Những điều cần lưu ý để phục hồi sau đột quỵ cho người bệnh

Phục hồi sau đột quỵ đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống, khôi phục chức năng vận động. Người thân trong gia đình cần lưu ý và hỗ trợ người bệnh học lại các kỹ năng đã bị suy giảm hoặc mất sau tổn thương não. 

1. Phục hồi sau đột quỵ là gì?

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do dòng máu chảy đến não bị gián đoạn hoặc suy giảm mạnh mẽ, làm hư hại các mạch máu và gây tổn thương đến các bộ phận trong não. Trong khoảng vài phút, nếu không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết các tế bào não sẽ chết dần. Não bộ thiếu oxy càng lâu thì số lượng tế bào não chết càng nhiều. Điều này ảnh hưởng xấu đến khả năng vận động, nhận thức của bệnh nhân, thậm chí một số người có thể bị tử vong. Đột quỵ cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng tàn tật lâu dài ở người trưởng thành. Vì vậy, người bị đột quỵ cần được các chuyên gia y tế can thiệp kịp thời.

Bên cạnh việc cấp cứu nhanh chóng, đúng cách thì bệnh nhân cần có các biện pháp hồi phục sau đột quỵ. Đây là quá trình giúp người sau tai biến khôi phục lại chức năng bị suy giảm như khả năng di chuyển, nói chuyện, thị lực, nhận biết và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Thời gian khôi phục có thể dài hoặc ngắn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng người. Với những bệnh nhân mà các chức năng bị suy giảm nghiêm trọng, quá trình phục hồi thường kéo dài và đòi hỏi sự cố gắng của cả người bị đột quỵ và đội ngũ chăm sóc y tế cũng như gia đình, bạn bè.

Những điều cần lưu ý để phục hồi sau đột quỵ cho người bệnh

Phục hồi cho người sau đột quỵ là quá trình khôi phục lại chức năng bị suy giảm

2. Các phương pháp phục hồi chức năng sau đột quỵ

2.1. Tập luyện phục hồi sau đột quỵ

Một trong những phương pháp quan trọng trong quá trình hồi phục sau đột quỵ là thực hiện các hoạt động thể chất. Các hoạt động này giúp tăng cường sự linh hoạt, sức mạnh và khả năng di chuyển, từ đó giúp người bệnh phục hồi chức năng sau đột quỵ một cách tốt nhất.

– Đi bộ và tập thể dục định kỳ: Đi bộ là một hoạt động thể chất đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc hồi phục sau đột quỵ. Người bệnh nên bắt đầu từ những quãng đường ngắn và dần dần tăng dần khoảng cách và tốc độ đi bộ. Ngoài ra, tập thể dục định kỳ như tập yoga, bơi lội, hoặc các bài tập nhẹ nhàng khác cũng giúp cải thiện tuần hoàn máu, nâng cao sức khỏe và chức năng cơ bắp.

– Tập luyện sức mạnh: Tập luyện sức mạnh tập trung vào cải thiện sức mạnh và khả năng hoạt động của các nhóm cơ bị suy giảm sau đột quỵ. Tuy nhiên, quá trình vận động phải được điều chỉnh và giám sát cẩn thận để tránh chấn thương và đảm bảo an toàn cho người bệnh.

– Tập cân bằng: Sau đột quỵ, khả năng cân bằng của người bệnh thường bị suy giảm. Việc thực hiện các bài tập cân bằng như đứng một chân, di chuyển trọng tâm cơ thể hoặc tập các bài tập cân bằng đặc biệt có thể giúp giảm nguy cơ ngã.

Những điều cần lưu ý để phục hồi sau đột quỵ cho người bệnh

Rèn luyện thể chất rất quan trọng để phục hồi chức năng vận động cho người bệnh

2.2. Phục hồi sau đột quỵ về nhận thức và cảm xúc cho người bệnh

Hồi phục sau đột quỵ không chỉ tập trung vào việc khôi phục chức năng thể chất mà còn cần đặc biệt quan tâm đến việc phục hồi nhận thức và cảm xúc cho người bệnh. Đột quỵ có thể gây ra những thay đổi lớn trong nhận thức và tình cảm, ảnh hưởng đến tư duy, trí nhớ, sự tập trung, cảm giác tự tin và tình trạng tâm lý của bệnh nhân. Vì vậy, trong quá trình phục hồi, gia đình, người thân cần chú trọng đến việc hỗ trợ và điều chỉnh những yếu tố này.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế sẽ tiến hành đánh giá các chức năng nhận thức như trí tuệ, nhận biết, ghi nhớ và xử lý thông tin. Gia đình có thể tham khảo ý kiến từ các chuyên gia để sử dụng các kỹ thuật hoặc sử dụng các công cụ hỗ trợ như lịch, bảng ghi chú để giúp người bệnh quản lý thông tin và tăng cường khả năng nhận thức.

Đột quỵ có thể gây biến đổi trong tâm trạng, tạo cảm giác lo lắng, sự chán nản hoặc thậm chí trầm cảm. Trong quá trình phục hồi, người bệnh cần được hỗ trợ tâm lý và cảm xúc. Các buổi tư vấn, hỗ trợ tâm lý, và các hoạt động như yoga, thiền hoặc những hoạt động giải trí tích cực có thể giúp giảm căng thẳng và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi.

Những điều cần lưu ý để phục hồi sau đột quỵ cho người bệnh

Gia đình, bạn bè cần đặc biệt quan tâm đến việc phục hồi nhận thức và cảm xúc cho bệnh nhân sau đột quỵ

3. Quá trình phục hồi phụ thuộc vào những yếu tố nào?

Quá trình phục hồi sau đột quỵ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm tình trạng sức khỏe, sự hỗ trợ và chăm sóc từ các bác sĩ, gia đình và xã hội. Mỗi người bệnh có đặc điểm và tình trạng sức khỏe riêng.

Tuổi tác, giới tính, trạng thái sức khỏe trước đột quỵ, mức độ nghiêm trọng của đột quỵ và khả năng phục hồi tự nhiên của cơ thể đều ảnh hưởng đến quá trình phục hồi. Sau đột quỵ, quá trình phục hồi cần có sự hỗ trợ và chăm sóc y tế chuyên nghiệp. Điều này bao gồm việc tiếp cận kịp thời đến các dịch vụ y tế, chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.

Sự hỗ trợ và quan tâm từ gia đình, bạn bè và cộng đồng xung quanh cũng có tác động lớn đến quá trình phục hồi. Một môi trường ủng hộ và yêu thương giúp người bệnh vượt qua những khó khăn, cảm thấy động viên và tin tưởng vào khả năng phục hồi của mình.

Gia đình cũng cần chú ý đến việc hỗ trợ bệnh nhân thực hiện các bài tập phục hồi và tuân thủ các liệu trình điều trị được chỉ định. Sự kiên nhẫn, đều đặn và quyết tâm của người bệnh trong việc thực hiện tập luyện và điều chỉnh thói quen sống có vai trò quan trọng trong việc đạt được kết quả tốt. Bởi lối sống lành mạnh sẽ giúp phục hồi sau tai biến và ngăn bệnh tái phát. Bệnh nhân nên duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, kiểm soát căng thẳng và giữ cho tinh thần thoải mái, thư giãn, tự tin.

4. Ngăn ngừa đột quỵ xảy ra bằng cách nào?

Quá trình phục hồi của bệnh nhân sau đột quỵ thường kéo dài và tiêu tốn chi phí, thời gian, sức lực, ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh cũng như người thân. Do đó, việc ngăn đột quỵ xảy ra là mấu chốt giúp bạn và gia đình tránh được nhưng phiền toái kể trên.

Để làm được điều này, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên chủ động thay đổi lối sống và thực hiện khám tầm soát nguy cơ đột quỵ từ sớm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *