Tác dụng phụ phổ biến của thuốc kháng sinh là gây ra tình trạng táo bón. Đây là tình trạng khiến cho người bệnh đau đớn và cảm thấy khó chịu. Có một số cách khắc phục được đề cập trong bài mà người bệnh có thể tham khảo để cải thiện triệu chứng. Tránh xem nhẹ và chủ quan vì táo bón kéo dài có thể khiến niêm mạc đại trực tràng bị tổn thương.
Bạn đang đọc: Những cách khắc phục táo bón do uống thuốc kháng sinh
1. Vì sao lại bị táo bón khi uống thuốc kháng sinh?
Thuốc kháng sinh là một trong những loại thuốc được kê đơn để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây nên. Tuy nhiên, loại thuốc này lại có khả năng gây ra tác dụng phụ, trong đó táo bón là một hiện tượng mà nhiều người hay gặp phải.
Thuốc có thể gây táo bón theo 2 cách:
– Ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn của đường ruột
– Làm cạn kiệt các khoáng chất quan trọng cần thiết hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt nhất
Thực tế có đủ loại vi khuẩn sống trong ruột giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn cũng như loại bỏ chất thải dễ dàng. Khi kháng sinh đưa vào người có thể tiêu diệt nhiều vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng vi khuẩn đường ruột. Từ đó dẫn đến nhiều vấn đề đường ruột, bao gồm cả táo bón.
Ngoài ra, kháng sinh có thể ảnh hưởng để cả khả năng hấp thụ một số khoáng chất quan trọng như magie. Magie có nhiệm vụ đảm bảo chuyển động thích hợp của ruột, thư giãn các cơ của ruột để thức ăn đi qua đường tiêu hóa dễ dàng. Nếu thiếu hụt thì người bệnh sẽ dễ bị táo bón.
Táo bón là hiện tượng thường gặp ở người dùng kháng sinh lâu dài, nếu không can thiệp sớm sẽ khiến cho niêm mạc đại trực tràng bị tổn thương
2. Khắc phục bằng cách nào?
Nếu bạn đang dùng kháng sinh và nhận thấy mình có những triệu chứng nghi ngờ táo bón dưới đây thì cần khắc phục sớm, tránh để diễn tiến kéo dài.
– Số lần đi đại tiện ít hơn bình thường (dưới 3 lần/ngày)
– Phân cứng hoặc nhỏ, vón cục
– Đại tiện khó khăn, người bệnh cảm thấy đau đớn hoặc có cảm giác đi không hết sau khi đi đại tiện.
2.1. Bổ sung đủ nước để khắc phục táo bón do uống thuốc kháng sinh
Nước là đóng vai trò quan trọng cho tất cả hoạt động của cơ thể, đặc biệt là trong quá trình tiêu hóa. Nước giúp:
– Làm mềm thức ăn
– Làm giảm áp lực trong dạ dày
– Giúp thức ăn và chất cặn bã đi qua đường ruột một cách dễ dàng.
Người bệnh nên bổ sung đủ nước trong quá trình uống thuốc kháng sinh. Mục đích là để kích thích quá trình chuyển hóa và hạn chế tác dụng phụ do thuốc gây ra, Bên cạnh đó, uống đủ nước còn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giảm kích thích trên niêm mạc dạ dày và cơ quan tiêu hóa.
Việc uống đủ nước cần được ghi nhớ và thực hiện bất kể thời điểm, không chỉ mỗi trong lúc dùng thuốc. Chuyên gia y tế khuyến cáo mỗi người cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, nên uống thành nhiều lần trong ngày. Việc chia đều lượng nước bổ sung trong ngày sẽ đảm bảo cân bằng cho chức năng hoạt động của cơ thể.
2.2. Bổ sung lợi khuẩn
Như đã nói ở trên, nhiều vi khuẩn có lợi sẽ bị tiêu diệt nếu dùng kháng sinh trong thời gian dài. Do đó, người bệnh cần bổ sung lợi khuẩn để bù trừ lượng vi khuẩn có lợi bị tiêu diệt. Việc tăng cường lợi khuẩn trong đường ruột sẽ giúp hoạt động tiêu hóa được cải thiện, giảm tình trạng táo bón.
Để tăng cường lợi khuẩn, người bệnh nên sử dụng sữa chua. Có thể thêm sữa chua vào các món ăn bằng cách chế biến sữa chua thành nước sốt, nước chấm, gia vị,… cho các món trộn. Tuy nhiên không nên làm nóng sữa chua vì sẽ giết chết các vi khuẩn tốt.
Bên cạnh đó, uống men vi sinh cũng là cách để tái tạo lợi khuẩn hiệu quả.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu về công dụng của thuốc Berberin
Sữa chua là nguồn cung cấp lợi khuẩn rất tốt cho hệ tiêu hóa, bạn có thể ăn sữa chua nguyên bản hoặc chế biến sữa chua thành gia vị cho các món trộn
2.3. Tăng cường chất xơ – Khắc phục táo bón do uống thuốc kháng sinh dễ dàng
Bổ sung chất xơ thông qua thực phẩm là cách trị táo bón do dùng thuốc kháng sinh cực kỳ hiệu quả. Chất xơ có vai trò kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa, có tác dụng nhuận tràng, tạo điều kiện cho vi khuẩn ở ruột già dễ lên men và hút nước để làm mềm phân, giúp đào thải phân ra ngoài dễ dàng.
Người bệnh có thể tăng cường chất xơ trong chế độ ăn bằng các nhóm thực phẩm sau đây:
– Trái cây tươi: táo, dứa, cam, quýt, kiwi, bơ,..
– Các loại đậu như đậu đen, đậu xanh, đậu Hà Lan,…
– Rau lá xanh gồm rau mồng tơi, rau đay, rau diếp cá, rau ngót, rau cải xanh. Những loại rau này có hàm lượng chất xơ dồi dào, bao gồm cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan.
– Ngũ cốc nguyên hạt như mè đen, bột yến mạch, hạt kê,…. hỗ trợ cải thiện tiêu hóa hiệu quả.
3. Một số cách giúp giảm nguy cơ táo bón do dùng kháng sinh
Tránh tự ý dùng thuốc là cách tốt nhất để ngăn ngừa táo bón. Bên cạnh đó, có một vài cách sau giúp bạn ngừa tình trạng táo bón khi uống kháng sinh đó là:
– Hạn chế uống kháng sinh trong thời gian dài.
– Tuân thủ đúng liều lượng, cách dùng, thời điểm uống theo chỉ định của bác sĩ.
– Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, nhiều rau xanh và trái cây tươi để hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh.
– Chủ động tập luyện mỗi ngày với các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức.
– Luôn nhắc nhở bản thân uống nhiều nước mỗi ngày. Nếu thường xuyên quên uống nước thì có thể tạo báo thức nhắc nhở.
– Luôn có men vi sinh sẵn trong nhà để có thể dùng khi cần.
>>>>>Xem thêm: 7 Nhóm thuốc dị ứng phổ biến bạn nên biết
Nên tạo thói quen uống nước mỗi ngày để ngăn ngừa táo bón, có thể cài nhắc nhở để không bị quên uống nước trong ngày
Tình trạng bị táo bón do dùng kháng sinh có thể dễ dàng khắc phục khi can thiệp đúng cách. Ngoài tác dụng phụ là táo bón thì thuốc kháng sinh cũng có thể gây ra một vài tác dụng khác như: kháng kháng sinh, sốc phản vệ,… Vì vậy, người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn, không tự ý mua và dùng thuốc mà không có đơn thuốc kèm theo.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.