rốn, đau sau lưng.
Các dấu hiệu và triệu chứng này có thể thay đổi tùy theo tuổi, giới tính, vùng cơ tim bị tổn thương và những bệnh lý khác đi kèm. Do vậy, người bệnh không nên chủ quan trước bất kỳ thay đổi nào của cơ thể. Khi có dấu hiệu bất thường, cần đi khám ngay để được khám và điều trị kịp thời.
4. Làm thế nào để phòng tránh nhồi máu cơ tim ở người trẻ?
Lối sống là một yếu tố yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến bệnh tim mạch nói chung và nhồi máu cơ tim nói riêng. Vì thế muốn phòng tránh bệnh này, những người trẻ tuổi cần thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt một cách khoa học theo những khuyến cáo sau:
– Không hút hoặc hạn chế tối đa việc hút thuốc lá, thuốc lào
– Duy trì cân nặng ổn định ở mức tương đối, phù hợp
– Áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn uống lành mạnh
– Tập luyện thể dục thể thao, tích cực vận động thường xuyên
– Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, tránh áp lực quá mức, stress
– Hạn chế sử dụng các loại rượu bia, chất kích thích, giảm chất béo trong khẩu phần ăn
– Khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm ngay từ khi còn trẻ. Khám sức khỏe thường xuyên hơn nếu bạn có nguy cơ cao hoặc tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp, cholesterol cao, đái tháo đường…
>>>>>Xem thêm: Các cách giảm mất ngủ hiệu quả
Thường xuyên thăm khám tim mạch là biện pháp hữu hiệu phòng ngừa nhồi máu cơ tim ở ngươi trẻ.
Tóm lại, nhồi máu cơ tim ở người trẻ là biến cố gây ảnh hưởng to lớn đến sức khỏe, khả năng lao động, tương lai, sự nghiệp của những người bệnh. Vì thế, người trẻ cần chủ động xây dựng lối sống lành mạnh để phòng ngừa biến cố này. Đặc biệt khi bị nhồi máu cơ tim, cần đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời và điều trị đúng hướng. Sau khi xuất viện, người bệnh vẫn phải chăm sóc sức khỏe theo hướng dẫn và giám sát của bác sĩ chuyên khoa tim mạch để ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.