Theo thống kê tại Việt Nam, tỷ lệ người bị áp xe phổi chiếm khoảng 4,8% tổng các trường hợp mắc các bệnh lý liên quan đến phổi. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như giãn phế quản, viêm màng não, ho ra máu, suy kiệt các cơ quan đe dọa đến tính mạng…
Bạn đang đọc: Những điều cần biết về áp xe phổi
1. Áp xe phổi là bệnh gì?
Áp xe phổi hay ép xe phổi (Lung Abscess) là một bệnh lý nhiễm trùng xảy ra ở mô phổi, thường là hậu quả của các viêm nhiễm cấp tính như viêm phổi, tắc mạch phổi nhiễm khuẩn… Khi mắc bệnh này, nhu mô phổi của người bệnh sẽ bị hoại tử, hình thành các ổ áp xe. Các ổ áp xe này chứa mủ, xác bạch cầu chết và các vi sinh vật gây bệnh.
Nguyên nhân gây áp xe phổi phổ biến:
– Vi khuẩn kỵ khí: Nguyên nhân này chiếm tỷ lệ hơn 60% các trường hợp áp xe ở phổi. Những vi khuẩn thường gặp nhất gây áp xe ở phổi là Bacteroides melaninogenicus, Fusobacterium nucleatum, Bacteroid fragilis peptococcus, Peptostreptococcus…
– Tụ cầu vàng: Gây tổn thương nhu mô phổi và màng phổi nặng nề, có nguy cơ gây hội chứng suy phổi, nhiễm trùng, nhiễm độc nặng…
– Klebsiella Pneumoniae: Bệnh do vi khuẩn này gây nên tiến triển và lan rất nhanh, bệnh cảnh nặng và nguy cơ tử vong cao.
– Các vi khuẩn khác: Những vi khuẩn như phế cầu khuẩn, liên cầu nhóm A hay tan máu, Pseudomonas aeruginosa, Haemophilus influenzae cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
– Ký sinh trùng: Loại thường gặp nhất là amip, đa số các trường hợp là thứ phát sau áp xe gan, ruột. Tổn thương này thường xuất hiện ở đáy phổi phải, sát với cơ hoành và kèm thương tổn màng phổi.
Ngoài ra, kén phế quản bội nhiễm, kén phổi bẩm sinh, ung thư nguyên phát hoại tử, bệnh giãn phế quản, hang lao, chấn thương lồng ngực hở, đặt nội khí quản… cũng có thể biến chứng gây áp xe.
Vi khuẩn kỵ khí là nguyên nhân tích tụ dịch mủ ở phổi.
2. Các giai đoạn bệnh và triệu chứng tương ứng
Bệnh lý về phổi này thường trải qua 3 giai đoạn:
2.1 Giai đoạn ổ mủ kín
Ở giai đoạn ổ mủ kín, các ổ mủ dần được hình thành và mở rộng do dịch mủ không ngừng được tạo ra. Lúc này, kích thước các ổ mủ vẫn nằm trong giới hạn cho phép nên chưa gây nhiều ảnh hưởng đến người bệnh, nhưng sẽ tăng dần với tốc độ rất nhanh nếu không được kiểm soát sớm. Triệu chứng của giai đoạn này tương đối mờ nhạt, bao gồm tình trạng ho, đau ngực. Người bệnh có thể sốt trên 39 – 40 độ C kèm theo khạc đờm nhiều, có thể cả biếng ăn hoặc giảm cân.
2.2 Giai đoạn ộc mủ
Giai đoạn ộc mủ thường xảy ra sau 6 – 15 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng. Lúc này, ổ áp xe bị vỡ ra do dịch mủ tích tụ quá nhiều. Các triệu chứng của bệnh cũng ồ ạt và nguy hiểm hơn so với giai đoạn đầu. Đặc biệt, tình trạng ho, đau tăng lên. Trong cơn ho dữ dội, bệnh nhân có thể ộc ra nhiều mủ hoặc đờm có lẫn máu.
Sau cơn ộc mủ, sức khỏe của bệnh nhân có thể bị suy giảm nghiêm trọng, người mệt lả, vã mồ hôi. Sau đó bệnh nhân có thể cảm thấy dễ chịu hơn trong chốc lát nhưng nếu không được điều trị triệt để, các triệu chứng sẽ tái phát thậm chí nguy hiểm hơn.
2.3 Giai đoạn ổ mủ thông với phế quản
Khi chuyển sang giai đoạn này, người bệnh thường vẫn bị ho dai dẳng song triệu chứng bệnh không quá ồ ạt và nặng nề. Ho thường xảy ra nhiều hơn khi thay đổi tư thế hoặc xuất hiện các tác nhân kích thích gây ho.
3. Bệnh áp xe phổi có nguy hiểm không?
Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách, áp xe phổi có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:
– Giãn phế quản, thường quanh ổ áp xe
– Ứ dịch mủ ở màng phổi và màng tim do vỡ ổ áp xe
– Nhiễm trùng máu
– Áp xe não, viêm màng não
– Ho ra máu nặng
– Suy kiệt, thoái hóa nhiều cơ quan, đe dọa tính mạng người bệnh
Tuy nhiên, nếu điều trị từ sớm, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường, bệnh vẫn có thể được kiểm soát tốt.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu các loại bệnh lao
Người bệnh có phổi bị áp xe có thể bị ho ra máu nặng.
4. Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán bạn có bị áp xe phổi hay không, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh, khai thác bệnh sử, triệu chứng. Trong trường hợp cần thiết, các bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp cận lâm sàng như:
– Xét nghiệm máu: Nhằm kiểm tra số lượng bạch cầu, dấu hiệu nhiễm trùng.
– Xét nghiệm mẫu đờm hoặc mủ: Xét nghiệm này được thực hiện người bệnh có các dấu hiệu của bệnh.
– Chụp X-quang hoặc CT scan: Tái hiện hình ảnh của phổi, nhận diện áp xe phổi (hình ảnh áp xe trên phim X-quang có dạng hình tròn có bờ không đều, khá dày, bên trong chứa dịch), xác định chính xác vị trí ổ áp xe nếu có.
– Nội soi phế quản: Thường được sử dụng trong trường hợp nghi ngờ bít tắc đường thở hoặc suy giảm hệ miễn dịch, hoặc người bệnh điều trị thuốc kháng sinh nhưng không thuyên giảm.
5. Phương pháp điều trị phổi bị áp xe
Tùy theo tình trạng và mức độ tổn thương mô phổi, sẽ có những phương pháp điều trị áp xe phổi khác nhau.
5.1 Điều trị áp xe phổi bằng phương pháp nội khoa
Điều trị bằng thuốc kháng sinh
Kháng sinh điều trị áp xe phổi thường được phối hợp từ 2 loại khác nhau, có thể dùng đường tiêm truyền tĩnh mạch hoặc đường tiêm bắp với liều cao ngay từ đầu, sau khi lấy mẫu bệnh phẩm của người bệnh. Trong quá trình điều trị, các loại kháng sinh có thể thay đổi dựa vào đặc điểm lâm sàng và kháng sinh đồ theo chỉ định của bác sĩ.
Thời gian sử dụng thuốc kháng sinh thường trong khoảng 4 – 6 tuần. Người bệnh phải phối hợp và tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ, không tự ý thay đổi loại thuốc hay liều lượng để đạt hiệu quả tốt nhất.
Dẫn lưu ổ áp xe
Dẫn lưu là phương pháp hút dịch mủ ra khỏi ổ áp xe, có thể thực hiện bằng các phương pháp:
– Dẫn lưu tư thế vỗ rung lồng ngực: Ở phương pháp này, các bác sĩ chọn tư thế dẫn lưu, vỗ rung lồng ngực cho người bệnh dựa vào phim chụp X-quang phổi thẳng nghiêng. Tùy từng trường hợp có thể dẫn lưu tư thế nhiều lần/ngày, tăng dần thời gian kết hợp với vỗ rung.
– Nội soi phế quản ống mềm: Thực hiện hút mủ ở phế quản, dẫn lưu ổ áp xe thông qua nội soi phế quản ống mềm. Phương pháp này cũng giúp phát hiện các tổn thương làm tắc nghẽn, dị vật trong phế quản nếu có.
– Chọc dẫn lưu mủ qua da: Thường áp dụng đối với những ổ áp xe không thông với phế quản, ở sát thành ngực hoặc dính với màng phổi.
>>>>>Xem thêm: Ho và những điều cần lưu ý Ho có khi kéo dài nhiều ngày
Chẩn đoán và điều trị áp xe phổi tại chuyên khoa hô hấp uy tín.
5.2 Điều trị phẫu thuật
Khi ổ áp xe lớn hơn 10cm hoặc điều trị nội khoa nhưng không hiệu quả, bệnh nhân ho ra máu nhiều lần hoặc có biến chứng rò phế quản, bị ung thư phổi áp xe hóa, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Chỉ có hoảng 10% các trường hợp áp xe được chỉ định điều trị bằng phương pháp này (có thể cắt phân thùy phổi, hoặc cắt một bên phổi).
5.3 Các phương pháp hỗ trợ trong điều trị áp xe phổi
Để tăng hiệu quả điều trị, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng và năng lượng, đặc biệt là protein và vitamin; bổ sung nước, điện giải; sử dụng liệu pháp thở oxy nếu cần.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.