Những điều bạn cần biết về ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư đường tiêu hóa phổ biến ở cả nam và nữ. Bệnh có tiên lượng sống khá tốt ở giai đoạn sớm nhưng không dễ phát hiện do triệu chứng giống các bệnh về tiêu hóa thông thường.

Bạn đang đọc: Những điều bạn cần biết về ung thư đại trực tràng

1. Khái quát chung về ung thư ở đại trực tràng

1.1. Ung thư đại trực tràng là gì?

Ung thư ở đại trực tràng là bệnh lý ác tính xuất phát từ các tế bào trong đại tràng (thành phần chính của ruột già) và trực tràng (phần nối giữa đại tràng và hậu môn). Khi các tế bào tại những vị trí này phát triển một cách mất kiểm soát sẽ làm hình thành khối u trong đại trực tràng. Theo thời gian, chúng có thể lan rộng ra ngoài và xâm lấn những cơ quan khác trên cơ thể qua đường máu hoặc hạch bạch huyết.

Ung thư đại tràng và trực tràng có liên quan trực tiếp tới sự tăng sinh của niêm mạc đại trực tràng, thường được gọi là polyp. Khả năng polyp tiến triển thành ung thư còn phụ thuộc từng loại polyp cũng như thể trạng của mỗi bệnh nhân.

Những điều bạn cần biết về ung thư đại trực tràng

Tế bào ung thư có thể phát triển và tạo thành khối u trong đại tràng và trực tràng

1.2. Tại sao chúng ta mắc phải căn bệnh này?

Nguyên nhân chính xác gây ra ung thư ở đại trực tràng chưa được xác định. Tuy nhiên, một số yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc phải căn bệnh này:

Tuổi tác

Độ tuổi càng cao thì càng dễ bị ung thư đại tràng và trực tràng, ước tính có khoảng 90% số bệnh nhân nằm trong độ tuổi từ 50 trở lên.

Tiền sử bệnh đường ruột

Nếu một người có polyp ở đại trực tràng hoặc từng bị viêm – viêm loét đại tràng thì những tổn thương này có thể phát triển thành ung thư.

Tiền sử ung thư

Ung thư tử cung, buồng trứng hoặc ung thư vú có thể di căn tới đại trực tràng, ung thư trực tràng có thể di căn tới đại tràng. Do đó, nếu một người từng mắc ung thư ở các vị trí nêu trên thì nguy cơ ung thư lan đến đại tràng và trực tràng cũng cao hơn.

Do di truyền

Nếu trong gia đình có người từng mắc ung thư đại tràng, trực tràng hoặc thậm chí chỉ có polyp đại trực tràng thì bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người khác.

Béo phì, dư thừa cân nặng

Tình trạng thừa cân ở cả nam và nữ đều có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện khối u ở đại trực tràng, trong đó nam giới được coi là dễ mắc bệnh hơn.

Ít vận động

Thói quen tập luyện thể dục và chơi thể thao có thể giúp tăng cường sức khỏe và phòng ngừa nhiều loại bệnh. Ngược lại, nếu bạn ít vận động thì sẽ dễ mắc phải một số loại bệnh, trong đó có ung thư đại tràng và ung thư trực tràng.

Chế độ ăn uống kém khoa học

Đường ruột nói chung và đại trực tràng nói riêng rất dễ bị ảnh hưởng bởi những thứ chúng ta ăn hàng ngày. Trong đó, một số loại thực phẩm như thịt đỏ, thức ăn chế biến sẵn, đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ,… thường làm tăng nguy cơ tế bào ung thư phát triển.

Hút thuốc, uống rượu bia và dùng các chất kích thích

Hút thuốc lá không chỉ gây ra ung thư phổi mà còn làm tăng nguy cơ phát triển khối u trong đại trực tràng. Tương tự, rượu bia và các chất kích thích khi được hấp thụ vào cơ thể cũng là môi trường thuận lợi để các tế bào ung thư phát triển mạnh mẽ hơn.

2. Một số dấu hiệu cảnh báo ung thư ở đại trực tràng

Ở giai đoạn sớm, ung thư không biểu hiện thành các triệu chứng rõ ràng trên cơ thể người bệnh. Những triệu chứng này cũng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh liên quan đến đường ruột khác. Chỉ khi bệnh tiến triển nặng hơn, chúng mới biểu lộ rõ hơn, bao gồm:

– Tiêu chảy, táo bón suốt nhiều ngày liên tiếp

– Cảm giác không đi hết phân sau khi đại tiện

– Phân sẫm màu hoặc có lẫn máu

– Phân có dạng dẹt, dài và hẹp

– Bụng thường bị đau quặn lại

– Sụt cân nhanh chóng nhưng không rõ lý do

– Cơ thể mệt mỏi, suy nhược

Ngay khi phát hiện những triệu chứng bất thường này, người bệnh nên đi khám để tìm ra nguyên nhân chính xác.

Tìm hiểu thêm: Giải đáp: Viêm lợi có lây không?

Những điều bạn cần biết về ung thư đại trực tràng

Những cơn đau bụng quằn quại có thể đến từ khối u trong đại trực tràng

3. Chẩn đoán và sàng lọc ung thư đại trực tràng

Để chẩn đoán và sàng lọc ung thư ở đại trực tràng, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện các phương pháp sau:

3.1. Xét nghiệm máu trong phân

Polyp và ung thư có thể dẫn tới tình trạng xuất huyết đại tràng. Lượng máu này hầu như không thể quan sát bằng mắt thường mà chỉ được xác định bằng cách xét nghiệm thành phần của phân. Nếu kết quả dương tính có nghĩa là trong phân có lẫn máu.

3.2. Nội soi đại tràng sigma

Nội soi đại tràng sigma có thể giúp phát hiện các bất thường ở trực tràng và đại tràng sigma. Nhờ camera siêu nhỏ được gắn ở đầu ống nội soi, bác sĩ sẽ kiểm tra được sự hiện diện của polyp và khối u ở khu vực này. Trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng có thể tiến hành cắt bỏ polyp hoặc lấy mẫu để sinh thiết mô.

3.3. Nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng có thể coi là phương pháp sàng lọc ung thư ở đại trực tràng phổ biến nhất hiện nay. Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát toàn bộ đại tràng và trực tràng thay vì chỉ một đoạn nhất định như nội soi đại tràng sigma.

Trong suốt quá trình nội soi, các tổn thương ở thành ruột trong đại tràng và trực tràng sẽ được camera ghi lại. Bác sĩ cũng có thể tiến hành lấy mẫu mô để xét nghiệm thêm hoặc loại bỏ ngay các polyp nếu cần thiết.

Những điều bạn cần biết về ung thư đại trực tràng

>>>>>Xem thêm: Dán sứ veneer giá bao nhiêu: Thông tin chi tiết cho người thắc mắc

Hiện nay, nội soi đại tràng được thực hiện rất nhanh chóng và dễ dàng

3.4. Chụp X quang đại trực tràng cản quang kép

Đây là kỹ thuật chụp X quang đại tràng và trực tràng có sử dụng 2 loại chất cản quang. Nhờ đó, hình ảnh thu được sẽ rõ nét hơn và các tổn thương nhỏ dưới 1 cm cũng có thể được phát hiện ra.

3.5. Chụp cắt lớp vi tính đại tràng

Chụp cắt lớp vi tính hay chụp CT đại tràng thường được chỉ định cho những bệnh nhân không thể thực hiện nội soi gây mê hoặc có nguy cơ tắc đại tràng. Tương tự như chụp X quang, chụp CT cũng giúp bác sĩ phát hiện những bất thường
trong đại tràng và trực tràng để có hướng xử lý kịp thời.

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về bệnh ung thư ở đại tràng và trực tràng. Để biết rõ hơn về cách điều trị bệnh, bạn hãy đến bệnh viện khám và tham khảo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *