Nhiệt độ cao dù chỉ trong thời gian ngắn cũng có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Trong những đợt nắng nóng, cần luôn theo dõi dự báo thời tiết trên các phương và cập nhật những hướng dẫn về an toàn. Hoạt động quá nhiều trong ngày nóng, ở quá lâu ngoài nắng hoặc ở nơi quá nóng có thể dẫn đến nhiều bệnh. Hãy cùng tìm hiểu về những cấp cứu hay gặp khi trời nóng và cách sơ cứu ban đầu.
Bạn đang đọc: Những cấp cứu hay gặp khi nắng nóng và cách xử trí
Say nóng (sốc nhiệt)
Say nóng xảy ra khi cơ thể không điều hòa được nhiệt độ. Thân nhiệt tăng mạnh, Cơ chế ra mồ hôi mất hoạt động, và cơ thể không thể tự làm mát được. Thân nhiệt có thể tăng tới 41oC hoặc hơn trong vòng 10 – 15 phút. Say nóng có thể gây tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.
Phát hiện: Các dấu hiệu cảnh báo say nóng rất khác nhau nhưng thường bao gồm:
- Thân nhiệt cực kỳ cao (trên 39,5oC, đo đường miệng)
- Da đỏ, nóng và khô (không ra mồ hôi)
- Mạch nhanh, mạnh
- Đau đầu như búa bổ
- Chóng mặt
- Buồn nôn
- Lú lẫn
- Mất ý thức
Những việc cần làm: Nếu phát hiện thấy ai đó có những dấu hiệu này, cần gọi cấp cứu ngay đồng thời tiến hành làm mát cho nạn nhân:
- Đưa nạn nhân vào nơi có bóng râm.
- Nhanh chóng làm mát nạn nhân bằng mọi biện pháp có trong tay. Ví dụ, đổ nước lên người nạn nhân, lau người nạn nhân bằng nước mát, hoặc nếu độ ẩm thấp, có thể quấn nạn nhân trong một tấm vải ẩm và mát và quạt mạnh vào người nạn nhân.
- Theo dõi thân nhiệt, tiếp tục làm mát cho đến khi thân nhiệt giảm xuống còn 38 – 39oC.
- Không cho nạn nhân uống nước.
- Tìm sự giúp đỡ về y tế càng sớm càng tốt.
Đôi khi cơ của nạn nhân sẽ bị co giật do hậu quả của sốc nhiệt. Khi đó cần giữ không để nạn nhân làm bị thương chính mình, nhưng không được cho bất kỳ đồ vật gì vào miệng nạn nhân và không cho nạn nhân uống nước. Nếu nạn nhân bị nôn, cần đảm bảo giữ thông đường hô hấp bằng cách quay đầu nạn nhân nghiêng sang bên.
Tìm hiểu thêm: Hạch dưới hàm nguy hiểm không và cảnh báo những bệnh lý nào?
>>>>>Xem thêm: Giảm đầy hơi bằng gừng tăng lên trong đường tiêu hóa
Hoạt động quá nhiều trong ngày nóng, ở quá lâu ngoài nắng hoặc ở nơi quá nóng có thể dẫn đến nhiều bệnh.
Kiệt sức do nóng
Kiệt sức do nóng là dạng bệnh nhẹ hơn có thể diễn ra sau vài ngày tiếp xúc với nhiệt độ cao và cơ thể được bù nước không đầy đủ hoặc không cân đối. Đây là đáp ứng của cơ thể với tình trạng mất muôi và nước quá nhiều theo đường mồ hôi. Những người dễ bị kiệt sức do nóng nhất là người già, người cao huyết áp, người làm việc hoặc tập luyện trong môi trường nóng.
Phát hiện: Những dấu hiệu cảnh báo kiệt sức do nóng gồm:
- Ra mồ hôi nhiều
- Xanh tái
- Chuột rút
- Mệt mỏi
- Yếu lả
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Buồn nôn hoặc nôn
- Ngất xỉu
Da có thể lạnh và ẩm. Mạch nhanh yếu. Thở nhanh và nông. Nếu không được điều trị, kiệt sức do nóng có thể dẫn đến say nóng (sốc). Tìm sự giúp đỡ về y tế ngay nếu:
- Các triệu chứng nghiêm trọng
- Nạn nhân có vấn đề về tim hoặc huyết áp cao
Nếu khong, giúp làm mát nạn nhân, và tìm sự giúp đỡ về y tế nếu các triệu chứng nặng lên hoặc kéo dài quá 1 giờ.
Những việc cần làm: Các biện pháp làm mát hiệu quả bao gồm:
- Đồ uống mát, không cồn
- Nghỉ ngơi
- Tắm nước mát hoặc chườm mát
- Môi trường có điều hòa không khí
- Quần áo mỏng nhẹ
Chuột rút do nóng
Chuột rút do nóng thường xảy ra ở những người bị mất mồ hôi quá nhiều trong khi hoạt động nặng. Ra mồ hôi làm cơ thể mất muối và nước. Lượng muối thấp trong cơ có thể gây chuột rút. Chuột rút do nóng cũng có thể là một triệu chứng của kiệt sức do nóng.
Phát hiện: Chuột rút do nóng là tình trạng đau hoặc co thắt cơ – thường ở bụng, cánh tay hoặc cẳng chân – có thể xảy ra khi hoạt động nặng. Người có bệnh tim hoặc đang có chế độ ăn nhạt cần được điều trị y tế ngay khi bị chuột rút do nóng.
Những việc cần làm: Nếu không cần sự giúp đỡ của y tế, hãy thực hiện những bước sau:
- Ngừng mọi hoạt động, và ngồi yên ở nơi mát.
- Uống nước sạch hoặc nước uống thể thao.
- Không hoạt động nặng trở lại trong vài giờ sau khi hết chuột rút, vì gắng sức lúc này có thể dẫn đến kiệt sức do nóng hoặc say nóng (sốc).
- Tìm sự giúp đỡ của y tế nếu chuột rút không giảm trong 1 giờ.
Bỏng nắng
Nên tránh bị bỏng nắng vì nó gây tổn thương cho da. Mặc dù ít khó chịu và vết thương thường liền trong khoảng 1 tuần, song bỏng nắng nặng hơn có thể cần điều trị y tế.
Phát hiện: Các triệu chứng của bỏng nắng rất dễ nhận biết: da bị đỏ, đau rát và nóng bất thường sau khi phơi nắng.
Những việc cần làm: Hỏi ý kiến bác sĩ nếu bỏng nắng xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi hoặc nếu có những triệu chứng sau:
- Sốt
- Nốt phỏng chứa đầy dịch
- Đau nhiều
Đồng thời, cần nhớ những bí quyết sau khi điều trị bỏng nắng:
- Tránh phơi nắng lại.
- Đắp khăn mát hoặc ngâm vùng bỏng nắng vào nước mát.
- Bôi lotion giữ ẩm lên vùng bị thương. Không dùng sáp, bơ hoặc thuốc mỡ.
- Không làm vỡ nốt phỏng.
Rôm sảy
Rôm sảy là tình trạng kích ứng da do mồ hôi ra nhiều trong thời tiết nóng, ẩm. Bệnh xảy ra ở mọi lựa tuổi nhưng hay gặp nhất ở trẻ nhỏ.
Phát hiện: Rôm sảy thường biểu hiện thành từng đám mụn hoặc mụn nước đỏ, dễ xảy ra nhất ở cổ, ngực, bẹn, dưới vú và nếp lằn khuỷu tay.
Những việc cần làm: Cách điều trị tốt nhất cho rôm sảy là tạo môi trường mát và ít ẩm. Giữ khô vùng bị bệnh. Có thể dùng phấn bột (dusting powder) để dễ chịu hơn.
Theo Dân trí
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.