Nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không và cách chẩn đoán

Nhồi máu cơ tim là tình trạng tim mạch cấp tính, xảy ra khi cơ tim bị hoại tử do thiếu máu cung cấp đột ngột cho cơ tim. Vậy nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không, chẩn đoán và xử trí như thế nào?

1. Thông tin tổng quan về nhồi máu cơ tim

1.1. Nhồi máu cơ tim là gì?

Nhồi máu cơ tim là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi và hoại tử do mạch vành đột ngột tắc nghẽn khi có sự xuất hiện của cục huyết khối. Đây là biến chứng nguy hiểm của bệnh mạch vành và cũng là nguyên nhân phổ biến gây tử vong trong nhóm bệnh lý về tim mạch.

1.2. Nguyên nhân gây nên nhồi máu cơ tim (nhồi máu cơ tim cấp)

Do mảng xơ vữa trong lòng mạch vành bị vỡ, các tế bào máu đến bám vào và tạo thành cục huyết khối gây bít tắc lòng mạch nên quá trình cấp máu nuôi cơ tim bị ngưng lại dẫn đến cơ tim bị thiếu máu. Tình trạng này kéo dài gây hoại tử cơ tim, suy tim và thậm chí là đột tử.

Yếu tố nguy cơ khiến mảng xơ vữa bị nứt gồm:

– Thường xuyên hút thuốc lá

– Căng thẳng trong thời gian dài, xúc động quá mức

– Gắng sức quá mức

– Viêm phổi

– Sau chấn thương, phẫu thuật các mảng xơ vữa cũng dễ tổn thương

1.3. Những dấu hiệu cảnh báo bệnh nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim thường xảy ra bất ngờ nhưng cũng có những trường hợp được cảnh báo trước như:

– Cơn đau thắt ngực: cảm giác đau tức, đè nặng trong lồng ngực, đau ở mức độ nặng và kéo dài trên 15 phút. Đau lan ra vùng lưng, vùng cổ, vai và cánh tay. Khi đau người bệnh có thể kèm triệu chứng mệt mỏi, hồi hộp, khó thở, vã mồ hôi.

– Một số trường hợp như người cao tuổi, phụ nữ, bệnh nhân đái tháo đường sẽ gặp triệu chứng khó thở, ngất hoặc tụt huyết áp

– Một số người sẽ xuất hiện dấu hiệu đầu tiên là ngưng tim đột ngột. Ở một người sẽ chỉ cảm thấy hơi mệt cùng với cảm giác khó chịu vùng thượng vị.

Nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không và cách chẩn đoán

Cơn đau thắt ngực, cảm giác đau tức ngực là triệu chứng điển hình của bệnh

2. Nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không, sẽ có biến chứng gì?

Nhồi máu cơ tim là tình trạng nguy hiểm khẩn cấp và nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng. Theo thống kê cho thấy 10% các ca nhồi máu cơ tim dẫn đến đột tử. Còn sống sót sau cơn nhồi máu cơ tim thật sự là một điều may mắn. Điều đáng lo hơn là người bệnh phải đối mặt với nguy cơ đột tử trong vòng 3 tuần tính từ khi phát bệnh. Nguyên nhân là vì trong thời gian này, nhịp tim vẫn chưa ổn định hoàn toàn và đang rối loạn, dễ gặp các biến cố như vỡ tim, tắc mạch máu não, tắc mạch tại phổi hay choáng tim.

Sau khoảng thời gian trên, có thể bớt lo ngại nhưng nguy cơ di chứng vẫn còn. Do đó, người bệnh và gia đình cần hết sức lưu ý với tất cả triệu chứng khác thường để hạn chế những rủi ro về sau.

2.1. Nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không, có những biến chứng sớm nào?

– Đột tử: đột tử là biến chứng nghiêm trọng của nhồi máu cơ tim cấp. Biến chứng có thể xảy ra trong thời gian đầu sau khi phát bệnh, nguyên nhân có thể do nhịp nhanh thất, thất tim rung, trụy mạch cấp, mạch phổi nghẽn hoặc vỡ tim.

– Rối loạn nhịp tim: số liệu cho thấy hơn 90% bệnh nhân có biến chứng rối loạn nhịp tim. Thông thường ngay sau 48h phát bệnh, thiếu máu cơ tim sẽ khiến nhịp tim bị rối loạn. Người nhà cần đặc biệt lưu ý khi nhịp tim vẫn rối loạn quá 48 tiếng.

– Suy tim cấp: sau 2 tuần kể từ khi phát bệnh sẽ dễ có di chứng suy tim cấp. Một số biểu hiện của biến chứng này là mạch yếu đập nhanh, tụt huyết áp, vã nhiều mồ hôi.

– Tai biến: nhồi máu cơ tim thường xảy ra do sự xuất hiện của cục máu đông. Nếu phần máu đông di chuyển đến những cơ quan khác có thể gây tắc nghẽn mạch máu, gia tăng nguy cơ tắc phổi và thậm chí gây đột quỵ.

– Vỡ tim: số liệu thống kê cho thấy bệnh nhân mắc nhồi máu cơ tim có 10% bị vỡ tim sau khi phát bệnh khoảng 2 tuần. Máu tràn ra ngoài màng tim dẫn đến tình trạng trụy tim và gây tử vong.

– Thiếu máu cơ tim: có 30% bệnh nhân gặp nhồi máu thứ phát trở lại. Biểu hiện thứ phát là vùng ngực phải bị đau thắt. Những bệnh nhân đái tháo đường lâu năm dễ gặp tình trạng này.

Nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không và cách chẩn đoán

Nhồi máu cơ tim cấp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trong đó có đột tử

2.2. Nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không, có những biến chứng muộn nào?

– Vách tim phình to: có tới 30% bệnh nhân gặp biến chứng vách tim phình to với biểu hiện tắc mạch chủ, suy tim.

– Đau dây thần kinh: những người bị suy nhược cả thể chất lẫn tinh thần, người hay lo lắng, stress thường gặp biến chứng này. Biểu hiện là các cơn đau ở vùng ngực kèm cảm giác nặng nề, ê ẩm vùng tim.

– Suy tim: sau khi mắc bệnh nhồi máu cơ tim, chức năng hoạt động của tim bị thuyên giảm. Suy yếu chức năng tim lâu dần sẽ phát triển thành chứng suy tim.

– Hội chứng viêm màng tim: biểu hiện của biến chứng này là đau vùng xương ức, cảm giác đau hơn khi vận động, ho.

3. Chẩn đoán nhồi máu cơ tim bằng cách nào?

3.1. Quá trình chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp

Trước hết, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và các thông tin liên quan của bệnh nhân. Tiếp đó sẽ đo huyết áp, đo mạch và kiểm tra nhiệt độ. Đồng thời thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán nhồi máu cơ tim bao gồm:

– Điện tâm đồ (ECG)

– Xét nghiệm máu

– Chụp X-quang lồng ngực

– Siêu âm tim

– Chụp mạch vành

Nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không và cách chẩn đoán

Quá trình thăm khám sẽ chẩn đoán chính xác tình trạng nhồi máu cơ tim của bệnh nhân

3.2. Một số lưu ý khi cấp cứu

– Đặt bệnh nhân ngồi hoặc nằm, nới lỏng thắt lưng và quần áo để máu dễ lưu thông hơn.

– Gọi cấp cứu tới bệnh viện gần nhất hoặc chủ động tự đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

– Ép tim ngoài lồng ngực: tiến hành càng sớm càng càng tốt nếu bệnh nhân ngừng thở vì chậm trễ sẽ làm mất đi cơ hội sống sót của bệnh nhân.

Sau khi tìm hiểu nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không, có thể thấy đây là bệnh lý tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe, có thể đe dọa tới tính mạng. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ hạn chế được các biến chứng nghiêm trọng. Do đó, hãy tìm đến các cơ sở y tế khi có những dấu hiệu bệnh lý để được điều trị nhồi máu cơ tim sớm, phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *