Xạ trị là một phương pháp điều trị ung thư bàng quang, chủ yếu được sử dụng cho những trường hợp không thể phẫu thuật hoặc không muốn phẫu thuật. Xạ trị có hiệu quả cao hơn khi kết hợp với hóa trị.
Những điều cần biết về xạ trị điều trị ung thư bàng quang
Xạ trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư phổ biến nhất.
Xạ trị sử dụng các sóng hoặc hạt năng lượng cao như tia X, tia gamma hoặc proton để phá hủy DNA của tế bào ung thư. Điều này cản trở khả năng phát triển và phân chia của các tế bào ung thư, khiến cho các tế bào này chết đi.
Xạ trị có thể là một phần trong phác đồ điều trị ung thư bàng quang.
Xạ trị được sử dụng như thế nào trong điều trị ung thư bàng quang?
Nói chung, phẫu thuật là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh ung thư bàng quang xâm lấn cơ.
Người bệnh thường phải phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang nhưng xạ trị cũng có thể được sử dụng làm phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư bàng quang.
Xạ trị thường được thực hiện trong những trường hợp không đủ điều kiện phẫu thuật hoặc người bệnh lựa chọn không phẫu thuật. Ví dụ về những trường hợp không nên phẫu thuật là:
- Người bệnh tuổi tác quá cao
- Người bệnh mắc các bệnh lý nghiêm trọng khác
- Không thể loại bỏ khối u bằng phẫu thuật
Một nghiên cứu vào năm 2019 trên 7.461 người mắc bệnh ung thư bàng quang xâm lấn cơ cho thấy 75% người tham gia được điều trị bằng phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang, trong khi 25% còn lại được điều trị bằng xạ trị.
Xạ trị kết hợp với phẫu thuật và hóa trị
Khi xạ trị được thực hiện nhằm mục đích chữa khỏi ung thư thì được gọi là “xạ trị triệt căn”. Xạ trị triệt căn thường được kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư bàng quang khác tập trung vào việc loại bỏ ung thư mà vẫn bảo tồn bàng quang, chẳng hạn như cắt bỏ khối u qua niệu đạo (TUR) hoặc hóa trị.
Cắt bỏ khối u qua niệu đạo có nghĩa là chỉ cắt bỏ khối u mà không phải cắt toàn bộ bàng quang. Hóa trị là phương pháp điều trị sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư.
Xạ trị kết hợp với hóa trị
Khi xạ trị được kết hợp với hóa trị thì được gọi là “hóa xạ trị đồng thời”. Việc kết hợp với hóa trị giúp làm tăng hiệu quả xạ trị.
Xạ trị cũng có thể được sử dụng để điều trị bệnh ung thư bàng quang trong những trường hợp:
- Thực hiện sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại
- Thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u, giúp cắt bỏ khối u dễ dàng hơn
- Điều trị ung thư bàng quang đã lan đến các hạch bạch huyết hoặc đến các vùng xa trong cơ thể
- Để giảm bớt các triệu chứng của ung thư bàng quang di căn
Xạ trị có thể chữa khỏi ung thư bàng quang không?
Một mình phương pháp xạ trị rất khó chữa khỏi bệnh ung thư bàng quang. Xạ trị thường hiệu quả hơn khi kết hợp cùng với các phương pháp điều trị khác. Ví dụ, một nghiên cứu vào năm 2019 và nghiên cứu được trình bày vào năm 2023 đã chỉ ra rằng xạ trị triệt căn kết hợp hóa trị có hiệu quả hơn so với xạ trị đơn thuần. (1)
Quá trình xạ trị điều trị ung thư bàng quang
Có hai phương pháp xạ trị chính là xạ trị chùm tia bên ngoài và xạ trị áp sát. Loại xạ trị thường được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang là xạ trị chùm tia bên ngoài. Trong phương pháp này, một thiết bị bên ngoài cơ thể sẽ chiếu chùm tia phóng xạ vào khu vực có khối u.
Trước khi bắt đầu điều trị, bác sĩ sẽ:
- xác định vị trí ung thư trong cơ thể người bệnh, thường bằng các kỹ thuật chụp chiếu như chụp CT hoặc chụp MRI
- tìm góc phù hợp để chiếu xạ
- quyết định liều lượng phóng xạ, bao gồm tổng liều và liều lượng trong mỗi lần điều trị
Thông thường, người bệnh sẽ điều trị ngoại trú, có nghĩa là chỉ phải đến bệnh viện theo lịch để điều trị và có thể về nhà sau khi buổi điều trị kết thúc. Hầu hết người bệnh cần điều trị 5 ngày một tuần và nghỉ vào cuối tuần để tế bào khỏe mạnh trong cơ thể có thời gian phục hồi. Toàn bộ quá trình điều trị có thể kéo dài từ 4 đến 7 tuần.
Xạ trị có đau không?
Xạ trị không gây đau đớn. Người bệnh sẽ nằm lên bàn điều trị hoặc ngồi trên ghế và bất động. Kỹ thuật viên điều khiển máy xạ trị từ một phòng khác và liên lạc với người bệnh qua tai nghe. Thiết bị sẽ chiếu chùm tia phóng xạ vào vị trí có khối u.
Quá trình chiếu xạ thường chỉ mất một vài phút nhưng mỗi buổi điều trị có thể kéo dài từ 30 đến 60 phút do còn có các bước chuẩn bị, gồm có điều chỉnh vị trí, tư thế nằm của người bệnh.
Hiệu quả của xạ trị trong điều trị ung thư bàng quang
Xạ trị là một phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh ung thư bàng quang, đặc biệt khi kết hơp với các phương pháp điều trị khác.
Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành nhằm so sánh hiệu quả của xạ trị với phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng cả xạ trị và phẫu thuật đều hiệu quả hơn khi kết hợp với hóa trị. (2)
Trên thực tế, các nghiên cứu vào năm 2020 và 2023 đã cho thấy rằng xạ trị và phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang cho kết quả tương đương nhau. Tuy nhiên, một số nghiên cứu vào năm 2019 và 2022 đã phát hiện ra rằng phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang có hiệu quả cao hơn xạ trị. (3)
Phương pháp điều trị nào hiệu quả nhất?
Phác đồ điều trị cho mỗi một ca bệnh ung thư bàng quang là khác nhau. Phác đồ điều trị sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Loại ung thư bàng quang
- Giai đoạn ung thư
- Tốc độ phát triển và lan rộng của ung thư
- Tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh
- Lựa chọn của người bệnh
Ưu và nhược điểm của xạ trị
Ưu điểm lớn nhất của xạ trị là có hiệu quả trong điều trị ung thư bàng quang. Xạ trị đặc biệt hiệu quả khi được kết hợp cùng với các phương pháp điều trị khác.
Xạ trị giúp bảo tồn bàng quang và không giống như phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang, những người điều trị bằng xạ trị không cần phải phẫu thuật chuyển lưu dòng nước tiểu.
Tuy nhiên, xạ trị có thể gây ra những tác dụng phụ dưới đây:
- Các vấn đề về tiết niệu như:
- Đi tiểu nhiều lần hoặc tiểu gấp
- Đau khi đi tiểu
- Tiểu ra máu
- Mệt mỏi
- Da đỏ, sạm, bong tróc hoặc phồng rộp ở khu vực điều trị
- Rụng lông ở vùng điều trị
- Buồn nôn và nôn mửa
- Tiêu chảy
- Giảm số lượng tế bào máu, dẫn đến:
- Thiếu máu
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng
- Dễ chảy máu
Đa số các tác dụng phụ đều tự hết sau khi kết thúc điều trị. Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy chất lượng cuộc sống của người bệnh đã trở về bình thường sau 6 tháng kể từ khi kết thúc quá trình điều trị ung thư bàng quang bằng hóa xạ trị đồng thời.
Tác dụng phụ lâu dài của xạ trị
Bên cạnh các tác dụng phụ tạm thời, xạ trị vùng chậu còn có thể gây ra các tác dụng phụ lâu dài, ví dụ như:
- Viêm bàng quang, xảy ra do tia phóng xạ làm tổn thương niêm mạc bàng quang, dẫn đến các triệu chứng kéo dài dai dẳng
- Tiểu không tự chủ do giảm khả năng kiểm soát bàng quang
- Các vấn đề về đường ruột như đại tiện ra máu và đại tiện không tự chủ
- Các vấn đề về chức năng tình dục như khô âm đạo ở phụ nữ và rối loạn cương dương ở nam giới
- Vô sinh
Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang khác
Ngoài xạ trị, các phương pháp điều trị ung thư bàng quang khác còn có:
- Phẫu thuật, gồm cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo hoặc cắt toàn bộ bàng quang, sau đó là chuyển lưu dòng tiểu
- Hóa trị: sử dụng các loại thuốc tiêu diệt hoặc cản trở sự phát triển của tế bào ung thư
- Hóa trị hoặc liệu pháp miễn dịch trong bàng quang: thuốc hóa trị hoặc thuốc miễn dịch được tiêm trực tiếp vào bàng quang
- Liệu pháp miễn dịch: giúp tăng cường phản ứng của hệ miễn dịch với tế bào ung thư
- Liệu pháp nhắm trúng đích: sử dụng thuốc nhắm đến các gen và protein giúp tế bào ung thư phát triển, phân chia và lan rộng.
Tóm tắt bài viết
Mặc dù đa số các ca bệnh ung thư bàng quang được điều trị bằng phẫu thuật nhưng xạ trị cũng có thể là một phần trong phác đồ điều trị. Xạ trị thường được sử dụng cho những trường hợp không thể hoặc không muốn phẫu thuật cắt bỏ bàng quang. Xạ trị thường được kết hợp với hóa trị.
Loại xạ trị để điều trị ung thư bàng quang là xạ trị chùm tia bên ngoài. Thời gian điều trị và liều lượng phóng xạ sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của mỗi ca bệnh.
Mặc dù có ưu điểm là hiệu quả, bảo tồn được bàng quang và không cần chuyển lưu dòng tiểu nhưng xạ trị có thể gây ra các tác dụng phụ, cả về ngắn hạn lẫn dài hạn.