Glocom góc mở nguyên phát là một bệnh lý tiến triển mạn tính, cực kỳ nguy hiểm bởi rất khó nhận biết ở giai đoạn sớm, nếu không phát hiện sớm và thực hiện các biện pháp điều trị có thể gây mù lòa vĩnh viễn. Nhiều người cho rằng bệnh chỉ xảy ra ở người cao tuổi, vậy chính xác là những ai có nguy cơ bị mắc bệnh glocom góc mở nguyên phát, bệnh có chữa được không và cách điều trị ra sao?
Bạn đang đọc: Những ai có nguy cơ mắc bệnh glocom góc mở nguyên phát?
1. Tìm hiểu về glocom góc mở nguyên phát
Glocom góc mở nguyên phát là một “hội chứng” gồm tổn thương đầu dây thần kinh thị giác, chủ yếu liên quan đến góc tiền phòng mở và nhãn áp tăng hoặc đôi khi ở mức trung bình. Bệnh tiến triển mạn tính, thường không biểu hiện triệu chứng sớm nên rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu, đến khi bệnh phát ra triệu chứng thì thị lực đã bị tổn hại đáng kể, nguy cơ mù lòa rất cao.
Bệnh đặc trưng bởi sự tổn hại của tế bào hạch võng mạc và lớp sợi thần kinh, teo lõm đĩa thị giác, tổn thương thị trường.
Glocom gây chủ yếu do tăng nhãn áp khiến dây thần kinh thị giác bị tổn thương.
1.1. Nguyên nhân của bệnh glocom góc mở nguyên phát
– Do quá trình xơ hóa vùng bè gây lắng đọng các chất ngoại bào trong lớp bè, gây hẹp và dính các khoang bè, dẫn tới tắc đường lưu thông thủy dịch, gây tăng nhãn áp.
– Do chênh lệch áp lực giữa tiền phòng và ống Schlemm, gây xẹp ống Schlemm làm cản trở thủy dịch thoát ra ngoài nhãn cầu, gây tăng nhãn áp.
1.2. Triệu chứng bệnh glocom góc mở nguyên phát
Thông thường các triệu chứng thường biểu hiện rất chậm do tổn hại không đồng đều ở hai bên dây thần kinh thị giác, trừ trường hợp có tổn thương nặng trên thị trường. Do đó, người bệnh rất khó tự phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Hầu hết các trường hợp đều chỉ có cảm giác hơi căng tức mắt hoặc mắt mờ nhẹ thoáng qua khi làm việc nhiều, khi căng thẳng thần kinh hoặc khi lo lắng nhiều.
Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gặp các triệu chứng sớm hơn như hay vấp ở cầu thang khi mất nửa dưới thị trường, nhìn thấy khuyết các góc của chữ khi đọc hoặc khó khăn khi lái xe. Có những trường hợp thì thấy như có màn sương mỏng trước mắt vào buổi sáng. Nhiều trường hợp thì chỉ được phát hiện trong những hoàn cảnh tình cờ.
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như nhãn áp tăng cao, thị lực giảm dần theo giai đoạn bệnh.
2. Những ai có nguy cơ bị mắc bệnh glocom góc mở nguyên phát?
Nhiều người nghĩ rằng bệnh chỉ xảy ra ở người già, quan điểm này chỉ đúng một phần bởi người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do tuổi càng cao thì mức độ xơ hóa vùng bè càng tăng, tuy nhiên bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Và những đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ cao bị mắc bệnh hơn những người bình thường, cụ thể:
– Những người trên 40 tuổi, dưới 40 tuổi thì sẽ ít gặp hơn.
– Người có người thân trong gia đình bị mắc glocom thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 5 – 6 lần so với người bình thường.
– Người bị cận thị.
– Người bị mỏng giác mạc trung tâm.
– Những người bị mắc các bệnh như: huyết áp, co thắt mạch vành, hội chứng Raynaud, đau nửa đầu Migraine, đái tháo đường, tăng mỡ máu, rối loạn tuần hoàn não,…
3. Glocom góc mở nguyên phát được chẩn đoán bằng cách nào?
Để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ nhãn khoa sẽ dựa trên kết quả khám lâm sàng. Các bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện các theo các bước sau:
– Khám thị trường
– Soi đáy mắt
– Đo chiều dày giác mạc trung tâm và nhãn áp
– Loại trừ các bệnh lý thần kinh thị giác khác
Tìm hiểu thêm: U nguyên bào võng mạc: Nguy hiểm ra sao – Điều trị thế nào
Để hỗ trợ chẩn đoán bệnh glocom chính xác nhất, các bác sĩ sẽ cần sự hỗ trợ của các thiết bị nhãn khoa hiện đại.
4. Glocom góc mở nguyên phát được điều trị bằng cách nào?
Mục tiêu điều trị bệnh là làm dừng lại hoặc chậm lại quá trình tiến triển của bệnh glocom, giúp người bệnh duy trì chất lượng nhìn và nâng cao chất lượng cuộc sống bằng cách hạ nhãn áp xuống khoảng 20 – 40 % so với nhãn áp trước khi điều trị. Để nhãn áp hạ xuống mức 20 – 40%, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp cụ thể cho từng trường hợp. Thông thường điều trị ban đầu là dùng thuốc, tiến hành laser và tiếp đến là phẫu thuật nếu không đạt được nhãn áp đích.
– Điều trị bằng thuốc:
Thuốc điều trị glocom có nhiều loại, trong đó các thuốc dạng tra được sử dụng nhiều hơn. Với phương pháp này, các bác sĩ thường chỉ định bắt đầu dùng thuốc thử nghiệm ở một hoặc cả hai mắt để đánh giá hiệu quả, nếu không đạt được nhãn áp đích sẽ được chuyển sang điều trị bằng laser và phẫu thuật.
– Laser:
Sử dụng laser argon tạo hình vùng bè (ALT) là điều trị ban đầu cho những trường hợp không đạt hiệu quả khi điều trị bằng thuốc. Bác sĩ sẽ sử dụng năng lượng laser áp dụng cho cả 180º hoặc 360º của vùng bè củng giác mạc để tăng thoát thủy dịch. Với phương pháp này trong vòng 2 – 5 năm thì khoảng 50% trường hợp sẽ cần điều trị bổ sung bằng thuốc hoặc phẫu thuật do nhãn áp đã vượt ra khỏi mức đích.
>>>>>Xem thêm: Dấu hiệu của đau mắt đỏ: Phân biệt các dạng viêm kết mạc khác
Điều trị glocom bằng laser sẽ giúp hạ được nhãn áp xuống mức đích.
– Phẫu thuật:
Phẫu thuật lỗ rò (trabeculectomy) là biện pháp mà các bác sĩ chỉ định phổ biến nhất. Với phương pháp này bác sĩ Nhãn khoa sẽ thực hiện tạo một lỗ nhỏ trong củng mạc rìa, được đậy bởi nắp vạt có độ dày vừa đủ giúp kiểm soát lưu lượng của thủy dịch. Tuy nhiên, phương pháp này có một số rủi ro như tăng tiến triển đục tinh thể, bong hắc mạc, hạ nhãn áp quá nhiều,..
Ngoài ra còn có phẫu thuật chiều dày để giúp tăng thoát cho một phần thủy dịch. Tuy nhiên tất cả các biện pháp phẫu thuật đều ít hiệu quả và an toàn hơn biện pháp laser cắt bè củng giác mạc.
Glocom góc mở nguyên phát có thể xảy ra với bất cứ ai, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh cần phải đặc biệt chú ý. Vì vậy người bệnh nên thực hiện khám mắt thường xuyên để phát hiện sớm và xử lý kịp thời để bảo toàn thị lực.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.